Vinatex kiên định mục tiêu giữ vững nguồn lực trước diễn biến của thị trường
Sáng 13/5 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.
Dự Đại hội có ông Phạm Văn Sơn – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Trần Quang Nghị – Phó Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Cao Hữu Hiếu – TV HĐQT, Tổng Giám đốc Vinatex; bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo HĐQT, Cơ quan điều hành, các Ban chức năng của Tập đoàn và các cổ đông sở hữu đại diện cho 88,56% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại Đại hội. Tham dự Đại hội còn có đại diện lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tâp đoàn Itochu (Nhật Bản) – các cổ đông lớn của Vinatex.
Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex, chủ tọa Đại hội cho biết, ĐHĐCĐ năm 2024 nhằm mổ xẻ, phân tích hướng đi mới cho Tập đoàn trong bối cảnh thị trường ngày càng khốc liệt, khó khăn và khó nhận định. Nếu như 10 năm trước đây, thị trường phổ thông có nhiều thuận lợi và dư địa phát triển thì hiện nay việc lựa chọn thị trường ngách hay thị trường phổ thông, sản phẩm, công nghệ… dần trở nên khó khăn hơn. “Bên cạnh các nội dung quan trọng trình Đại hội thông qua, chúng tôi mong muốn các cổ đông có nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu trong ngành dệt may cùng đưa ra nhận định, tham gia góp ý kiến để Vinatex điều chỉnh, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển phù hợp cho giai đoạn 2025, hướng tới ĐHĐCĐ nhiệm kỳ 2025 – 2030. Tập đoàn kiên định bảo toàn nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp, đề cao đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử với cổ đông- người lao động- xã hội, minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ ĐHĐCĐ giao”- Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex báo cáo hoạt động của Cơ quan điều hành năm 2023, mục tiêu năm 2024
Báo cáo hoạt động của Cơ quan điều hành, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, năm 2023 là một năm khó khăn chưa từng có trong tiền lệ khi kim ngạch xuất khẩu dệt may lần đầu tiên giảm trên 10%, hiệu quả kinh doanh trên doanh thu thấp nhất trong vòng 10 năm qua, đơn giá các mặt hàng giảm trên 20% trong khi chi phí đầu vào đều tăng cao. Đứng trước những thách thức đó, thực hiện chiến lược của HĐQT, CQĐH Tập đoàn đã quyết liệt triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ: (1) Công tác thị trường năm 2023 tập trung vào việc đánh giá, sàng lọc khách hàng và phát triển khách hàng mới: Các đơn vị đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các thị trường mới nhằm cân bằng, giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống; Tổ chức các buổi hội thảo thị trường hàng tháng và hội nghị sinh hoạt thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề của Ban SXKD Sợi và May để kịp thời cập nhật các thông tin về kinh tế vĩ mô, thị trường dệt may, thảo luận các phương án SXKD phù hợp với bối cảnh thực tế; (2) Đổi mới nền tảng quản trị và chuyển đổi số: Tiếp tục phát triển và áp dụng các giải pháp quản trị mới nhằm tận dụng tối đa nguồn lực nhân sự trong toàn hệ thống để xử lý các vấn đề khó khăn vượt khuôn khổ năng lực của một doanh nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu tập trung và hệ thống phần mềm vận hành đang được xây dựng và liên tục hoàn hiện cho các lĩnh vực vận hành: SXKD sợi, TCKT, QLNNL… (3) Công tác đầu tư – phát triển: Dựa trên các khuyến nghị của các ban SXKD và các đề xuất từ các DN, Tập đoàn đã liên tục thực hiện đầu tư chiều sâu, nâng cấp để đảm bảo mức độ tự động hóa, tối ưu để khai thác hiệu quả hệ thống năng lực SXKD hiện có, đồng thời hình thành các hướng đầu tư mới để đảm bảo cân bằng và kết nối hữu cơ hệ thống sản xuất trong từng đơn vị và các đơn vị trong Tập đoàn; (4) Công tác phát triển nguồn nhân lực: Tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản trị trong bối cảnh sự phát triển của khoa học công nghệ và biến động liên tục của thị trường; phát triển và bồi dưỡng các lớp các bộ kế cận; thu hút, tuyển dụng cán bộ mới có năng lực chuyên môn tốt và sức trẻ; (5) Nghiên cứu phát triển: Triển khai nghiên cứu công nghệ, máy móc và sản xuất thử các mặt hàng mới như sợi lõi filament, các loại sợi pha mới để linh hoạt đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường; phát triển thị trường mới từ các sản phẩm có tính năng đặc biệt như chống cháy, chống đâm, chống nước…
Với giải pháp đồng bộ, hiệu quả, Vinatex đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao. Cụ thể: Doanh thu hợp nhất đạt 17.612 tỷ đồng, bằng 106,7% kế hoạch, trong đó Công ty Mẹ đạt 2.008 tỷ đồng, bằng 105,7% kế hoạch; Lợi nhuận hợp nhất đạt 538 tỷ đồng, bằng 145,5% kế hoạch, trong đó Công ty Mẹ đạt 133 tỷ đồng, bằng 102,9% kế hoạch ĐHĐCĐ giao.
