Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên: Ngành Dệt May có thể coi Trung Quốc là đối tác để cùng phát triển
Chúng ta đã chứng kiến nửa năm 2021 với nhiều thách thức, cam go trong phát triển kinh tế giữa hai làn sóng dịch Covid-19. Ngành Dệt May Việt Nam (DMVN) lại đứng trước một nghịch cảnh, khi đơn hàng nhiều hơn nhưng rủi ro cũng nhiều hơn. Vậy trong thời gian nửa năm còn lại, liệu còn có những vấn đề nào tiếp tục gây khó cho chúng ta? PV Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Kiên – Chuyên gia kinh tế, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này.
*Xin ông cho biết những nhận xét của mình về kết quả kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021?
– Trong 6 tháng đầu năm 2021, chúng ta đang đà phục hồi kinh tế thì lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng của hai làn sóng dịch Covid-19. Làn sóng thứ ba diễn ra hồi tháng 2/2021. Làn sóng thứ tư diễn ra từ 27/4 và kéo dài hơn, nghiêm trọng hơn bởi nó lây lan trong khu công nghiệp, là khu vực sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu, là động lực tăng trưởng của chúng ta. Mặc dù vậy, trong 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam cũng đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng dự báo trong 6 tháng đầu năm, với ảnh hưởng của dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang, thì con số tăng trưởng có thể thấp hơn. Duy chỉ có ngành chế biến, chế tạo lại tăng trưởng được hai con số, lên tới 12,6%, là điểm sáng của phát triển trong 6 tháng đầu năm 2021.
Ông Nguyễn Đức Kiên – Chuyên gia kinh tế, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
Mặc dù có hai làn sóng dịch liên tiếp trong vòng 6 tháng, mà Việt Nam vẫn đạt được con số tăng trưởng như thế, cho thấy cách tiếp cận của chúng ta trong phòng chống dịch và triển khai đảm bảo sản xuất vẫn đang hiệu quả. Nông nghiệp là lĩnh vực ít ảnh hưởng hơn trong dịch Covid-19, đạt tốc độ tăng trưởng khá, khoảng 3,9%. Nhưng nông nghiệp gặp khó ở thị trường tiêu thụ, và phân khúc bán hàng, bởi phần lớn thị trường của sản phẩm nông nghiệp là ở các khu công nghiệp thì lại bị ảnh hưởng của dịch nên họ có thời gian bị đóng cửa. Điều đó thúc đẩy chúng ta cần thay đổi phương thức bán hàng đối với sản phẩm nông nghiệp.
Trong ba lĩnh vực, thì khu vực dịch vụ thương mại bị ảnh hưởng nhất, đặc biệt là khối du lịch, vận tải, và khối nhà hàng. Nếu chúng ta không thay đổi được cách tiếp cận với dịch Covid-19 thì dự báo sắp tới chúng ta tiếp tục mất mùa du lịch 2021. Thực tế các nước châu Âu mới vào mùa du lịch từ tháng 7 đến 15/9, nhưng chưa có gì đảm bảo chúng ta sẽ khống chế được dịch và mở cửa cho khách quốc tế đến Việt Nam mùa du lịch năm nay. Du lịch và các dịch vụ xung quanh đóng góp khoảng 8% GDP, như vậy dù sản xuất công nghiệp có tăng lên, nhưng ta mất khoản lớn như thế từ du lịch thì ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế là tương đối nặng nề.
