KHÁCH HÀNG MỸ PHÁ SẢN, LIỆU DOANH NGHIỆP DỆT MAY CÓ ĐÒI ĐƯỢC NỢ?


Thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-10, việc một số khách hàng lớn tại Mỹ nộp đơn xin phá sản theo chương 11 Luật Phá sản của Mỹ đã làm ảnh hưởng đến không ít doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Dệt May nói riêng có xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Để cung cấp thêm thông tin cho các doanh nghiệp trong ngành, chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra một số thông tin quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có quan tâm nắm bắt kịp thời lĩnh vực này.

Doanh nghiệp Việt Nam khó khăn trong việc thu hồi công nợ của khách hàng tuyên bố phá sản tại Mỹ

Nhìn vào vụ việc của hai doanh nghiệp trong ngành Dệt May Việt Nam là Công ty CP Dệt May – Đầu tư – Thương mại Thành Công (Mã chứng khoán: TCM) và Công ty CP May Sông Hồng (Mã chứng khoán: MSH) thấy rõ được thiệt hại mà doanh nghiệp có khách hàng Mỹ phá sản phải gánh chịu. Tại báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020 được công bố trên website của hai Công ty, TCM đã phải trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi (thời gian quá hạn trên 2 năm) của hai khách hàng Mỹ là Sears Roebuck & Co là 57,1 tỷ VND trên 63,5 tỷ VND nợ gốc và Kmart Corporation là 34,9 tỷ VND trên 36,9 tỷ VND nợ gốc. MSH cũng đã phải trích lập dự phòng đến 85% khoản phải thu khó đòi của Easy Fashion Commercial Offshore (New York & Co) là 185,9 tỷ đồng trên nợ gốc là 218,0 tỷ đồng.

Chương 11 Luật phá sản Mỹ là gì?

Chương 11 quy định hình thức phá sản liên quan đến việc tổ chức lại các công việc kinh doanh, các khoản nợ và tài sản của con nợ. Và vì lý do đó, Chương 11 có tên gọi là “Tổ chức lại – Reorganization”.

Nhìn tổng thể hơn, Chương 11 – “Tổ chức lại” nằm trong Title 11 (tạm dịch là Quyển 11) về Phá sản trong tổng thể 54 quyển của Bộ luật liên bang Mỹ (gọi là US Code).

Quyển 11 về Phá sản (Bankruptcy) có 15 Chương, trong đó Chương 11 về “Tổ chức” lại có 95 điều (từ Điều 1101 đến 1195), được chia thành 5 phần Phụ Chương (Sub-chapter).

Công ty Mỹ nộp đơn phá sản theo Chương 11 có phải là dấu chấm hết cho một doanh nghiệp?

Câu trả lời là không phải. Thực tế, Toys R Us một hãng bán lẻ đồ chơi nổi tiếng của Mỹ với hơn 900 cửa hàng tại 25 quốc gia trên thế giới. Công ty sở hữu thương hiệu này đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 vào năm 2017 khi chịu sức ép cạnh tranh bán hàng từ Amazon và Walmart. Tuy nhiên, đến tháng 1 năm 2019, Toys R Us đã quay trở lại với chủ sở hữu “tuy mới nhưng quen” – Tru Kids (tại thời điểm nộp đơn phá sản, khoản nợ của Toy R Us lên đến 7,9 tỷ USD trong khi tổng tài sản chỉ có 6,6 tỷ USD[1]).

Tru Kids, được hỗ trợ bởi Solus Alternative Asset Management và quỹ đầu tư Ares Management quản lý đã mua thương hiệu và tài sản trí tuệ của Toys R Us sau khi công ty phá sản theo Chương 11 vào tháng 9 năm 2017 và trở thành Công ty Mẹ của Toy R Us. Chủ tịch của Tru Kids không ai khác chính là Richard Barry – cựu Giám đốc Kinh doanh toàn cầu của Toys R Us[2].

Một trường hợp khác, vào năm 2019 Gymboree Group Inc, một hãng quần áo trẻ em nổi tiếng thông báo đã nộp đơn phá sản theo Chương 11 và phải đóng cửa tất cả các cửa hàng Gymboree, Gymboree Outlet và Crazy 8 ở Canada và Mỹ. Tuy nhiên sau đó, công ty thông báo đã nhận được cam kết cho “con nợ sở hữu” khoản vay tiền mới trị giá 30 triệu đô la từ SS Investment Group và Goldman Sachs Specialty Lending Holdings, Inc. Vào đầu năm 2020, Gymboree đã trở lại như một mô hình kinh doanh mới “shop-in-a-shop” tại các địa điểm dành cho trẻ em và với một cửa hàng trực tuyến mới[3].