Lãnh đạo Vinatex nhận định, thị trường năm 2024 còn nhiều bất định và khó lường, những tín hiệu phục hồi từ thị trường chưa có sự bền vững và còn nhiều rủi ro. Do đó, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2024 là 17.900 tỷ đồng, bằng 101,63% cùng kỳ, trong đó doanh thu Công ty Mẹ đạt 2.070 tỷ đồng, bằng 103,06% cùng kỳ; Lợi nhuận hợp nhất đạt 550 tỷ đồng, bằng 102,13% cùng kỳ, lợi nhuận Công ty Mẹ đạt 150 tỷ đồng, bằng 112,17% cùng kỳ năm 2023.
Để hoàn thành tốt kế hoạch SXKD năm 2024, CQĐH Vinatex chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
- Triển khai quyết liệt các nội dung Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025 đã được ĐHĐCĐ 2023 thông qua.
- Tiếp tục cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh hoạt động hợp tác chuỗi trong nội bộ Tập đoàn và với các đối tác trong chuỗi cung ứng dệt may (bao gồm các nhà cung cấp nguyên liệu, các nhãn hàng, kênh phân phối và nhà bán lẻ) để khẳng định vị thế và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng một cách bền vững.
- Duy trì công tác thông tin, phân tích và dự báo thị trường. Trong đó, tập trung vào trao đổi tình hình SXKD, đưa ra các giải pháp trong ngắn hạn và phân tích để phát hiện ra những cơ hội mới, thị trường mới, chia sẻ cơ hội giữa các đơn vị.
- Tiếp tục tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất dựa trên hạ tầng sẵn có. Khởi động các dự án trọng điểm SXKD, ngành nghề cốt lõi của Tập đoàn như Dự án Nhà máy sợi Vinatex Nam Định 2, hướng tợi thị trường sợi chất lượng cao, sản xuất được các mặt hàng sợi pha, sợi phục vụ sản xuất vải chống cháy, sợi recycle.
- Tăng cường năng lực phát triển sản phẩm ngành may ở khâu thiết kế và marketing, từ đó gia tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu mang giá trị cao như OEM/FOB trong tổng doanh thu. Tạo sự liên kết chặt chẽ theo mô hình cụm doanh nghiệp Sợi – Dệt nhuộm – May, nhân rộng trong toàn hệ thống Tập đoàn hướng tới mục tiêu chiến lược “Một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang”.
- Ưu tiên tổ chức sản xuất các đơn hàng vải – trang phục chống cháy theo thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Coats (Anh Quốc), hướng tới việc trở thành một mặt hàng chiến lược lâu dài của Tập đoàn.
- Nghiên cứu, cập nhật máy móc thiết bị, công nghệ mới trên thế giới và khả năng ứng dụng trong Tập đoàn. Tiếp tục các chương trình nghiên cứu phát triển sản phẩm mới như sợi lõi filament, sợi – vải có tính năng đặc biệt.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng các cơ chế lương, thưởng và môi trường làm việc để tạo môi trường thu hút nhân tài.
- Tiếp tục đưa ra các giải pháp mới trong công tác vận hành và thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao giải pháp quản trị và khai thác tối ưu các nguồn lực hiện có để đảm bảo tốc độ xử lý và chất lượng thông tin cho việc ra quyết định.
- Hoàn thiện, cập nhật cẩm nang quản trị rủi ro nhằm phòng ngừa và đưa ra các giải pháp điều hành kịp thời, hạn chế rủi ro đối với Công ty Mẹ Tập đoàn và các doanh nghiệp có vốn đầu tư.
- Liên tục cập nhật các quy định, yêu cầu bắt buộc về phát triển bền vững, sản xuất xanh để chủ động vận dụng; theo dõi việc tuân thủ của các đơn vị về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động, quản lý phát thải carbon…
Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhận định về thị trường và một số mục tiêu, giải pháp của Vinatex trong trung hạn
Đánh giá và nhận định thị trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, trong ngắn hạn và trung hạn, thị trường sẽ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các lợi thế về cạnh tranh của Việt Nam đang yếu hơn so với các quốc gia sản xuất dệt may trên thế giới. Trước bối cảnh đó, năm 2023, HĐQT Vinatex đã tổ chức 13 cuộc họp, ban hành 22 Nghị quyết và 4 Quyết định với các nội dung: (1) Chiến lược và đầu tư: Chủ trì xây dựng Đề án Tái cơ cấu Vinatex giai đoạn 2021 – 2025, định hướng 2030; Phê duyệt đầu tư dự án tại các đơn vị thành viên; Chỉ đạo công tác thoái vốn tại các đơn vị theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt; Phối hợp tổ chức xây dựng hệ thống quy chế, quy định trong Tập đoàn đảm bảo hành lang pháp lý vận hành. (2) Nhân sự: Tham gia xây dựng và triển khai hoạt động đào tạo nội bộ Tập đoàn; Phối hợp với Cơ quan điều hành tổ chức Hội nghị nhân sự, chương trình quản trị nhân sự ở các đơn vị. (3) Thị trường, quản trị rủi ro: Cập nhật, phân tích, đánh giá và dự báo tình hình thị trường dệt may toàn cầu; các quy định về xu hướng mới tác động đến ngành và các yếu tố vĩ mô; Nhận diện, cảnh báo rủi ro, theo dõi kết quả SXKD, tồn kho định kỳ hàng quý các hãng thời trang lớn là khách hàng trong hệ thống các DN của Tập đoàn; Phối hợp chặt chẽ cùng Ban kiểm soát Tập đoàn thực hiện đánh giá hoạt động SXKD, hoạt động của người đại diện vốn tại các đơn vị.
Hoạt động của HĐQT tập trung vào một số điểm nhấn: (1) Chú trọng công tác R&D, sản xuất sản phẩm đặc chủng, kỹ thuật cao, ký kết thỏa thuận hợp tác sản xuất và kinh doanh vải chống cháy với Tập đoàn Coats (Anh Quốc) và sẽ có lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang thị trường Mỹ vào tháng 7/2024; Thử nghiệm sản xuất sợi lõi filament. (2) Đẩy mạnh công tác thị trường, tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng cao và chuyển dịch đáp ứng nhu cầu mới, bù đắp suy giảm của sản phẩm truyền thống: Đưa sản phẩm khăn Phong Phú vào thị trường Mỹ, chuẩn bị xây dựng chuỗi sản xuất khăn tại miền Bắc (Dệt Hà Đông và Dệt Nam Định); Chuyển dịch sang sản xuất sợi pha có thành phần tái chế cao đáp ứng nhu cầu thị trường: bình quân trên 25% trong hệ thống Vinatex (trên 50% tại Sợi Phú Bài). (3) Kéo dài chuỗi cung ứng hướng tới khép kín chuỗi cung ứng: Sợi sang ngành Dệt – Việt Thắng đạt 70% sợi qua dệt, Dệt Nam Định 35%; triển khai kết nối ngành sợi với các nhà sản xuất trong nước (nhất là FDI); Củng cố ngành dệt nhuộm để nâng cao tỷ lệ sử dụng vải mộc. (4) Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản trị: Hoàn thiện cơ bản CĐS tại Văn phòng Tập đoàn và ngành sợi; Quản trị chi phí thông qua dữ liệu CĐS. (5) Lấy nguồn nhân lực làm nền tảng cho phát triển: Đào tạo giai đoạn 2 chương trình Young Talent; Đào tạo theo yêu cầu cho cán bộ quản lý tại các đơn vị trọng yếu: Việt Thắng, Phong Phú, Phú Bài, Dệt May Nam Định.
