Sức sống “mãnh liệt” của các doanh nghiệp dệt may khu vực Nam Bộ


 

Trải qua làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với những khó khăn, tổn thất nặng nề, nhưng bằng sức mạnh nội tại sẵn có, cùng với sự đồng lòng quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo và tập thể CBNV, nhiều doanh nghiệp dệt may khu vực Nam Bộ vẫn vững vàng vượt qua trong năm 2021 với những gam màu sáng, tạo đà phát triển cho năm 2022.

“Lửa thử vàng – Gian nan thử sức”

Có thể nói, năm 2021 được coi là năm chồng chất khó khăn đối với các doanh nghiệp dệt may, không chỉ là tình trạng dịch bệnh “căng thẳng” ở khu vực phía Nam, mà tình trạng thiếu hụt lao động, chi phí thực hiện “3 tại chỗ”, tình trạng dịch chuyển đơn hàng, … cũng đã “bào mòn” sức sống của doanh nghiệp khu vực Nam Bộ.

Với tâm dịch 4 tỉnh TP. HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, sau đó lan rộng ra khu vực Nam Bộ, nhiều đơn vị thành viên của Vinatex cũng đã trải qua những tháng ngày “khó khăn chồng khó khăn”, mà theo như lãnh đạo của một doanh nghiệp Sợi thì những ngày tháng ấy chỉ dám miêu tả bởi 2 từ “mịt mù”, nếu chỉ cần có 1 F0 trong Nhà máy thì mọi hoạt động phải tạm dừng và phong tỏa.

Hơn 3 tháng dịch “leo thang”, Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Nhà máy Sợi Phú Cường (Đồng Nai) cũng trải qua vô vàn “cảm xúc” mà theo bà Lê Hoàng Anh – Giám đốc Chi nhánh cho biết nó là những tháng ngày “khốc liệt” nhất của Sợi Phú Cường. Nằm tại địa phương là tâm dịch, Sợi Phú Cường cũng có hơn 3 tháng gánh trên vai những chi phí “khổng lồ” nhưng công suất nhà máy chỉ chạy đc 40% để giữ chân đối tác. Theo lãnh đạo chi nhánh, dịch bệnh đã khiến Nhà máy phải thực hiện “3 tại chỗ” hơn 3 tháng, quãng thời gian ấy việc chăm lo chi phí cho người lao động như: chăn màn, nhà tắm, máy giặt… cũng như cung thực phẩm gặp muôn vàn khó khăn. Do là địa phương nằm trong tâm dịch, địa phương chỉ cấp giấy đi đường cho một số đối tượng chính, nên việc mua thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng gặp tình trạng khan hiếm với chi phí đội lên cao. Đồng thời, ngoài chi phí ăn ở, chi phí test covid theo quy định “7 ngày, 5 ngày rồi 3 ngày” cũng là khoản chi phí khổng lồ.

Bà Lê Hoàng Anh – Giám đốc Nhà máy Sợi Phú Cường

Hơn 3 tháng “gồng mình” để sản xuất, ngay sau khi một số biện pháp nới lỏng, mỗi địa phương trong tỉnh Đồng Nai lại có quy định khác nhau về giấy đi đường, thậm chí có những xã, huyện yêu cầu có xe đưa đón công nhân. Vật lực có hạn, Sợi Phú Cường phải tính phương án 1 xe chạy 5 – 6 vòng trong ngày để đón NLĐ đi làm.