Như vậy các hãng bán lẻ với thương hiệu lâu năm của Mỹ không hề biến mất sau khi phá sản. Cái biến mất sau quá trình phá sản theo Chương 11 chính là các khoản nợ của công ty và ông chủ cũ. Trên thực tế, nhiều ông chủ các hãng bán lẻ lớn đều có công ty tài chính hoặc quỹ đầu tư đứng sau hỗ trợ. Khi hãng bán lẻ gặp khó khăn, không đủ khả năng thanh toán cho các chủ nợ, họ hoàn toàn có thể tính đến nộp đơn phá sản theo Chương 11 và chính các công ty tài chính hoặc quỹ đầu tư của họ sẽ đứng ra mua lại, trả nợ theo phương án tái tổ chức đã được tòa án phê duyệt.

Cách hiểu Chương 11

Các công ty thường nộp đơn phá sản theo Chương 11 nếu họ cần thời gian để cơ cấu lại các khoản nợ của mình. Phá sản theo Chương 11 này mang lại cho con nợ một “khởi đầu mới”. Tuy nhiên, các điều khoản phụ thuộc vào việc con nợ hoàn thành nghĩa vụ của mình theo kế hoạch tổ chức lại.

Trong quá trình tố tụng theo Chương 11, tòa án sẽ giúp doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ và nghĩa vụ của mình. Trong hầu hết các trường hợp, công ty vẫn hoạt động. Nhiều công ty lớn của Mỹ nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 và vẫn tồn tại, ví dụ như Tập đoàn General Motors, hãng hàng không United Airlines, chuỗi cửa hàng bán lẻ K-mart và hàng nghìn tập đoàn khác thuộc mọi quy mô. Các công ty, công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC) thường nộp đơn xin phá sản theo Chương 11.

Doanh nghiệp đang trong quá trình nộp đơn Chương 11 có thể tiếp tục hoạt động. Trong hầu hết các trường hợp, con nợ, được gọi là “con nợ sở hữu”, điều hành công việc kinh doanh như bình thường. Tuy nhiên, trong các trường hợp liên quan đến gian lận, không trung thực hoặc kém năng lực, người được tòa án chỉ định (quản tài viên) sẽ tiến hành điều hành công ty trong toàn bộ quá trình hoàn thành thủ tục phá sản.

Doanh nghiệp không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào mà không có sự cho phép của tòa án, bao gồm việc bán tài sản (ngoại trừ hàng tồn kho), việc bắt đầu hoặc chấm dứt hợp đồng cho thuê, và ngừng hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh. Tòa án cũng có quyền kiểm soát các quyết định liên quan đến việc thuê và trả tiền cho luật sư cũng như ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp.

Trong Chương 11, doanh nghiệp nộp đơn có quyền là chủ thể đầu tiên đề xuất một kế hoạch tổ chức lại. Kế hoạch này có thể bao gồm việc giảm quy mô hoạt động kinh doanh để giảm chi phí, cũng như việc thương lượng lại các khoản nợ, trong một số trường hợp bao gồm cả việc thanh lý tất cả tài sản để trả nợ cho các chủ nợ. Nếu kế hoạch có tính khả thi và công bằng, tòa án sẽ chấp nhận và các bước tiếp theo sẽ được triển khai.

Đạo luật Tổ chức lại Doanh nghiệp Nhỏ năm 2019, có hiệu lực vào ngày 19 tháng 2 năm 2020, đã thêm phụ chương mới (Phụ chương V) vào Chương 11 để giúp các doanh nghiệp nhỏ phá sản dễ dàng hơn. Theo đó, “các tổ chức có khoản nợ dưới 2,7 triệu USD cũng có điều kiện để nộp đơn phá sản theo Chương 11”. Đạo luật này “áp đặt thời hạn ngắn hơn để hoàn tất thủ tục phá sản, cho phép linh hoạt hơn trong việc đàm phán các kế hoạch tái cơ cấu với các chủ nợ”.

Tuy nhiên, vào tháng 3/2020, Đạo luật Viện trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh tế (CARES) của Coronavirus được Tổng thống Mỹ ký đã nâng giới hạn nợ của Chương 11 Phụ chương V lên 7,5 triệu USD. Thay đổi áp dụng cho các trường hợp phá sản được nộp sau khi Đạo luật CARES được ban hành nhằm hạn chế bớt tình trạng các doanh nghiệp có khoản nợ quá nhỏ cũng nộp đơn phá sản do ảnh hưởng của Covid-19 theo Chương 11 này.

Vì sao nộp đơn phá sản theo Chương 11 lại được các công ty Mỹ lựa chọn?

Lợi thế lớn nhất khi nộp đơn phá sản theo Chương 11 là doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động trong quá trình tổ chức lại. Điều này cho phép họ tạo ra dòng tiền giúp hỗ trợ quá trình trả nợ. Các chủ nợ cũng không thể trực tiếp đòi nợ đối với con nợ vì khi đó tòa án có quyền quyết định. Hầu hết các chủ nợ phải chấp nhận họ có khả năng không thể thu hồi đủ số tiền của mình.