Nhìn về cán cân xuất nhập khẩu, ta thấy có một điểm đáng lưu ý, đó là trong 4 tháng đầu năm 2021 Việt Nam xuất siêu, nhưng khi vào dịch sau hai tuần đầu tiên của tháng 5/2021 thì Việt Nam nhập siêu. Điều đó cho thấy dịch có tác động lớn tới cán cân xuất nhập khẩu và nền kinh tế Việt Nam. Tất nhiên nhập siêu của Việt Nam trong thời gian 5 tháng đầu năm mới là 369 triệu USD, chưa phải là con số quá lớn, nhưng nó cũng chỉ ra một điều rằng, nền kinh tế của Việt Nam còn quá mẫn cảm trước biến động của nền kinh tế thế giới, tính miễn dịch và tính phòng dịch của nền kinh tế Việt Nam còn yếu. Do đó đặt ra vấn đề chúng ta cần tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, có một số vấn đề nổi lên, đó là chúng ta xử lý lạm phát tốt, nhưng do biến động giá hàng, vật tư nguyên liệu đầu vào tăng nhiều, dẫn đến xu hướng tăng giá gồm: nguyên vật liệu, lương thực, giá thức ăn chăn nuôi, khiến nguồn cung cho nền kinh tế Việt Nam trong vài tháng nữa còn khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, khi chúng ta không tái được đàn heo, gia cầm thì không có thịt heo cung ứng dịp tết. Trong tháng 9,10 không có đủ gia cầm cung cấp trong mùa nhạy cảm khi miền Bắc có bão và nguồn cung thủy sản giảm.
Tốc độ tăng đầu tư công thì vẫn có nhưng bị tác động bởi giá đầu vào của nguyên vật liệu, và giãn cách xã hội làm tiến độ giải ngân, thi công ở một số công trình bị hạn chế. Một số địa phương còn tiến hành phòng chống dịch không linh hoạt, ví dụ ở công trường xây dựng không cho công nhân đến làm việc dẫn đến tiến độ thi công ảnh hưởng. Do đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã buộc phải nhắc nhở các địa phương không nên máy móc trong phòng chống dịch.
Thị trường chứng khoán có chỉ số VN Index lên khá cao, cỡ 1400 điểm. Có xu hướng thị trường chứng khoán và bất động sản tách ra khỏi nền kinh tế thực nên vẫn tăng cao cả ở Việt Nam và thế giới. Thực tế đó chứng minh một điều là các gói hỗ trợ kinh tế của các quốc gia công nghiệp phát triển và chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước này tác động rất mạnh đến thị trường và khiến cho chứng khoán, bất động sản trở thành kênh tạo lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư. Dự báo trong quý II, tốc độ tăng trưởng sẽ dưới 6%, dao động 0,7 – 0,5 điểm, xuống 5,3 hoặc 5,5% trong khoảng dự báo. Điều này đặt ra áp lực rất lớn cho điều hành của Chính phủ với nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2021. Nếu muốn đạt tốc độ tăng trưởng cả năm 6% để cân đối thu chi ngân sách thì nhiệm vụ là tương đối nặng nề.
Có một số điểm chúng ta cần lưu ý cân nhắc trong điều hành kinh tế để tránh khó khăn cho chính mình. Thứ nhất là mặc dù Mỹ đã tạm dừng điều tra Việt Nam với điều 301 luật bảo hộ thương mại chống phá giá và chống nâng giá đồng tiền nhưng không có nghĩa là trong thời gian tới họ không xem xét nữa. Tiếp đó là hiện nay tốc độ tăng xuất khẩu của chúng ta vào thị trường Mỹ và tăng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc rất lớn. Thứ hai là tác động dịch bệnh đến các địa phương và ngành nghề khác nhau, nên chúng ta phải đòi hỏi chính sách hỗ trợ và động viên của Chính phủ không được đại trà và phải phù hợp với từng địa phương. Chúng ta cần có chính sách riêng biệt, đặc thù với từng địa phương. Ví dụ 1 triệu đồng hỗ trợ/tháng cho người lao động với khu vực Bắc Giang, Bắc Ninh thì khác với Hà Nội, Tp. HCM.
Trong ngành Dệt May sử dụng nhiều lao động, thì dự báo người lao động (NLĐ) sau dịch có quay về làm với dệt may không, hay sẽ chuyển sang khu vực ngành nghề khác? Các xí nghiệp may Bắc Giang, Bắc Ninh có thể phải đối mặt với việc NLĐ di chuyển về Lạng Sơn, không quay về làm việc nữa. Các xí nghiệp có khả năng gặp khó trong huy động NLĐ sau dịch. Nếu không giữ được NLĐ như trước khi dịch xảy ra, đòi hỏi các xí nghiệp cần có giải pháp ngắn hạn, trung hạn.