Cùng nằm trong tâm dịch với Sợi Phú Cường, Tổng Công ty CP Phong Phú (TP. Hồ Chí Minh) cũng trải qua những ngày khó khăn nhất, đặc biệt là trong Quý III/2021. Theo lãnh đạo của Tổng Công ty, dù đã lường trước được những khó khăn khi TP. HCM áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố, nhưng những thiệt hại trong sản xuất của Tổng Công ty cũng ảnh hưởng trực tiếp đối với bức tranh SXKD của Phong Phú trong năm 2021. Theo đó, doanh thu, lợi nhuận trong các tháng 7, 8, 9 ước tính bị ảnh hưởng giảm lần lượt là 48,998 tỷ đồng và 18,572 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong thời gian dịch bệnh, các chi phí liên quan như chi phí vận chuyển, lưu kho, chi phí lao động, đặc biệt là lực lượng lao động 3 tại chỗ cũng tăng cao ngoài kế hoạch ước tính khoảng 13,4 tỷ đồng. Mặt khác, do ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, tiến độ giao hàng không bảo đảm (thời gian bị trễ từ 7 ngày – 10 ngày do không book được cont và tàu) khiến đơn hàng của doanh nghiệp bị giảm mạnh gây thiệt hại đáng kể, với tổng đơn hàng bị giảm tới 42% trong Quý III.

Dù có vô vàn khó khăn như thế, nhưng “lãnh đạo” Sợi Phú Cường cho rằng, đơn vị còn may mắn khi trong khu công nghiệp có 2 doanh nghiệp may, 1 doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu đều phải đóng cửa vì có F0, thì Sợi Phú Cường vẫn được sản xuất và giữ vững “thành trì vùng xanh” giữa tâm dịch, mặc dù công suất chỉ đạt 40%.

Vươn lên sau đại dịch

Làn sóng dịch thứ 4 đánh thẳng vào các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn nhất của cả nước đã khiến cho hơn 90 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 9T/2021 (theo số liệu của Tổng cục Thống kê) đã phản ánh phần nào sự khốc liệt của dịch bệnh. Nhưng may mắn, với các đơn vị trong hệ thống của Vinatex, mặc dù trải qua muôn vàn khó khăn, cùng với sức mạnh nội tại sẵn có, các DN vẫn hoàn thành kế hoạch SXKD trong năm 2021.

Với doanh thu ước đạt hơn 391 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 50 tỷ đồng, Sợi Phú Cường là một trong những đơn vị top đầu trong hệ thống các đơn vị sản xuất sợi của Vinatex có tỷ suất lợi nhuận/doanh thu, đạt 12,8%. Vượt qua không ít khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của Ban lãnh đạo và tập thể NLĐ, Sợi Phú Cường đã có 1 năm “vượt khó” thành công. Dự báo tình hình thị trường năm 2022 sẽ không được tốt như năm 2021, Sợi Phú Cường cũng đã chuẩn bị sẵn những kịch bản nhằm thích ứng với những diễn biến của thị trường. Theo bà Lê Hoàng Anh, những năm trở lại đây việc cạnh tranh lao động với các DN Trung Quốc tại khu vực Đồng Nai là vô cùng khốc liệt, do đó xác định người lao động là trọng tâm, Sợi Phú Cường năm 2022 sẽ tiếp tục tìm các biện pháp tăng năng suất nhằm tăng thu nhập, giúp cho NLĐ an tâm, gắn bó với Sợi Phú Cường. Bên cạnh đó, ngoài đẩy mạnh công tác an sinh, Sợi Phú Cường còn xây dựng thêm tủ thuốc cho công nhân nếu nhiễm bệnh Covid-19, đưa 10 người lao động xuất sắc nhất đi du lịch nước ngoài (sẽ tổ chức lại khi dịch bệnh được kiểm soát)… nhằm đưa thương hiệu Sợi Phú Cường là điểm đến thu hút lao động hàng đầu tại khu vực Đồng Nai.

Mặc dù tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 bị giảm so với 2020, ước đạt 1,954 tỷ đồng (bằng 79,3% so với 2020), nhưng lợi nhuận sau thuế của Tổng Công ty CP Phong Phú vẫn ước đạt 310 tỷ đồng (bằng 108,5% so với cùng kỳ). Điều này đã thể hiện phần nào những quyết sách, chiến lược của ban lãnh đạo Tổng Công ty đã giúp Phong Phú vượt qua những khó khăn để đạt được lợi nhuận tăng trong khi doanh thu bị giảm.

