Khai giảng lớp đào tạo Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động


Ngày 28/9/2020, tại TP.HCM, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP khai giảng lớp học “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động năm 2020”.

Tham dự buổi lễ có ông Lê Nho Thướng – Ủy viên Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thủy – Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam; ông Nguyễn Văn Minh – Q. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP; ông Hồ Ngọc Tiến – Hiệu trưởng Trường Cao  đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vinatex TP.HCM và trên 70 học viên là đoàn viên, người lao động.

Đây là lớp học đầu tiên trong tổng số 20 lớp học với trên 1.200 người lao động ở các doanh nghiệp ngành May khu vực phía Nam tham gia. Toàn bộ kinh phí đào tạo do Công đoàn Dệt May Việt Nam chi trả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ các phòng học và nước uống cho lớp học. Ngoài ra, một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở còn hỗ trợ cho học viên suất ăn giữa ca.

Tham gia lớp học gồm các nhân viên kỹ thuật chuyền tại các nhà máy; công nhân có kỹ năng nghề cao, có kinh nghiệm trong sản xuất; tổ trưởng, tổ phó, cán bộ bộ kỹ thuật; công nhân có tay nghề nhưng chưa có kiến thức, kỹ năng quản lý; công nhân có khả năng quản lý… Các học viên tham gia các lớp học sẽ được các giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vinatex TP.HCM trang bị kiến thức cơ bản về quản lý may mẫu, rải chuyền, quản lý vật tư trên chuyền và xử lý phát sinh tại dây chuyền trong doanh nghiệp may công nghiệp, các kỹ năng mềm cơ bản hỗ trợ nghiệp vụ quản lý, điều hành tổ sản xuất ngành May…

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Nho Thướng – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, trong những năm qua ngành Dệt May Việt Nam có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, vươn lên trở thành ngành kinh tế có kim ngạch xuất khẩu cao, đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của cả nước. Trong thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ công nhân lao động các doanh nghiệp trong hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam…. Theo ông Lê Nho Thướng, ngành Dệt May là ngành thâm hụt nhiều lao động nhưng chủ yếu vẫn là lao động phổ thông (lao động có trình độ trung cấp trở lên chỉ có khoảng 15,6%). Tuy nhiên, phần lớn người lao động xuất thân từ nông thôn, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế, nên gặp nhiều khó khăn trong công việc và tiếp cận công nghệ mới. Để thích ứng với điều kiện mới, người lao động phải có sự chuyển biến trong nhận thức, nâng cao kỹ năng nghề cho bản thân để đáp ứng với điều kiện mới của doanh nghiệp… Đồng thời, với tầm quan trọng của việc xây dựng giai cấp công nhân ngành Dệt May Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc đào tạo “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ngành May” là việc làm cấp thiết của các doanh nghiệp cũng như Công đoàn Dệt May Việt Nam hiện nay.


Các tin khác