*Và những dự báo của ông về kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm?
– Kinh tế VN 6 tháng cuối năm phụ thuộc vào 3 yếu tố. Thứ nhất là khả năng kiểm soát dịch bệnh. Điều này phụ thuộc khả năng dập dịch nhanh hay không, chúng ta có chủ động vaccine không. Thứ hai là khả năng phục hồi của các ngành bị tác động trực tiếp. Bao gồm từ hai phía: thị trường có chấp nhận sự quay lại của các ngành đó không và các ngành có khả năng đáp ứng thị trường với nhu cầu thay đổi hay không. Thứ ba là hiệu quả các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đang triển khai. Ngay từ tháng 2/2021, Chính phủ đã nghiên cứu hỗ trợ, và đến tháng 5/2021 chúng ta có 3 nhóm hỗ trợ cho doanh nghiệp: Một là Thông tư 03 của Ngân hàng nhà nước về chuyển nhóm nợ và giữ nguyên nhóm nợ của các DN bị ảnh hưởng Covid-19 được kéo dài đến sau năm 2023, đảm bảo cho DN khả năng tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Hai là Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 về giãn, hoãn, miễn thuế cho DN. Ba là Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Như vậy là những vấn đề vĩ mô đã được Chính phủ xử lý nhanh và chủ động, nhưng Chính phủ còn đang nợ nền kinh tế một việc: Hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ như thế nào. Việc này triển khai còn chậm. Hiện trạng là một chính sách mà có thể áp dụng cho tất cả các khu vực khác nhau, vì làm kiểu cào bằng nên khá lúng túng. Vì thế, hiện nay chúng ta đang tổng kết lại các gói hỗ trợ lần trước, nhận thức để đổi mới phương thức hỗ trợ có hiệu quả hơn.
*Liệu trong nửa cuối năm, tình hình và chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất có gì biến động không, thưa ông? Những biến động đó có ảnh hưởng thế nào tới các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu?
– Hiện nay chúng ta vẫn duy trì một chính sách tiền tệ linh hoạt, ta không neo cứng đồng Đô la Mỹ vào đồng Việt Nam, mà căn cứ theo tín hiệu thị trường để bơm tiếp hay tạm dừng tín dụng để ổn định mặt bằng giá. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn giữ ổn định lãi suất, mặc dù trong thời gian vừa qua, một số ngân hàng thương mại có điều chỉnh lãi suất huy động, nhưng đối với lãi suất vay và phần lãi suất do ngân hàng nhà nước điều chỉnh thì đang giữ mức thấp và dự báo trong 6 tháng tới không có thay đổi lớn trong chính sách tiền tệ.
Về cơ bản chính sách tiền tệ sẽ giữ ổn định trong cả năm 2021. Có chăng chỉ điều chỉnh chính sách tài khóa để thông qua gói hỗ trợ thuế, hỗ trợ DN tương đối lớn. Ngoài ra, khi đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, thì phí logistics của công ty vận chuyển hàng may giảm đi, tạo thuận lợi hơn cho DN dệt may.
*Về tốc độ tăng trưởng GDP và xuất khẩu của Việt Nam 2021, ông có dự đoán thế nào?
– Tuy Việt Nam có thể không đạt mức tăng trưởng GDP 6% nhưng cũng sẽ không thấp quá, dao động từ 5-6%. Xuất khẩu trong quý III sẽ tăng trở lại. Trong quý II, vào tháng 5 và nửa đầu tháng 6 do ảnh hưởng dịch nên hàng xuất khẩu bị giảm. Trong ngành Dệt May, theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), phần lớn DN may đã có đơn hàng đến hết quý III, như vậy dự báo về cơ bản là hàng cho vụ Noel, năm mới 2022 ngành DMVN đã ký được đơn hàng. Vấn đề là chúng ta có ký tiếp được đơn hàng cho vụ hè – thu 2022 hay không. Hàng hè – thu là đến tháng 3/2022 chúng ta phải giao, và muốn có hàng đó thì trong quý III, quý IV chúng ta phải có hợp đồng. Đó là thách thức đặt ra cho ngành Dệt May.