Khó khăn lớn nhất khi lựa chọn nộp đơn phá sản theo Chương 11 là gì?

Quy định phức tạp và chi phí pháp lý là rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp khi tính tới nộp đơn phá sản theo Chương 11.

Như ví dụ trường hợp phá sản của Toy R Us, công ty đã phải trả 56 triệu USD cho luật sư. Tuy nhiên với số nợ lên đến gần 8 tỷ USD tại thời điểm nộp đơn phá sản trong khi tài sản chỉ có hơn 6,6 tỷ USD, giả sử Toy R Us lên phương án bán hết tài sản để trả nợ thì chi phí 56 triệu USD[4] để xóa được 1,4 tỷ USD nợ là “món hời” trong khi vẫn giữ được thương hiệu Toy R Us.

Tìm hiểu một số nội dung quan trọng của Chương 11_Luật phá sản Mỹ

  • Quy trình phá sản sơ bộ theo Chương 11
  • Bước 1: Nộp đơn phá sản, các giấy tờ cần thiết (kế hoạch trả nợ thông qua tư vấn tín dụng, bằng chứng v/v thanh toán cho người lao động…). Nộp phí phá sản, phí hành chính khác.
  • Bước 2: Tuyên bố công khai sau khi đệ trình Đơn phá sản.
  • Bước 3: Đơn phá sản được Tòa án chấp thuận.
  • Bước 4: Thực hiện kế hoạch phá sản đã được xác nhận.
  • Bước 5: Tòa án chỉ định Quản tài viên (Người giám sát, theo dõi tất cả các hoạt động liên quan đến vụ việc phá sản)
  • Bước 6: Các phiên điều trần của vụ việc diễn ra.
  • Bước 7: Tổ chức buổi thương lượng tập thể; Tổ chức cuộc họp về tình hình nợ.
  • Bước 8: Xem xét đến các tài sản/bất động sản.
  • Bước 9: Thanh toán nợ/ xóa nợ
  • Bước 10: Xem xét có cho doanh nghiệp được tổ chức lại (phá sản) hay không?
  • Bước 11: Kết thúc vụ án.
  • Vai trò của các bên có liên quan khi một Công ty nộp đơn phá sản theo Chương 11

Ủy ban chủ nợ: Trong quá trình giải quyết phá sản theo Chương 11 có xuất hiện Ủy ban chủ nợ. Mỗi một vụ án, Tòa án sẽ thành lập 1 Ủy ban chủ nợ như một cơ quan trung lập để giải quyết những vấn đề liên quan đến công nợ phải trả (bao gồm cả trường hợp các nhà cung cấp cho con nợ không có đảm bảo).

Quản tài viên Mỹ (Quản trị viên phá sản): Hội quản tài viên Mỹ chịu sự giám sát của Ban Tư pháp Mỹ.

Quản tài viên Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong việc giám sát tiến trình của một vụ việc phá sản và giám sát việc quản trị nó theo chương 11. Quản tài viên Mỹ chịu trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh của con nợ đang sở hữu và việc nộp các báo cáo hoạt động và các khoản phí.

Ngoài ra, Quản tài viên giám sát các đơn yêu cầu bồi thường và hoàn trả của các chuyên gia, các kế hoạch phá sản và tuyên bố công khai được nộp cho toà án và uỷ ban các chủ nợ. Quản tài viên Mỹ tổ chức tiến hành cuộc họp các chủ nợ, thường được gọi là “họp hạng mục 341” theo một trường hợp trong chương 11. 11 U.S.C § 341. Quản tài viên Mỹ và các chủ nợ có thể thẩm vấn con nợ là những đối tượng đã tuyên thệ tại cuộc họp hạng mục 341 liên quan đến các hoạt động, hành vi, tài sản và việc quản trị vụ việc phá sản của con nợ.

Trong các số Tạp chí tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin nghiên cứu sâu hơn về:

– Điều kiện để một doanh nghiệp Mỹ tuyên bố phá sản theo Chương 11,

– Thứ tự ưu tiên trả nợ theo Chương 11,

– Thẩm quyền của Tòa án,

– Vai trò và hoạt động của Ủy ban các chủ nợ và Quản tài viên.

Đây là những nội dung hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện có nhiều khách hàng Mỹ của doanh nghiệp Dệt May tuyên bố hoặc “dọa” phá sản theo Chương 11 để đàm phán giảm giá các khoản nợ tiền hàng.

[1] Nguồn: The Washington Post

[2] Nguồn: The Toybook

[3] Nguồn: Investopedia

[4] Nguồn: Tạp chí Forbes

Bài: Vương Đức Anh, Đặng Thanh Huyền


Các tin khác