Thời trang và trạng thái “Bình thường mới” hậu dịch COVID-19


Tình hình ổn định sẽ trở lại vào lúc nào thật khó nói, nhưng ngành thời trang đã nhanh chóng tìm ra những giải pháp rõ rệt và áp dụng một cách nhanh chóng.

Có thể nói thời trang là một trong những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nhiều hoạt động của ngành liên quan đến giao tiếp và đi lại. Hàng loạt tuần lễ thời trang và sự kiện đã buộc phải hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ để đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng. Không tuần lễ thời trang đồng nghĩa không có những buổi giới thiệu BST tới các buyer, chỉ riêng mắt xích này bị thiếu hụt cũng ảnh hưởng đến dây chuyền bao gồm sản xuất và vận chuyển. Nhiều thông báo hủy đơn hàng của mùa Thu – Đông 2020 và thậm chí sẽ không có BST Xuân – Hè hoặc Resort 2021 đã được gửi đến các buyer toàn cầu bởi nhiều lý do, nhưng lớn nhất vẫn là vì tình hình dịch bệnh chưa ổn định.

Vậy đại dịch có làm tê liệt hoàn toàn thời trang không? Hay mọi thứ sẽ chỉ trở lại bình thường khi vaccine được ra đời? Năm 2019, thị trường bán lẻ thời trang toàn cầu được định giá khoảng 1,78 nghìn tỉ USD bao gồm cả mặt hàng giày thể thao và trang sức, cao hơn năm 2018 đến 14%, dựa theo số liệu của Common Objective. Với con số khủng như vậy, ngành thời trang buộc phải tiếp tục hoạt động và tìm ra giải pháp “sống chung với lũ”. Nhiều dự đoán ở quy mô lớn nhỏ về giải pháp cho thời trang trong tương lai được đề ra, và một số đã được áp dụng ngay lập tức.

NHỮNG PHƯƠNG THỨC TRÌNH DIỄN MỚI

Nhờ internet, ít nhất các thương hiệu cũng có thể giới thiệu BST mới với toàn thế giới. Không còn khoảnh khắc NTK bước ra từ cánh gà trong tiếng vỗ tay không ngớt, thay vào đó là những bộ ảnh lookbook và phim ngắn thời trang. Chanel kết hợp với nhiếp ảnh gia Mikael Jansson để thực hiện bộ hình và video giới thiệu BST Haute Couture lấy cảm hứng từ những nàng công chúa punk. Dior với cảm hứng thần thoại được đánh giá cao về mặt ý tưởng lẫn thiết kế, dễ dàng lay động trái tim của mọi tín đồ thời trang. Những thiết kế kích cỡ búp bê trong lookbook mà chúng ta thấy trên màn hình cũng chính là lookbook cho những khách hàng đặc biệt của nhà mốt.

Trong khi Maria Grazia Chiuri mang đến thiết kế kích cỡ búp bê thì người đồng sự cũ Pierpaolo Piccioli tại Valentino lại gây bất ngờ bằng những thiết kế khổng lồ trong một buổi trình diễn cộng tác cùng nhiếp ảnh gia Nick Knight. Chắc chắn những thiết kế khi đến với khách hàng sẽ được gia giảm (một cách đáng kể) về chiều dài nhưng với ý tưởng cực kỳ thú vị này, Pierpaolo cũng lấy đủ sự chú ý của truyền thông mà chẳng cần đến show diễn truyền thống.

Tại Maison Margiela, NTK John Galliano cũng trình làng bộ phim thời trang đầu tay với vai trò giám đốc sáng tạo, cộng tác cùng nhiếp ảnh gia thân thuộc Nick Knight trong vai trò đạo diễn. Không chỉ có những thiết kế, điều đặc biệt ở bộ phim này là toàn bộ quá trình sáng tạo chuẩn bị BST và họp với ê-kíp qua mạng đều được đưa vào, mang lại cái nhìn toàn cảnh về sản xuất một BST thời trang giai đoạn giãn cách xã hội.

