55 năm trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội: Nối truyền thống, dựng tương lai
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là trường Đại học trưởng thành cùng với sự vươn lên khẳng định vị thế của ngành dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế.
55 năm đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ ngành dệt may, phụng sự đất nước
Ngay sau khi hoà bình lập lại vào năm 1954, Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và có điều kiện phát triển kinh tế, trong đó có phát triển các ngành công nghiệp. Với vai trò tạo nhiều việc làm và đóng góp tích cực vào việc giải quyết khó khăn về kinh tế của một đất nước mới giành được độc lập, chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, ngành dệt may Việt Nam đã được Đảng và Chính phủ quan tâm tạo điều kiện đầu tư phát triển.
Cụ thể là với sự giúp đỡ của nhiều nước xã hội chủ nghĩa, ngành dệt may Việt Nam thời kỳ đầu này đã thành lập được nhiều nhà máy dệt may lớn ở miền Bắc như: khôi phục lại hoạt động của nhà máy dệt Nam Định, thành lập mới các nhà máy Dệt 8/3, dệt kim Đông Xuân, May 10, may Thăng Long, dệt Vĩnh Phú trong giai đoạn từ năm 1954 đến trước năm 1975. Cùng với sự thành lập của các nhà máy này là nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực dệt may. Trong bối cảnh đó, Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ may mặc thuộc Bộ Nội thương, tiền thân của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội ngày nay đã được thành lập ngày 19/01/1967 với quy mô ban đầu chỉ có 2 ngành đào tạo là công nghệ may và sửa chữa thiết bị may với 300 học sinh sinh viên.
Từ sau năm 1975, mà khởi điểm là năm 1976, khi ngành dệt may Việt Nam lần đầu tiên sản xuất hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng của Liên xô, nhu cầu về nguồn nhân lực dệt may có khả năng tổ chức sản xuất hàng xuất khẩu bắt đầu trở nên cấp bách hơn. Đặc biệt là giai đoạn 20 năm đầu tiên khi nền kinh tế Việt Nam bước vào đổi mới, chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường vào năm 1986, Việt Nam đã có những thuận lợi hết sức quan trọng để phát triển như: năm 1995, Mỹ bỏ cấm vận kinh tế với Việt Nam; năm 1998, Việt Nam được kết nạp vào Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC; năm 2001, Hiệp định thương mại song phương với Hoa kỳ bắt đầu có hiệu lực; năm 2006, Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO… Những dấu mốc về hội nhập này cũng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may Việt Nam khi mà ban đầu, ngành chỉ xuất khẩu chủ yếu vào các nước Đông Âu và Liên Xô trong giai đoạn trước năm 2000. Bắt đầu từ năm 2001, ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được sang nhiều thị trường lớn hơn trên thế giới trong đó có thị trường Mỹ. Nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành dệt may để đáp ứng Chiến lược tăng tốc phát triển ngành dệt may Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2001 theo Quyết định 55/2001/QĐ-TTg cũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, Chính phủ đã đồng ý nâng cấp trường thành trường Trung cấp Kỹ thuật May và Thời trang 1 vào năm 1998 và trường Cao đẳng Công nghiệp – Dệt may Thời trang Hà Nội vào năm 2005 với quy mô 5000 sinh viên.
