Suy nghĩ trong một mùa Đại hội đồng cổ đông nhiều thách thức
Như thông lệ, từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm chúng ta đang trong mùa đại hội đồng cổ đông của các đơn vị. Có lẽ đây là một mùa đại hội có nhiều thách thức lớn với các doanh nghiệp nhất kể từ khi các đơn vị trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cổ phần hoá và thực hiện đại hội đồng cổ đông hàng năm theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Kim ngạch xuất khẩu suy giảm mạnh
Đại hội diễn ra khi đã có kết quả quý I/2023, quý thứ 2 liên tiếp có kết quả không thuận lợi với các diễn biến thị trường nhiều bất ổn, bất định, khó dự báo. Xu thế tổng cầu dệt may tiếp tục suy giảm năm 2023 so với 2022 được hầu hết các tổ chức dự báo lớn của thế giới thống nhất cao, mô hình dự báo của Vinatex trên cơ sở các thông số về kinh tế vĩ mô ở các quốc gia tiêu thụ sản phẩm lớn nhất cũng cho cùng một dự báo như vậy. Kịch bản thị trường dù ở phương án tốt nhất cũng thấp hơn 2022 khoảng 5%, trong khi nguồn cung trên thế giới tăng mạnh trở lại sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa nền kinh tế tháng 3 vừa qua đã gia tăng áp lực lên giá hàng hoá dệt may. Kinh tế vĩ mô thế giới tăng trưởng chậm hơn so với các dự báo, quý sau dự báo kinh tế tăng trưởng thấp hơn quý trước ở cả 3 khu vực các nước phát triển, các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển, ngoại trừ Trung Quốc. Kinh tế tăng trưởng chậm dẫn đến xu thế tiếp tục thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng và hàng hoá dệt may luôn có mặt trong top 5 các mặt hàng được tiết giảm. Lạm phát toàn cầu tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao (7% ở Euro zone, 6% ở Mỹ) làm cho cuối tháng 4 và đầu tháng 5 cả FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) và ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu) tiếp tục phải tăng lãi suất thêm 0,25% lần thứ 10 và thứ 7 liên tiếp trong 1 năm qua. Việc sụp đổ xảy ra tại 3 ngân hàng ở Mỹ, 2 ngân hàng ở châu Âu cũng đưa lại các chỉ dấu không thuận lợi cho kinh tế vĩ mô, nhiều nghi ngờ về xác suất ngày càng cao của khủng hoảng có thể xảy ra, mà nếu có thì dẫn tới thị trường còn trầm lắng kéo dài. Chưa có một dự báo nào của các tổ chức uy tín nói về thời điểm phục hồi mạnh của thị trường dệt may thời trang. Tổng tồn kho hàng dệt may sau khi giảm vào tháng 1,2 quay đầu tăng trở lại trong tháng 3,4 vừa qua. Tồn kho cao, đơn hàng phải đặt nhỏ, nhanh dẫn tới có cả xu thế dịch chuyển về đặt hàng gần thị trường tiêu thụ để linh hoạt hơn về giao hàng dù chi phí sản xuất có thể cao hơn làm cho nhu cầu đặt hàng từ châu Á cho khu vực Mỹ, châu Âu cũng bị suy giảm thêm.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia trên thế giới đều đã phải có các chính sách hỗ trợ thị trường phục hồi như xác định đồng nội tệ rẻ (Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh), chính sách hỗ trợ trực tiếp với doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất thông qua nguồn vốn, vận tải… Tuy vậy, dù có hỗ trợ thì cả 5 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới đều đã không ngăn được sự suy giảm kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước với mức trung bình ~15%, quốc gia trụ lại cuối cùng là Bangladesh cũng đã báo cáo tháng 4 chỉ xuất khẩu được 3,3 tỷ USD giảm 15% so với cùng kỳ, tương đương kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thông tin dệt may Bangladesh thừa đơn hàng mà Việt Nam quá thiếu là không chính xác ở phạm vi quốc gia.
Kiên định thực hiện 5 giải pháp chiến lược
Tại Việt Nam, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tháng 4 tiếp tục ở mức dưới 50 điểm (mức chứng tỏ thị trường cân bằng, dưới 50 điểm là thị trường suy giảm, trên 50 điểm là thị trường tăng trưởng) về mức 46,7 điểm so với 47,7 điểm của tháng 3, là lần thứ 5 điều kiện kinh doanh giảm trong 6 tháng qua (duy nhất chỉ có tháng 2 PMI trên 50 điểm). Đơn giá hàng may mặc giảm mạnh trên 20%, thậm chí các mặt hàng dệt kim cơ bản giảm tới 50% và vẫn thiếu đơn hàng. Lĩnh vực sợi hy vọng có cải thiện sau khi thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc mở cửa trở lại, tuy nhiên thực tế không như dự báo, Trung Quốc tập trung sử dụng 100% lượng bông trong nước để sản xuất phục vụ thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu không kiểm soát nguồn gốc bông, dẫn tới nhu cầu các sản phẩm sợi cotton chi số trung bình thấp của Việt Nam không tăng. Thực tế, Trung Quốc có nhu cầu tăng dần nhập khẩu sợi chi số cao phục vụ dệt vải xuất khẩu vào các thị trường OECD mà đó không phải là thế mạnh của ngành sợi Việt Nam.