Tuần lễ thời trang nam giới cũng không kém cạnh với những giải pháp lookbook mới mẻ bên cạnh việc dàn dựng chụp hình trong studio hay chỉ đơn giản với mannequin. Hermès giới thiệu BST mới qua livestream ghi lại quá trình bận rộn nhưng tỉ mỉ khi đội ngũ đang thực hiện bộ lookbook tại atelier ở Paris.

Prada, Ermenegildo Zegna và Reese Cooper lại nghĩ ra ý tưởng chụp lookbook mang cảm giác của một buổi trình diễn thông thường bằng việc casting đầy đủ người mẫu, di chuyển trên đường băng và chụp ảnh. Nói cách khác, đó là hình ảnh của những show diễn không khán giả, giống như cách Giorgio Armani đã làm trước đó không lâu.

Không người mẫu, không thành vấn đề. Cả Gucci và Burberry đều chọn cách casting chính những nhân viên của mình vào vai trò người mẫu của BST Resort 2021. Ý tưởng mới này không chỉ là một cách ứng phó với khó khăn tuyển chọn người mẫu, tiết kiệm chi phí mà còn tôn vinh những nhân viên thầm lặng đằng sau thương hiệu, đồng thời mang lại cảm giác thân thiện, chân thực.

Thế nhưng bộ lookbook thú vị nhất lại thuộc về thương hiệu Sunnei đến từ Ý. Tất cả các thiết kế đều được dựng bằng công cụ kỹ thuật số mang vẻ thô sơ một cách cố tình thay vì trau chuốt để giống với người thật nhất. Mỗi thiết kế bao gồm một phiên bản “all white” và có màu (dự kiến). Với BST này, hãng đã cộng tác với một công ty công nghệ tại Milan để thiết kế nền tảng Canvas, cho phép các buyer tự chọn màu sắc, họa tiết và thậm chí thay đổi một vài thông số kỹ thuật trên trang phục. Đây có vẻ như là một cách thức chu đáo mà thương hiệu phục vụ cho khách hàng của mình trong thời đại “xa mặt cách lòng”.

CHẬM RÃI TRỞ LẠI VỚI SỰ BÌNH THƯỜNG

Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, một số thương hiệu đã đưa ra quyết định tổ chức những buổi trình diễn thời trang tập trung đông người.

Gây sốc nhất phải kể đến Etro với show diễn menswear trong khi thông thường hãng chỉ giới thiệu BST trong showroom và tung lookbook. Không hề kém cạnh, Dolce & Gabbana cũng chọn phương thức trình diễn truyền thống với người mẫu và khách mời như thường lệ. Chỉ khác là khách mời ít hơn, ngồi cách xa nhau hơn và (đa số) đeo khẩu trang. Để chiều lòng thị trường lớn nhất của mình, Louis Vuitton vận chuyển hẳn BST Xuân – Hè 2021 cho nam giới đến Thượng Hải để trình diễn ngay tại bến cảng. Jacquemus tổ chức show diễn Xuân – Hè 2021 tại cánh đồng lúa mì ở ngoại ô Paris với khoảng 100 khách mời được xếp chỗ cách xa nhau an toàn. Sau thời gian dài trì hoãn, Dior quyết định giữ kế hoạch trình diễn BST Resort 2021 tại Lecce, Italy mà không có khán giả, chỉ người mẫu, những vũ công và ban nhạc công trình diễn nhạc sống.

Ngoài London Fashion Week đã thông báo tuần lễ thời trang Xuân – Hè 2021 sẽ trình diễn trên nền tảng kỹ thuật số, dựa trên những show diễn truyền thống kể trên, chúng ta có thể phần nào trông đợi nhiều hơn tại Milan, Paris sắp tới nếu như tình hình dịch bệnh đến thời điểm đó có thể kiểm soát.

TẠM KẾT

Chắc hẳn mùa thời trang quan trọng nhất của năm vào tháng 9 sắp tới sẽ không mang không khí nhộn nhịp và màu sắc sôi động như trước kia, nhưng ngành công nghiệp thời trang đang nỗ lực hết sức để có thể thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, bởi dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, “the show must go on” với một tinh thần đoàn kết và tích cực.

Hoàng Hân (tổng hợp)

 


Các tin khác