5 thương hiệu dệt may sản xuất thiết bị bảo hộ (PPE) phục vụ công tác chống dịch COVID-19


Trước sự ảnh hưởng lớn do dịch COVID -19 lây lan trên toàn cầu, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và các loại hóa chất sát khuẩn để ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm nhất lịch sử nhân loại mang tên COVID – 19. Cho đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra vacxin hiệu quả, để tăng cường các biện pháp phòng ngừa cho cộng đồng và nhân viên y tế, nhiều công ty đang chuyển hướng từ sản xuất các sản phẩm truyền thống sang sản xuất khẩu trang và thiết bị bảo hộ.

Ở bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến 5 doanh nghiệp đã chuyển đổi hoàn toàn dây chuyển sản xuất nhằm ngăn chặn sự thiếu hụt nghiêm trọng nhu cầu về thiết bị y tế.

Hanes Brands

Nhắc đến một thương hiệu chuyên về các sản phẩm thời trang basic từ Áo phông đến đồ lót, cái tên HanesBrands sẽ luôn ở top đầu. Hãng may mặc nổi tiếng trên toàn nước Mỹ này hiện đang tập trung toàn lực sản xuất khẩu trang vải cho toàn liên bang. Có khoảng 1200 cửa hàng rộng khắp thế giới của hãng đang phải đóng cửa, nên tạm thời hãng đang dồn lực sản xuất khẩu trang cotton đạt chuẩn FDA.

Không chỉ Hanes, một vài công ty khác cũng sẽ bắt tay thực hiện sản xuất. Fruit of the Loom, SanMar, Beverly Knits và một công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất sợt dệt thuộc Hiệp hội dệt may Mỹ có tên Parkdale Mills America sẽ mô phỏng lại những thiết kế đạt chuẩn FDA do hãng Hanes chia sẻ.

Chia sẻ trên tờ Today, Matt Hall, người phát ngôn của Hanes cho biết: “Hãng dự kiến sẽ tăng sản lượng lên 1.5 triệu khẩu trang mỗi tuần, và toàn bộ các công xưởng sẽ tăng sản lượng lên 5 triệu đến 6 triệu khẩu trang mỗi tuần bằng việc sử dụng thiết kế và mẫu mã của Hanes Brands

Gap Inc

Gap Inc, một thương hiệu vốn được biết đến với những sản phẩm thời trang phong cách basic và denim cổ điển cũng đang phải trải qua khó khăn trong thời điểm dịch bệnh Corona.  Nhưng hãng vẫn duy trì các hoạt động từ thiện và tiếp tục việc kinh doanh của mình. Với thế mạnh có trụ sở hãng đặt tại San Francisco, sở hữu các thương hiệu riêng như Athleta, Banana Republic và Old Navy, hãng cũng đang sử dụng các nhà máy để sản xuất khẩu trang, áo choàng và chất sát khuẩn cho đội ngũ nhân viên y tế. Hãng này cũng quyết định tạm đóng cửa các cửa hàng bán lẻ của mình trên khắp Bắc Mỹ từ ngày 19/3.

Thương hiệu này đăng thông báo trên trang Twitter của  mình như sau: “Đội ngũ của chúng tôi đang tiến hành kết nối một số mạng lưới các bệnh viện lớn nhất tại California với các nhà cung cấp để cung cấp thiết bị bảo hộ cho họ, trong khi đó các nhà máy đối tác sẽ tiếp tục quay vòng sản xuất khẩu trang, áo choàng và nước sát khuẩn để phục vụ đội ngũ nhân viên y tế tại các tuyến đầu chống dịch.”

Hãng đang tiếp tục dừng các dây chuyền không cần thiết khác, tận dụng các nguyên liệu tồn để may thêm nhiều khẩu trang và đồ bảo hộ cho các bệnh viên, y bác sỹ để giảm thiểu sự khan hiếm.

Inditex

Đối với người tiêu dùng, cái tên Inditex luôn xuất hiện là một Thương hiệu bán lẻ tầm cỡ. Gã khổng lồ Tây Ban Nha này chính là chủ sở hữu các Thương hiệu lừng danh như Zara hay Bershka. Cũng giống như Hanes hay Gap, Inditex cũng đang tập trung mọi nguồn lực để giúp ngăn chặn sự thiếu hụt nhu cầu thiết bị bảo hộ cho thế giới. Hiện tại, hãng đang sản xuất thiết bị bảo hộ và thực hiện cung cấp ít nhất 1 lần một tuần cho các tổ chức y tế của Tây ban Nha, nơi đang là ổ dịch lớn nhất thế giới.