Trong khi đó, nếu xét trên lợi thế cạnh tranh tương đối, Việt Nam đang có nhiều hạn chế hơn các quốc gia xuất khẩu khác, trước hết là đồng tiền Việt Nam đang mạnh lên trong quý I vừa qua, trong khi các quốc gia xuất khẩu dệt may duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu, kể cả Trung Quốc với tỷ giá 6,91 CNY/USD so với năm 2018, 2019 ở mức 6,3-6,5 CNY/USD. Cùng với đó là lãi suất khoản vay tại Việt Nam cũng dao động cao hơn mức tại các quốc gia này từ 5-7%/năm. Tăng giá điện 3% từ ngày 4/5, tăng lương cơ sở của khu vực công lên 1,8 triệu đồng/tháng cũng gây thêm áp lực chi phí lên doanh nghiệp.
Nhìn cả một bức tranh chung nhiều màu xám, tuy nhiên cần nhìn nhận lại rằng đây có phải lần đầu doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn về thị trường thế này không? Chắc chắn là không, khủng hoảng kinh tế 2008-2011 của thế giới cũng có tổng cầu sụt giảm, lúc đó Việt Nam còn có lạm phát 2 con số, lãi suất ngân hàng lên trên 15%. Hai năm dịch bệnh Covid- 19, ước mơ lớn nhất của chúng ta giản đơn chỉ là nhà máy được mở cửa, tổ chức sản xuất linh hoạt các sản phẩm chưa bao giờ làm đã trở thành bài học cho các doanh nghiệp.
Chính từ thực tế thị trường và các dự báo xu thế trong 2 năm 2023, 2024, cổ đông Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại các công ty cổ phần trong Tập đoàn trong các đại hội đồng cổ đông luôn thể hiện quan điểm định hướng cho năm 2023 là:
- Tổng cầu suy giảm là thực tế chắc chắn của năm 2023, dẫn tới đơn giá gia công giảm mạnh, kế hoạch thoả thuận đơn hàng sẽ rất trễ gây áp lực cao lên việc lập và đảm bảo kế hoạch sản xuất;
- Đơn hàng nhỏ và với điều kiện vĩ mô Việt Nam không thuận lợi để cạnh tranh bằng giá cho lô hàng loạt lớn, doanh nghiệp của Tập đoàn cần tập trung cho thị trường ngách hàng đơn hàng nhỏ, khó, thay đổi liên tục;
- Đa dạng hoá khách hàng trong một thị trường xuất khẩu cần quyết liệt thực hiện. Không phụ thuộc vào một vài khách hàng truyền thống.
- Tiết kiệm triệt để mọi chi phí vận hành, chưa thực hiện mở rộng quy mô, tập trung vào đầu tư chiều sâu trong tự động hoá, số hoá với khả năng thu hồi vốn đầu tư nhanh trong 2-3 năm;
- Kiên định thực hiện 5 giải pháp chiến lược:
- Duy trì, củng cố và phát triển vị trí trong chuỗi cung ứng hiện có. Đồng thời, tìm kiếm gia nhập các chuỗi cung ứng mới;
- Kiên định mục tiêu xây dựng Vinatex là một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói, bắt đầu từ dệt kim. Nhưng linh hoạt trong xác định mục tiêu phù hợp diễn biến thị trường, bao gồm cả lựa chọn thêm các sản phẩm đặc biệt để phát triển giải pháp trọn gói;
- Thực hiện đầy đủ, không trì hoãn các cam kết liên quan đến bảo vệ môi trường, thực hiện chuẩn mực quản lý theo hướng kinh tế tuần hoàn mà các tổ chức, các thương hiệu lớn đã đặt ra cho toàn bộ thành viên trong chuỗi cung ứng;
- Liên tục dự báo, phân tích, cập nhật thị trường và đối thủ để có giải pháp sản xuất kinh doanh linh hoạt nhất, tận dụng thời cơ nếu có cách làm hiệu quả nhất;
- Tiếp tục đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực trẻ cho tương lai cần đổi mới, chuyển đổi của các đơn vị.
Thị trường đang thử thách đội ngũ các nhà quản trị trong Tập đoàn, lần thử thách này có thể cũng kéo dài tới 24 tháng như thời điểm dịch bệnh Covid- 19. Thách thức là khác nhau nhưng chìa khoá chung vẫn là đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, chấp nhận rủi ro có cân nhắc của toàn thể đội ngũ, mà trước hết trên hết là của đội ngũ cán bộ quản lý trong doanh nghiệp. Vượt qua thử thách lần này, bản lĩnh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ vượt lên một mức mới, tất nhiên sẽ có nhiều khó khăn và cả những hy sinh nhất định cần được xác định trước như là một chi phí của đổi mới.
Bài: Ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex