JM thiết lập nhà máy tái chế nhiệt cho xơ thủy tinh phế thải
Nhằm tạo ra tác động tích cực đến môi trường cho cộng đồng địa phương, Johns Manville Engineered Products đã thành lập một nhà máy tái chế nhiệt mới cho xơ thủy tinh phế thải ở Trnava, Slovakia. Tại đây, chất thải trong quá trình sản xuất và xử lý xơ thủy tinh được tái chế thành dạng bột thủy tinh không chứa các hạt hữu cơ và được sử dụng tại cơ sở.
Dự án này là minh chứng cho việc công ty đã đạt đến chu kỳ sản xuất khép kín. Nỗ lực tái chế sẽ mang lại tác động tích cực đến môi trường cho cộng đồng địa phương thông qua việc giảm lượng khí thải CO2 từ việc vận chuyển sợi phế thải bằng xe tải.
Dự án cũng là một phần trong sự hưởng ứng của công ty đối với chương trình không rác thải của Ủy ban Châu Âu và phù hợp với các mục tiêu tổng thể về quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên của hành tinh được thúc đẩy bởi chiến lược hành động vì khí hậu của Liên hợp quốc.
Công ty cho biết: “Rác thải là một vấn đề rất phổ biến của các nhà máy công nghiệp trên toàn cầu và một chu trình tái chế khép kín thích hợp cần phải đáp ứng các đặc tính cụ thể của các loại chất thải khác nhau. Việc tìm ra giải pháp tốt nhất đòi hỏi sự kết hợp giữa khả năng giải quyết vấn đề và niềm đam mê mãnh liệt đối với việc cải tiến liên tục quy trình sản xuất. Tại JM, chúng tôi rất mong muốn được vượt qua thử thách này”.
Một nhóm dự án gồm một số chuyên gia JM đã phân tích kỹ lưỡng vấn đề rác thải trong nhà máy Trnava từ nhiều khía cạnh. Nhóm đã xác định bốn lựa chọn khác nhau cho phương pháp tái chế “trong nhà” để loại bỏ việc chôn lấp. Mỗi phương pháp này đều được hỗ trợ bởi các phân tích về tác động môi trường, sức khỏe và tài chính. Đánh giá tác động môi trường đã phân tích các ảnh hưởng có thể có đối với đất, nước, không khí, khí thải, tiêu thụ năng lượng, các tình huống khẩn cấp và hiệu quả của các quy trình hiện có.
Sau khi ưu tiên thiết lập giải pháp chu trình sản xuất khép kín không ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm cuối cùng – xơ thủy tinh dạng sợi thô và dạng tấm – công ty đã đầu tư vào công nghệ tái chế nhiệt.
Thiết bị Trnava mới có công suất tái chế dự kiến hơn 3 tấn mỗi giờ và bao gồm khu vực kho bãi, thiết bị tiếp liệu và vận chuyển, máy cắt vụn, khoang đốt và xay xát. Sau khi xử lý, bột thủy tinh tái chế không có các phần tử hữu cơ và được chế biến làm nguyên liệu thô cho quy trình sản xuất thủy tinh tại chỗ.
Người dịch : Đặng Hồng Thụy