Đặt ra nhiệm vụ xuyên suốt năm 2024, Chủ tịch Lê Tiến Trường nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm:
- Bám sát các định hướng phát triển của Tập đoàn trong trung và dài hạn;
- Thẳng thắn nhìn nhận vị thế trong chuỗi cung ứng;
- Minh bạch các khó khăn và cơ hội phát triển;
- Phân tích kỹ lưỡng thông tin thị trường và đối thủ cạnh tranh để chỉ đạo, điều hành;
- Đổi mới, sáng tạo và linh hoạt sản xuất để nắm bắt cơ hội và thích ứng thị trường.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện 5 kiên định gồm:
- Thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp (ESG);
- Tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới;
- Liên tục dự báo thị trường và đưa ra giải pháp thích ứng;
- Xây dựng trong nội tại Tập đoàn mục tiêu chiến lược “Một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang”;
- Đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ.
Ông Phạm Văn Sơn –Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại Đại hội
Phát biểu tại Đại hội, ông Phạm Văn Sơn –Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá cao công tác điều hành của HĐQT, Cơ quan điều hành của Vinatex trong năm 2023. Trong đó, phần vốn nhà nước của SCIC tại Vinatex được bảo toàn, chia cổ tức 3% là một thành công khi nhiều DN gặp khó khăn với thị trường nhiều bất lợi. Trong đó, là một Tập đoàn thâm dụng lao động, có trách nhiệm an sinh xã hội với hơn 62 nghìn lao động trực tiếp cấp 1 và trên 150 nghìn lao động cấp 2, việc đảm bảo đời sống, thu nhập cho người lao động với thu nhập trung bình đạt gần 9,5 triệu đồng/người/tháng là một trong những điểm sáng của Vinatex trong năm 2023.
“Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định năm 2024, 2025 vẫn còn nhiều rủi ro và diễn biến khó lường, do đó Vinatex cần tập trung các nguồn lực, xây dựng các quyết sách nhanh, gọn, quyết liệt nhằm triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 và ổn định đời sống, việc làm cho người lao động thông qua các giải pháp về tiền lương, thu nhập. Hơn hết, với đặc thù ngành dệt may lợi nhuận dựa trên năng suất lao động thì đây sẽ là kim chỉ nam để Vinatex ưu tiên, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế tiền lương cho cán bộ quản lý và người lao động.”- Ông Phạm Văn Sơn nhấn mạnh.
Đại hội bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 – 2025
Lãnh đạo Tập đoàn chúc mừng bà Nguyễn Thanh Lê trúng cử thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 – 2025
Đại hội biểu quyết thông qua các tờ trình
Lãnh đạo Tập đoàn và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Cũng tại Đại hội, 100% cổ đông đã thông qua biểu quyết miễn nhiệm bà Đào Thị Minh Hòa – Thành viên Ban kiểm soát, bầu mới bà Nguyễn Thanh Lê – Thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 – 2025 theo đề cử của cổ đông lớn SCIC. Đồng thời, 100% cổ đông có mặt tại Đại hội đã biểu quyết thông qua: Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023 (riêng và hợp nhất), kế hoạch SXKD năm 2024; Phương án phân phối lợi nhuận năm 2023; Tiền lương, thù lao HĐQT, BKS năm 2023 và kế hoạch năm 2024; Lựa chọn đơn vị kiểm toán BCTC năm 2024; Bổ sung đề án tái cơ cấu Vinatex giai đoạn 2021- 2025, định hướng 2030.
Quang Nam