Công nhân làm việc tại Tổng Công ty CP Phong Phú

Mục tiêu năm 2022 của Phong Phú là lấy công tác thị trường làm trọng tâm phát triển, lãnh đạo Tổng Công ty đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục phát triển xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Nhật,  Hàn Quốc, ASEAN… tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh như Mỹ, Úc… cũng như đặt mục tiêu thâm nhập vào chuỗi cung ứng thế giới.

Ngoài ra, với yêu cầu về thị trường ngày càng cao, Phong Phú cũng đặt ra mục tiêu nhanh chóng đào tạo, tuyển dụng để bổ sung đội ngũ cán bộ kinh doanh, xuất nhập khẩu có đủ tâm, đủ tầm, có kỹ năng và nghiệp vụ giỏi trong lĩnh vực trên, am hiểu quy trình công nghệ sản xuất, linh hoạt, có khả năng xử lý công việc và đàm phán với khách hàng để từng bước chiếm lĩnh và mở rộng thị trường kể cả nội địa và xuất khẩu.

Có 3 nhà máy tại Bạc Liêu, Cần Thơ và Kiên Giang, Tổng Công ty Dệt May miền Nam – Vinatex cũng là một trong những đơn vị tại Nam Bộ bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua. Nhưng may mắn hơn khi các 4 tỉnh tâm dịch, năm 2022 Tổng Công ty Dệt May miền Nam – Vinatex (VSC) lại nhìn thấy được “cơ hội trong rủi ro” bởi làn sóng di dân vì dịch bệnh về các tỉnh thành miền Tây, nơi các nhà máy của Tổng Công ty hoạt động. Ông Nguyễn Hùng Quý – Tổng Giám đốc VSC cho biết: “Với lượng lớn người lao động đổ về miền Tây, đặc biệt là lao động có tay nghề. Đây chính là cơ hội để 3 nhà máy của VSC tại Bạc Liêu, Kiên Giang và Cần Thơ đón đầu và lên kế hoạch tăng chuyền, mở rộng năng lực sản xuất. Nắm bắt được tình hình bắt đầu từ tháng 9/ 2021, VSC đã triển khai đến Ban Giám đốc nhà máy thực hiện các chính sách tuyển dụng lao động, ưu tiên lao động có tay nghề, tiếp tục nhận hồ sơ tuyển dụng lao động không có tay nghề để đào tạo, từng bước một xây dựng lộ trình đạt số lao động mục tiêu cho năm 2022 đã được giao.”

Công nhân làm việc tại Nhà máy May Vinatex Cần Thơ 

Bên cạnh đó, lãnh đạo VSC cũng cho biết, mục tiêu của Tổng Công ty trong năm 2022 đó chính là tăng thu nhập cho người lao động nhằm hướng tới xây dựng môi trường VSC bền vững, an toàn và hiệu quả: “Điều kiện để giữ chân người lao động một cách thiết thực nhất hiện nay đó chính là “môi trường làm việc an toàn” và “nâng cao thu nhập”. Hiện VSC đã và đang xây dựng hệ thống môi trường làm việc an toàn một cách hiệu quả, cũng như chúng tôi luôn cố gắng tạo một nguồn thu nhập tốt, góp phần tạo một niềm vui cho chính những người lao động của mình bằng cách từng bước xây dựng mục tiêu đạt năng suất “600USD/ người” bằng mọi cách để tăng thu nhập cho người lao động”, Tổng Giám đốc VSC nhấn mạnh.

Box: Bủa vây khó khăn và thách thức, nhưng Sợi Phú Cường, Phong Phú hay VSC đều có một năm với hoạt động SXKD hiệu quả. Ngoài thuận lợi thị trường, thì điều quan trọng nhất chính là sức sống mạnh mẽ, sự quyết liệt trong tư duy của người lãnh đạo, sự đồng lòng của tập thể CBNV. Và hơn hết, sau những khó khăn, 2021 chính là bản lề để “tôi luyện” nên sự kiên cường, mạnh mẽ trong các DN dệt may khu vực Nam Bộ, tạo tiền đề cho năm 2022 phát triển, thành công và vững bước.

Bài Cao Nam


Các tin khác