Thảo luận thương mại trực tuyến Việt Nam-Canada


Ngày 21/1/2021 Bộ Công Thương Việt Nam và Hội đồng thương mại Asean Canada đã tổ chức cuộc Thảo luận trực tuyến về thương mại hai nước với nhan đề “Phát triển quan hệ đối tác kinh doanh Canada-Việt Nam”. Hội nghị trực tuyến có sự tham gia của gần 200 đại biểu, phần lớn là cơ quan, tổ chức, CEO của nhiều doanh nghiệp lớn của Canada trong nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, logistic, nhập khẩu hàng tiêu dùng: dệt may, đồ gỗ, cơ khí, thủ công mỹ nghệ …cùng với sự tham dự của các cơ quan Chính phủ Canada gồm các Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển, Bộ Kinh tế và sáng tạo, EDC – tổ chức tín dụng xuất khẩu, một số Bộ/ngành các bang lớn nhất của Canada như Ontario, British Colombia, Quebec, Alberta, Saskatchewan. Vinatex tham dự với tư cách là 1 trong 4 diễn giả chính trong buổi Thảo luận cùng với Ngân hàng quốc gia Canada/Hội đồng Cơ sở hạ tầng Canada, Vinfast và Manulife.

Tại cuộc Thảo luận, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex đã trao đổi với toàn hội nghị về hai nội dung: Những lợi ích và lợi thế cạnh tranh mà Hiệp định CPTPP mang lại cho ngành Dệt May Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng, và tác động của xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong khu vực.

Ông Lê Tiến Trường cho biết, CPTPP là Hiệp định FTA đầu tiên mà Việt Nam và Canada đã được ký, có hiệu lực đối với Canada vào ngày 30/12/2018 và đối với Việt Nam vào ngày 14/1/2019. Trong số các Thành viên CPTPP, Canada được đánh giá là thị trường rất tiềm năng với 13-14 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may hàng năm, lớn thứ 2 trong CPTPP chỉ đứng sau Nhật Bản và cònnhiều dư địa cho Dệt May Việt Nam mở rộng thị phần tại Canada (thị phần hiện tại mới đạt khoảng 8%). Ước tính, CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) của kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Canada trong 5 năm qua là 11,8%, tốt hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của toàn ngành dệt may là 7,4%.

Theo thống kê của Trademap, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam năm 2019 sang Canada lần đầu tiên đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 20% ​​so với năm 2018 (vượt qua Campuchia để đứng thứ 3 về xuất khẩu hàng dệt may sang Canada).

Năm 2020, mặc dù chịu tác động của Covid-19 nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Canada gần như không thay đổi (chỉ giảm 2%, phần lớn là giảm vải kỹ thuật, nhưng về kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc không đổi trong khi xuất khẩu toàn ngành may mặc giảm 9,5%).

Bên cạnh đó, tất cả các dòng thuế dệt may sẽ về 0% từ năm 2021 trở đi nếu đáp ứng Quy tắc xuất xứ trong CPTPP (Việt Nam có thể tiết kiệm khoảng 100 triệu USD thuế nhập khẩu đã nộp) như vậy tình hình sẽ tốt hơn nhiều so với MFN (Thuế suất tối huệ quốc) ở mức 17-18% khi không có CPTPP.

Trước khi CPTPP có hiệu lực, thị phần xuất khẩu Dệt May Việt Nam vào Canada đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Bangladesh và Campuchia, nhưng từ năm 2019 Việt Nam đã chiếm vị trí thứ 3 của Campuchia về thị phần tại Canada.

Bangladesh và Campuchia sẽ không còn lợi thế về thuế nhập khẩu vào Canada (trước CPTPP, 2 nước được hưởng GSP -Thuế suất ưu đãi phổ cập Canada dành cho các nước kém phát triển là 0% trong khi Việt Nam phải chịu mức thuế cao hơn nhiều).

Chiến lược trong giai đoạn tới của ngành Dệt may Việt Nam cũng như của Vinatex sẽ tập trung vào sản xuất xanh, tuân thủ các yêu cầu về trách nhiệm xã hội, áp dụng tự động hóa, robot trong một số khâu để cải thiện năng suất, đảm bảo năng lực sản xuất OEM.

Sau cuộc thảo luận này, Việt Nam hy vọng quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Canada sẽ được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa, và KNXK hàng Việt Nam vào Canada tăng trưởng nhanh chóng. Mục tiêu trong 4 năm tới thị phần xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Canada sẽ tăng gấp đôi, đạt khoảng 16% bám sát thị phần tại thị trường Mỹ, giá trị tuyệt đối tương đương tăng thêm khoảng 2 tỷ USD.


Các tin khác