Hội thảo trực tuyến dự báo tình hình dệt may năm 2022
Sáng 01/10/2021, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex)- ông Lê Tiến Trường đã chủ trì hội thảo trực tuyến về “Dự báo tình hình dệt may năm 2022”. Tham gia buổi hội thảo có Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn, Ban Kiểm soát, Cơ quan điều hành Tập đoàn và Trưởng các ban chức năng của Tập đoàn.
Hội thảo bàn thảo các nội dung về “Dự báo tình hình dệt may năm 2022”.
Mở đầu cuộc hội thảo, ông Lê Tiến Trường đã có những trao đổi tổng quan về tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 của Tập đoàn; tiếp đó ông Phạm Văn Tân- Phó Tổng Giám đốc báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021, dự kiến kết quả năm 2021; ông Vương Đức Anh- Chánh văn phòng HĐQT báo cáo tình hình cung cầu dệt may thế giới trong năm 2020- 8 tháng đầu năm 2021 và dự báo tình hình dệt may thế giới năm 2022.
Tại buổi hội thảo, các thành viên đều nhất trí với báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021. Lãnh đạo các đơn vị cũng trao đổi, chia sẻ những khó khăn mà quý 4/2021 và dự kiến năm 2022 doanh nghiệp dệt may phải đối mặt. Với các doanh nghiệp phía Nam khó khăn nhất là việc thiếu hụt lao động, đến thời điểm mở cửa lượng lao động trở lại nhà máy không đủ để đảm bảo hoạt động sản xuất… Các doanh nghiệp khu vực miền Trung và miền Bắc dù ít bị ảnh hưởng hơn nhưng đơn vị cũng phải chi phí rất nhiều cho việc duy trì sản xuất như: chi phí test Covid-19, chi phí bố trí lao động ba tại chỗ… Năm 2021, thị trường sợi tương đối tốt nhưng năm 2022 ngành sợi sẽ khó đoán định, do đó lãnh đạo các doanh nghiệp sợi phải có sự giám sát chặt chẽ biến động của thị trường này.
Toàn cảnh hội thảo.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, các giả thiết dự báo tình hình dệt may thế giới và trong nước, ông Lê Tiến Trường đã kết luận và giao nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện định hướng kế hoạch Tập đoàn Dệt May Việt Nam năm 2022 như sau:
Nhận định chung: thị trường thế giới tiếp tục phục hồi nhu cầu về mức ngang năm 2019 trước đại dịch Covid -19, đặc biệt ở các nước phát triển.
Giá nguyên liệu đầu vào như bông, xơ, sợi, vải tiếp tục xu thế tăng. Logistic tiếp tục còn trở ngại và giá cao so với năm tới.
Nửa đầu năm 2022 vẫn tiếp tục phải tập trung chống dịch chờ phủ vacxin đủ miễn dịch cộng đồng, tuy nhiên sẽ không có giãn cách diện rộng như quý 3/2021 vừa qua. Nửa cuối năm sẽ hoạt động trong điều kiện bình thường mới
Ngành sợi năm 2022 sẽ khó có khả năng giữ được biên lợi nhuận như 2021, đồng thời có rủi ro song hành là giá bông đang lên nhưng có thể sụt giảm bất ngờ.
Ngành may, nếu đạt được mức phục hồi lao động 90% như trước giãn cách tại các đơn vị phía Nam thì có khả năng đạt được doanh thu Tập đoàn trong lĩnh vực May quay lại ngang 2019.
Để việc giao kế hoạch năm 2022 sát với thực tế của của từng doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường đề nghị các ban chức năng Tập đoàn làm việc với các doanh nghiệp, lấy ý kiến về việc xây dựng phương án giao kế hoạch theo khu vực để thống nhất trước khi thực hiện.