Giai đoạn từ sau 2006 đến 2015 là giai đoạn phát triển rực rỡ của ngành dệt may Việt Nam khi mà ngành được tiếp sức bởi sự kiện gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO và hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc AKFTA vào năm 2007, Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản VJEPA vào năm 2009, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc VKFTA vào 2015… Việc Hội nhập kinh tế sâu rộng đã giúp ngành dệt may Việt Nam tạo ra tăng trưởng xuất khẩu hết sức ấn tượng khi tăng tới 4,7 lần trong 9 năm (từ 5,85 tỷ USD vào năm 2006 lên 27,3 tỷ USD vào 2015). Để đạt được mức tăng trưởng này, vào năm 2015, ngành dệt may Việt Nam thu hút tới 1,58 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp dệt may. Mỗi năm có gần 90.000 lao động mới tham gia vào công nghiệp dệt may, trong đó cần 3000 kỹ sư có trình độ đại học/năm để đảm bảo vận hành có hiệu quả các doanh nghiệp dệt may mới thành lập (chưa kể nhân lực bù đắp cho cán bộ nghỉ chế độ)… Tuy nhiên, các trường đại học lúc đó chỉ đào tạo được 300 kỹ sư/năm cho ngành dệt may, chưa đáp ứng được 10% nhu cầu nhân lực kỹ sư có trình độ đại học cho toàn ngành. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam vào giai đoạn 2013-2015 có những thay đổi hết sức sâu sắc theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 của Ban chấp hành trung ương Đảng mà một trong những định hướng lớn là nâng cao quyền tự chủ cho các trường đại học. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã cho phép thành lập trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại trường Cao đẳng Công nghiệp – Dệt May Thời trang Hà Nội, hoạt động theo mô hình trường đại học công lập tự chủ để đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, có chất lượng cao cho ngành dệt may Việt Nam.
Từ giai đoạn 2015 đến nay, nhờ sự đóng góp của một loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP vào năm 2018, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu EVFTA vào năm 2020… ngành dệt may Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng và đạt mức xuất khẩu hơn 40 tỷ USD vào năm 2021 (tăng 1,48 lần so với năm 2015). Tính đến năm 2022, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục thu hút tới gần 2 triệu lao động công nghiệp trong đó có gần 80.000 nhân lực có trình độ đại học, mỗi năm ngành cần 10.000 cử nhân, kỹ sư có trình độ đại học để đáp ứng nhu cầu thành lập doanh nghiệp dệt may mới, bù đắp nhân lực nghỉ chế độ. Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã tiếp tục phát huy thế mạnh trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng dệt may cả nước.
Mô hình quản trị đại học hiện đại
Giai đoạn 2015-2022 ghi dấu những bước chuyển vững chắc của nhà trường. Vững vàng hoạt động theo mô hình trường công lập tự chủ, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là một trong những trường đại học công lập đầu tiên ứng dụng mô hình quản trị đại học hiện đại với việc thành lập được Hội đồng trường có vai trò thiết kế những định hướng lớn và hết sức đúng đắn cho chiến lược phát triển nhà trường nhiều năm trở lại đây cũng như chiến lược phát triển trường giai đoạn 2021-2030.
Trường đã triển khai thành công mô hình đào tạo đại học theo định hướng ứng dụng cho ngành dệt may với hơn 2000 cử nhân trình độ đại học tốt nghiệp trong giai đoạn 2020-2022, trường đạt chuẩn quốc gia về kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong năm 2022. Trong số sinh viên tốt nghiệp, 98,6% sinh viên có việc làm sau một năm ra trường với mức thu nhập cao nhất là 30 triệu đồng/người/tháng, mức thu nhập bình quân là 9 triệu đồng/người/tháng. Đây là tỷ lệ có việc làm rất cao trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 trong giai đoạn 2020-2022. Về vị trí làm việc, sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2020 (tức là 24 tháng sau tốt nghiệp tính tới tháng 9/2022) có 11,2% sinh viên giữ vị trí quản lý và 82% sinh viên đảm nhiệm vị trí cán bộ kỹ thuật và 5,9% sinh viên tự khởi nghiệp. Như vậy, hơn 93% sinh viên đại học tốt nghiệp năm 2020 đang làm việc tại ví trí quản lý, kỹ thuật chủ chốt trong các doanh nghiệp dệt may. Đối với sinh viên đại học tốt nghiệp năm 2021, tức là mới sau 12 tháng tốt nghiệp đã có 88% em đang đảm nhiệm các vị trí cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật tại doanh nghiệp dệt may; 5,6% sinh viên tự khởi nghiệp trong kinh doanh.