Hãng cho biết đã quyên góp 10.000 khẩu trang tính đến ngày 19.3 do khẩu trang cùng với găng tay, kính bảo hộ, mũ và tấm chắn che mặt đang là những thiết bị cấp thiết nhất hiện nay. Hãng cam kết sẽ bắt tay vào sản xuất áo choàng y tế ngay khi họ có nguồn cung nguyên liệu. Đối với các sản phẩm cần thiết khác, hãng đang chuyển đổi một số dây chuyền từ sản xuất may mặc sang sản xuất đồ bảo hộ y tế.

Nordstrom

Nordsstrom, với trụ sở đặt tại Seattle được biết đến với chuỗi cửa hàng chuyên về quần áo, giày dép và phụ kiện sang trọng dành cho cả nam, nữ và trẻ em, đang đặt ra mục tiêu sản xuất 1 triệu khẩu trang vải cho đội ngũ y tế tại Hoa Kỳ. Họ đang bắt tay với Kaas, Tailored và Province để có thể sản xuất được thêm 1.500.000 khẩu trang.

Hãng cũng đang hợp tác với Ascension, một trong những hệ thống bệnh viện lớn nhất tại Mỹ, tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn trong việc đưa ra tính toán so với nhu cầu thực tế để đạt mục tiêu sản xuất 1 triệu khẩu trang. Hãng cho biết: “Tất cả mọi người trên toàn thế giới, trong đó có chúng tôi đều hiểu được những tác động mà dịch COVID 19 mang lại.”

Trong một thông cáo báo chí, hãng cho biết: “Trong thời điểm đầy thách thức như hiện nay, Chúng tôi đang xem xét nhiều hình thức nhằm giúp đỡ cộng đồng thế giới và tập trung tìm hiểu cách những doanh nghiệp khác có thể cùng chung tay thực hiện để tạo ra đột phá”. “Thêm nữa, chúng tôi đang là doanh nghiệp có trong tay nhiều thợ may nhất Bắc Mỹ, vì thế chúng tôi sẽ biết cách làm thế nào để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho y tế.”

Những chiếc khẩu trang của hãng được sản xuất, xử lý vô khuẩn rồi phân phối cho khắp các hệ thống bệnh viện. Hơn nữa, thương hiệu này cũng có tiếng trong việc tín nhiệm người lao động cũng như hỗ trợ tối đa những chính sách tốt để khuyến khích nhân viên làm ra những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng của mình.  Điều đó giải thích lý do vì sao họ sản xuất ra sản phẩm không chỉ vì đội ngũ y tế mà còn để đảm bảo an toàn cho những công nhân của mình, những người vẫn đang miệt mài làm việc để chốt các đơn mua hàng trực tuyến. Vì thế, họ cũng quyết định sản xuất thêm 60.000 khẩu trang loại tái sử dụng để phục vụ công việc kinh doanh của hãng.

Brooks Brothers

Brooks Brothers, nhà bán lẻ lâu đời nhất nước Mỹ, hãng thời trang nổi tiếng với sứ mệnh may trang phục riêng cho Cựu tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, đồng thời là Thương hiệu của những bộ comple may sẵn cho người Mỹ. Thương hiệu bán lẻ với tuổi đời 202 năm này cũng đang trong quá trình chuyển hướng các nhà máy của mình tại New York, Bắc California và bang Massachusetts từ may cà vạt, áo sơ mi và vest sang may khẩu trang. Hãng dự kiến sử dụng các nhà máy sẵn có để sản xuất liên tục mỗi ngày 1.500 khẩu trang.

Để phát triển thêm nhiều mẫu mã mới, hãng đã hợp tác với những trường đại học hàng đầu cũng như các trung tâm nổi tiếng trong cả lĩnh vực dệt may và công nghệ.  Tới nay, hãng đã liên kết với Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ để đẩy nhanh quá trình kiểm duyệt mẫu mã của mình.

Trong một thông cáo báo chí do hãng đưa ra, Ông Claudio Del Vecchio, Giám đốc điều hành Brooks Brother cho biết: “Chúng tôi vô cùng cảm kích đội ngũ y tế trên tuyến đầu chống dịch. Chúng tôi rất vinh dự được đóng góp một phần công sức cũng như tham gia cung cấp các sản phẩm khẩu trang hiện đang thực sự cần thiết cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.” Ngoài việc tăng sản lượng lên 150.000 chiếc khẩu trang mỗi ngày, hãng cũng sẽ sản xuất thêm áo choàng bảo hộ.

Người dịch: Lê Nguyên Hương

https://www.textiletoday.com.bd/5-clothing-brands-making-ppe-play-part-covid-19/


Các tin khác