*Theo ông, liệu còn có rủi ro nào tiềm ẩn cho sức khỏe kinh tế nước ta?
– Hiện nay chúng ta có rủi ro lớn nhất là Covid-19. Rủi ro thứ hai là về địa chính trị, chiến tranh thương mại. Nếu các vấn đề quan hệ giữa Trung Quốc – Mỹ – EU không được cải thiện, vẫn trong trạng thái nghi kị nhau, quan hệ giữa EU – Mỹ với Nga và khu vực Trung Đông vẫn tiếp tục bất ổn thì thị trường xuất khẩu cũng sẽ gặp khó khăn. Ngược lại nó cũng tạo điều kiện cho chúng ta thay thế được một số mặt hàng mà ta đang xuất khẩu vào các quốc gia truyền thống như Nhật, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Âu. Hiện nay số liệu xuất khẩu của ta vào thị trường Bắc Mỹ đang chứng minh điều đó – ta đang thay thế được một số các nhà xuất khẩu truyền thống vào thị trường này. Nhưng vấn đề đặt ra là đó chỉ là những mặt hàng trong ngành dệt may và nông sản. Nhưng còn hàng điện, điện tử, điện thoại thông minh đang là một ẩn số. Nếu 5G ở khu vực Tây Âu triển khai mạnh thì điện thoại sẽ có khả năng xuất khẩu được nhiều hơn nữa. Nếu 5G bị chậm lại, trục trặc tiến độ thì thị trường điện thoại thông minh bị ảnh hưởng, khả năng xuất khẩu của Samsung cũng ảnh hưởng, không có đột phá lớn so với năm trước.
*Xin ông cho biết về tình hình kinh tế năm 2021 của các quốc gia xuất khẩu dệt may cạnh tranh với Việt Nam là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar. Liệu với tình hình như vậy, có thuận lợi hay khó khăn gì cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam?
– Tôi có quan điểm khác với Vitas và Vinatex trong vấn đề này. Tôi không đặt Trung Quốc là một đối tượng đang cạnh tranh với mình. Bởi so thực lực ngành Dệt May Trung Quốc với Việt Nam thì họ đang nắm đằng chuôi. Tôi không nghĩ nên dùng khái niệm Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam, mà coi Trung Quốc là một đối tác. Chúng ta cần tận dụng khả năng, năng lực của họ theo kiểu nước nổi thuyền nổi, để phát triển cùng họ. Nhưng khả năng cạnh tranh gây khó khăn cho chúng ta trong quá trình xuất khẩu, chủ yếu do vấn đề giá thành, chứ không phải vấn đề kỹ thuật. Chính Bangladesh, Myanmar, Campuchia là đối thủ cạnh tranh của ta. Ví dụ Campuchia, ta thắng họ về vốn và công nghệ còn giá nhân công của Campuchia rất cạnh tranh. Nhiều khi họ hạ giá gia công thấp hơn Việt Nam. Hay Bangladesh và Myanmar hiện cũng đang cạnh tranh giá gia công kinh khủng.
Vấn đề đặt ra đối với dệt may là phải chọn mặt hàng làm sao cho kết hợp hài hòa giữa sử dụng nhân công lao động và tự động hóa. Đưa tự động hóa vào để giảm chi phí. Các mặt hàng như dệt kim chẳng hạn có thể tự động hóa cao. Hoặc ta tự động hóa từng khâu, như khâu sợi, dệt, nhuộm là có thể tự động hóa cao, giảm giá thành xuống. Tạo điều kiện cho may phát triển. Phải hình thành chuỗi và có điều hành phân phối việc trong chuỗi. Đây là vấn đề quan trọng đặt ra cho ngành. Tìm được lời giải cho vấn đề này rất khó, cần đến vai trò tập hợp của Hiệp hội DMVN và vai trò đi trước của Tập đoàn DMVN.
*Xin cảm ơn ông!
Kiều Bích Hậu
(Thực hiện)