Bên cạnh đào tạo đại học chính quy, trường còn thúc đẩy đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cốt lõi theo đơn đặt hàng cho doanh nghiệp dệt may; hơn 2.700 giám đốc, chuyền trưởng, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý đơn hàng, cán bộ quản lý chất lượng… đã được đào tạo trong giai đoạn 2015-2022 để đáp ứng mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại khi mà dệt may Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với dệt may thế giới.
Trong giai đoạn 2022-2030, nhà trường sẽ tiếp tục thúc đẩy định hướng đào tạo theo định hướng ứng dụng với quy mô đào tạo 6000 sinh viên đại học vào 2025 và 9000 sinh viên đại học vào 2030; tổ chức đào tạo thạc sĩ cho 1-2 ngành đào tạo vào năm 2025.
Bên cạnh công tác đào tạo, nhà trường cũng đã triển khai thành công các đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao cho ngành dệt may. Trong giai đoạn 2015-2022, trường đã bảo vệ thành công một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về ứng dụng công nghệ Lean trong bối cảnh chuyển đổi số cho doanh nghiệp may, 9 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, đề tài theo đặt hàng của doanh nghiệp dệt may. Các đề tài này đã được triển khai ứng dụng vào thực tiễn, mở ra hướng đi mới giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong quá trình hoạt động, trường cũng đã nghiên cứu ứng dụng nhiều thành tựu của công cuộc chuyển đổi số vào quản lý đào tạo như: Tổ chức dạy và học trực tuyến có hiệu quả trong bối cảnh Covid-19; ứng dụng thư viện số, học liệu điện tử cho quá trình đào tạo để giảng viên và sinh viên có thể nghiên cứu, học tập vào bất cứ thời gian và địa điểm nào; công tác quản lý đào tạo được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số và trường đang hướng tới tổ chức mô hình đại học số trong giai đoạn 2022-2025… Hướng nghiên cứu trọng tâm của trường trong giai đoạn 2022-2030 là nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số khác cho ngành dệt may, nghiên cứu ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ tái chế… vào các doanh nghiệp dệt may để thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành dệt may trong bối cảnh mới của thế giới.
Duy trì và phát triển thành công mô hình doanh nghiệp trong trường đại học được coi là điểm nổi trội của ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội so với các trường đại học khác. Mô hình này là hình mẫu cho đào tạo và nghiên cứu theo định hướng ứng dụng của một trường đại học của ngành dệt may, không những giúp giảng viên có cơ hội triển khai thí điểm các kết quả nghiên cứu vào thực tế mà còn góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo đại học, giúp sinh viên đáp ứng các chuẩn quốc tế ngay sau khi tốt nghiệp. Trong giai đoạn 2022-2030, nhà trường sẽ tiếp tục phát triển doanh nghiệp trong trường để khẳng định tính hiệu quả bền vững trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng ứng dụng.
Hơn nửa thế kỷ đào tạo, mỗi giai đoạn phát triển của nhà trường luôn có sức mạnh nội lực từ sự đoàn kết, tâm huyết của các thế hệ cán bộ viên chức nhà trường, trong đó có đội ngũ giảng viên. Với đội ngũ giảng viên hiện tại là 276 người, gần 80% giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, trường sẽ tiếp tục tổ chức tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên để đến năm 2030, trường có trên 400 giảng viên trong đó 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên và 35% giảng viên có trình độ Tiến sĩ.
Tự hào về những thành quả trên, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cũng đồng thời tự hào về truyền thống đoàn kết, vượt khó, sáng tạo, bản lĩnh, tự chủ của đội ngũ các đồng chí lãnh đạo nhà trường, các giảng viên, chuyên viên, nhân viên và sinh viên nhà trường qua các thời kỳ. Đây thực sự là nguồn vốn tinh thần quý báu được kết tinh qua nhiều thế hệ, thấm đẫm vào dòng máu của người “Trường may Dâu Keo” trước đây và Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội ngày nay.
Bài: TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội