25 năm phát triển Công đoàn Dệt May Việt Nam: Đại diện tin cậy của người lao động – Đối tác hiệu quả của nhà quản lý
Dệt May là một ngành công nghiệp thuộc loại lâu đời nhất ở Việt Nam có truyền thống trên 100 năm, với đặc thù là đông lao động, tỷ lệ lao động nữ chiếm đa số, trình độ văn hoá chung của người lao động hiện nay ở mức lớp 9-12/12, nhiều vùng xa có cả lao động trình độ thấp hơn.
Đây cũng là ngành tham gia hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, trực tiếp cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, chịu sự chi phối của nhiều điều ước quốc tế cũng như các hiệp định thương mại tự do, sự giám sát của nhiều bên trong quá trình vận hành. Sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế thị trường có sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế từ doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước, doanh nghiệp FDI và rất nhiều doanh nghiệp dân doanh.
Sau 30 năm mở cửa kinh tế, ngành Dệt May đã đạt được các bước tiến ngoạn mục, trở thành quốc gia xuất khẩu hàng dệt may quy mô lớn thứ 2 thế giới (năm 2020) chỉ sau Trung Quốc, vượt lên các quốc gia lớn như Ấn Độ, Bangladesh, với trên 13.000 doanh nghiệp, quy mô xuất khẩu gần 40 tỷ USD và gần 3 triệu lao động trực tiếp trên cả nước. Với những đặc điểm như vậy của ngành vai trò của tổ chức đại diện cho người lao động ở ngành Dệt May tại tất cả các quốc gia đều hết sức quan trọng, là đối tác hợp tác – thương lượng quan trọng nhất với chủ doanh nghiệp. Trong điều kiện của Việt Nam, tổ chức đại diện có lịch sử trên 90 năm, gắn bó, đồng hành với dân tộc, với cộng đồng doanh nghiệp là Công đoàn Việt Nam.
Công đoàn ngành Dệt May Việt Nam được hình thành trên cơ sở công đoàn của Tập đoàn Dệt May Việt Nam được nâng cấp thí điểm mô hình công đoàn ngành nghề từ năm 2008. 25 năm qua tổ chức Công đoàn ngành và đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của Tập đoàn xứng đáng là người đại diện tin cậy của người lao động đồng thời là đối tác hiệu quả của nhà quản lý.
Trong 25 năm vừa qua có thể chia làm 3 giai đoạn trong quá trình phát triển của Công đoàn ngành Dệt May Việt Nam, với những vai trò và đóng góp riêng, xuyên suốt trong nhiệm vụ tổ chức đại diện cho người lao động, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng.
Giai đoạn 1996-2007: là giai đoạn Công đoàn của Tổng công ty Dệt May Việt Nam (nay là Tập đoàn Dệt May Việt Nam) với các thành viên là công đoàn các công ty trực thuộc Tập đoàn theo quyết định của Chính phủ. Các doanh nghiệp đều là doanh nghiệp Nhà nước, từ năm 1999 bắt đầu có cổ phần hoá doanh nghiệp nhưng vẫn là các doanh nghiệp cổ phần Nhà nước chi phối. Hoạt động trong khuôn khổ của doanh nghiệp Nhà nước với thuận lợi cơ bản là có sự phối hợp nền nếp theo truyền thống, được sự lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng, có ngân sách hoạt động với sự hỗ trợ trực tiếp từ doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng bắt đầu bộc lộ những khó khăn hạn chế trong quá trình phát triển của ngành. Đó là, với việc thành lập và phát triển rất nhanh của khu vực tư nhân và FDI, cạnh tranh lao động đã diễn ra rất gay gắt, tỷ lệ nghỉ việc, chuyển việc trong công nhân lao động rất cao. Áp lực lên cả tổ chức đại diện cho người lao động và nhà quản lý đều rất lớn. Cùng với cạnh tranh lao động, là việc các khách hàng áp dụng các tiêu chuẩn đánh giá cho lao động tại các doanh nghiệp như SA8000, OHSAS18000…, hội nhập quốc tế về lao động ngày càng sâu rộng. Những vấn đề mới đặt ra cho tổ chức Công đoàn đã cho thấy khuôn khổ hoạt động của mô hình Công đoàn Tập đoàn, và những giải pháp truyền thống đã trở nên chật hẹp so với yêu cầu mới từ người lao động và cả người sử dụng lao động với tổ chức đại diện cho người lao động.
Giai đoạn 2008-2014: là nhiệm kỳ đầu tiên Công đoàn Tập đoàn chuyển đổi sang mô hình thí điểm Công đoàn ngành Dệt May, nó trùng với thời điểm hình thành Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam theo mô hình Đảng bộ công ty mẹ mở rộng năm 2007 gồm văn phòng công ty mẹ, các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, và đặc biệt là 3 Đảng bộ 3 tổng công ty hoạt động theo mô hình mẹ-con của Tập đoàn với trên 2000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đây cũng là giai đoạn diễn ra tiến trình cổ phần hoá nhanh các doanh nghiệp trong Tập đoàn, đến năm 2014 hoàn tất việc cổ phần hoá toàn bộ các doanh nghiệp bao gồm cả công ty mẹ Tập đoàn. Cùng với đó là quá trình giảm tỷ lệ vốn của Tập đoàn tại các đơn vị thành viên sau cổ phần hoá theo chủ trương chung của Chính phủ, đến năm 2014, phần lớn các doanh nghiệp May đã không còn là doanh nghiệp Tập đoàn chi phối, tương ứng với đại đa số đoàn viên công đoàn làm việc tại các doanh nghiệp cổ phần, không là doanh nghiệp Nhà nước. Trong thời gian này, cũng đã xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới 2011-2012, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và thu nhập, lạm phát và lãi suất trong nước có lúc lên tới gần 20%/năm. Đây là giai đoạn nhiều thách thức với Công đoàn ngành Dệt May, vừa lo vận hành thử nghiệm mô hình mới, vừa phải cùng đội ngũ đoàn viên công đoàn đối diện các khó khăn của thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Vượt qua các thử thách đó, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, sự phối hợp chí tình của cơ quan điều hành các doanh nghiệp, Công đoàn ngành đã khẳng định được vai trò đại diện duy nhất, cũng như khẳng định tính đúng đắn của mô hình mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiệm kỳ đầu tiên đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2011.
Giai đoạn 2015- đến nay: là giai đoạn Công đoàn ngành hoạt động trong điều kiện công ty mẹ Tập đoàn Dệt May đã cổ phần hoá với 53.4% vốn Nhà nước, đồng thời có kế hoạch giảm dần sự chi phối của Nhà nước tại Tập đoàn. Trong giai đoạn này cũng chứng kiến việc Việt Nam tham gia 12 hiệp định thương mại tự do, trong đó lớn nhất là CPTPP và EV FTA, cùng với nó là sự bùng nổ đầu tư vào dệt may của cả khối nước ngoài và tư nhân, chỉ trong 2 năm 2016, 2017 vốn đầu tư vào dệt may đã tương đương cả 20 năm trước đó. Kim ngạch xuất khẩu tăng 50% trong 5 năm 2015-2019 từ 27 tỷ USD lên 39.2 tỷ USD; lao động tăng gần gấp 2 lần sau 10 năm từ 1.4 triệu năm 2010 lên trên 2.85 triệu năm 2020. Ghi nhận thành tích xuất sắc của Công đoàn Dệt May Việt Nam giai đoạn này, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2016.
CĐDMVN tặng 50.000 khẩu trang y tế cho nhân dân, NLĐ tại tỉnh Bắc Ninh.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề mới phát sinh gay gắt, nhất là cạnh tranh lao động, không chỉ cạnh tranh trong ngành Dệt May mà còn cả từ các ngành nghề khác như điện thoại, điện tử, linh kiện, máy tính với các doanh nghiệp quy mô toàn cầu vào đầu tư tại Việt Nam, và chỉ sau 3 năm đã soán ngôi ngành xuất khẩu lớn nhất cả nước của dệt may. Cùng với đó là sự thiếu hụt các kỹ năng cần có của người lao động trong diễn biến ngày càng nhanh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nguy cơ thất nghiệp thứ phát của lao động dệt may rất cao. Vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động của Công đoàn ngành không còn chỉ là thương lượng với nhà quản lý mà còn là việc nâng cấp người lao động đạt các yêu cầu mới, phòng chống nguy cơ thất nghiệp vì lao động không còn đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trở thành một nhiệm vụ trọng tâm hết sức thách thức. Tuy vậy, chính trong giai đoạn hiện nay đang ghi nhận những thành tựu đáng kể của Công đoàn ngành, đó là trong 5 năm qua đã ký kết và cập nhật 3 bản thoả ước lao động tập thể ngành. Phát triển mạnh mẽ đoàn viên công đoàn trong khu vực tư nhân, hình thành việc phối hợp bài bản hơn với Công đoàn Dệt May các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội,… Quan trọng nhất là dấu ấn hướng về cơ sở, phục vụ cơ sở, với nhiều sáng kiến hữu ích đem lại sức mạnh đoàn kết cao cho doanh nghiệp. Đặc biệt trong gần 20 tháng qua với sự hoành hành của dịch covid 19, tất cả doanh nghiệp ngành Dệt May đều hết sức vất vả. Vai trò của tổ chức Công đoàn ở từng doanh nghiệp với sự chỉ đạo từ Công đoàn ngành đã hành động kịp thời, hiệu quả, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho người lao động.
Chặng đường 25 năm qua ghi nhận sự trưởng thành của Công đoàn ngành Dệt May Việt Nam trong chất lượng công tác, trong sự gắn bó mật thiết với đoàn viên và doanh nghiệp. Có thể tổng kết 3 bài học kinh nghiệm quan trọng cần tiếp tục phát huy và làm tốt hơn trong thời gian tới, các bài học kinh nghiệm cũng bao hàm cả các hạn chế mà Công đoàn ngành cần tập trung khắc phục:
Một là, tuyệt đối tuân thủ sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Cụ thể ở đây là Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam và các Đảng bộ ở cơ sở doanh nghiệp là thành viên của Công đoàn ngành. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Giữ vai trò chủ chốt trong phòng chống chủ động các luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu, các xu hướng hình thành tổ chức đại diện khác…Xây dựng nhiệm vụ của Công đoàn ngành và Công đoàn cơ sở gắn liền với nhiệm vụ của doanh nghiệp, chia sẻ trách nhiệm với nhà quản lý. Bảo vệ quyền lợi không chỉ cho đoàn viên công đoàn mà còn cả quyền lợi của doanh nghiệp. Là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên đồng thời là đối tác hiệu quả của nhà quản lý tại doanh nghiệp.
Hai là, gắn bó chặt chẽ với cơ sở, hướng về cơ sở. Mọi hoạt động đều xác định phục vụ đoàn viên, vì chất lượng cuộc sống của đoàn viên, nhất là điều kiện ngành Dệt May thu nhập mới chỉ ở mức trung bình thấp. Cơ quan Công đoàn ngành phải thực sự tinh gọn, hiệu quả, nắm vững thực tiễn, có giải pháp và định hướng kịp thời cho công đoàn cơ sở.
Ba là, thực sự cầu thị, phát huy sáng tạo trong giải pháp cụ thể tại cơ sở. Đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, tư vấn, giải đáp, đào tạo về chính sách pháp luật, quyền và nghĩa vụ của người lao động. Nâng cao chất lượng đội ngũ đoàn viên công đoàn thực sự là người lao động trong thời đại công nghiệp 4.0. Có giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ công đoàn ở cơ sở tinh thông nghiệp vụ, có tâm với người lao động. Đổi mới phương pháp quản lý đoàn viên, công đoàn cơ sở bằng các ứng dụng số, chính xác, hiệu quả, kịp thời, tiết giảm chi phí vận hành.
Công đoàn tích cực hỗ trợ người lao động sản xuất “3 tại chỗ”.
Bên cạnh đó, Công đoàn ngành cũng cần kiến nghị với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm tổng kết mô hình Công đoàn ngành nghề, có chủ trương về việc phát triển các thành viên là doanh nghiệp dệt may hiện đang sinh hoạt tại địa phương.
Với truyền thống và sức mạnh đoàn kết, tương thân tương ái, cùng với sự cam kết mạnh mẽ của Đảng uỷ, HĐQT các doanh nghiệp với tổ chức Công đoàn, chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục có những thành quả mới trong sản xuất kinh doanh cũng như trong chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ công nhân lao động, phát triển đoàn viên Công đoàn ngành Dệt May Việt Nam.
Bài: Ông Lê Tiến Trường
Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam