Sáng kiến và bước đi của Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ ngành dệt may bứt phá
Trong bối cảnh của đại dịch đang diễn ra, tất cả các quốc gia đều phải gánh chịu tác động đến hầu hết các ngành công nghiệp, trong đó ngành dệt may cũng không phải ngoại lệ. Xuất khẩu toàn ngành dệt may Ấn Độ trong năm tài chính 2020 đã giảm 13% so với năm trước, chỉ đạt 29 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng may mặc giảm hơn 20%. Tuy nhiên Ấn Độ đã cho thấy khả năng phục hồi nhanh chóng kể từ đầu năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu dệt may Ấn Độ 7 tháng đầu năm 2021 tăng 52% so với cùng kỳ năm trước, đạt 24 tỷ USD, vượt 13% so cùng kỳ của năm tài chính 2019 trước đại dịch. Ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, không thể không kể đến các sáng kiến và chính sách hỗ trợ khác nhau của Chính phủ tạo nên chuyển động tích cực của ngành dệt may Ấn Độ. Trong Tạp chí số này, chúng tôi điểm lại các chính sách hỗ trợ trọng yếu có tác động tích cực đến sự phục hồi của ngành dệt may Ấn Độ.
Ấn Độ tự chủ (Atmanirbhar Bharat):
Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong năm 2020 là sự cần thiết phải tự chủ. Khi thế giới “đóng băng” trong nhiều tháng, chỉ được tiếp cận mua sắm đồ thiết yếu ở mức tối thiểu, việc tự chủ không phụ thuộc vào thế giới bên ngoài trở nên quan trọng. Thủ tướng Ấn Độ đã rút ra bài học này và đưa ra chương trình “Ấn Độ tự chủ” để thúc đẩy các nhà sản xuất gia tăng xuất khẩu.
Mặc dù ngành dệt may Ấn Độ đủ khả năng tự chủ do có nguồn nguyên liệu đầu vào gồm bông, sợi, chi phí lao động địa phương ở mức hợp lý và chuỗi cung ứng hiệu quả, nhưng ngành này vẫn còn nhiều dư địa để nâng vị trí của Ấn Độ lên vị trí nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may hàng đầu. Đây là lúc mà sự hỗ trợ của Chính phủ phát huy tác dụng. Là một phần của gói Atmanirbhar 3.0, khoảng 20 triệu USD được phân bổ để thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất trong đó có dệt may. Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman gần đây đã đề xuất cho Nhóm Dệt may Kỹ thuật Quốc gia khoản chi 200 triệu USD trong vòng 4 năm để cắt giảm nhập khẩu. Trong kế hoạch ngân sách cho năm tài chính 20-21, Bộ trưởng Tài chính cũng đã công bố phân bổ 3,7 tỷ USD cho phát triển và thúc đẩy ngành công nghiệp và thương mại, bao gồm cả hàng dệt may. Hỗ trợ tài chính vào thời điểm này đang thúc đẩy không chỉ lĩnh vực sản xuất nói chung mà còn tạo động lực hồi phục cho ngành dệt may.
Thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa và dịch vụ (GST):
Theo Bộ Dệt may, sợi nhân tạo và sợi tự nhiên hiện nay đều được đối xử bình đẳng theo quan điểm thuế. Luật mới được đề xuất liên quan đến thuế giá trị gia tăng sẽ dẫn đến “hiệu ứng trung lập về sợi” đối với ngành dệt may của Ấn Độ. Điều này sẽ gián tiếp khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm trong ngành do các nhà sản xuất sẽ cân nhắc pha trộn sợi tổng hợp với sợi bông (gần tương tự chính sách của Bangladesh – tham khảo bài Dệt may Bangladesh phục hồi trong Tạp chí số này).
Mặc dù Ấn Độ là nhà sản xuất sợi nhân tạo polyester và viscose lớn thứ hai thế giới nhưng ngành dệt may Ấn Độ chủ yếu dựa vào bông. Hiện mức thuế GST đối với sợi nhân tạo đang ở mức cao. Thuế GST đối với bông đồng nhất ở mức 5% trong khi đối với sợi nhân tạo giao động từ 5% đối với vải đến 18% đối với sợi khiến sản xuất hàng dệt nhân tạo đắt hơn. Với việc luật mới được đề xuất hy vọng sẽ có hiệu lực, các doanh nghiệp dệt may sẽ có thể thử nghiệm cả hai lựa chọn nguyên liệu sợi bông hoặc sợi nhân tạo mà không tốn kém chi phí. Sự linh hoạt trong sản xuất và sự thoải mái sáng tạo này kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán hàng của ngành dệt may trong nước.
Chương trình liên kết các khu công viên dệt may (gọi tắt là SITP):
Việc thành lập các khu công viên dệt liên hợp là một trong những kế hoạch ưu tiên hàng đầu của Bộ Dệt may, được thiết lập chủ yếu để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành tập trung đầu tư vào các khu dệt thông qua việc cung cấp hỗ trợ tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng mang tầm thế giới trong các khu công viên này.
Chương trình SITP đã thúc đẩy mạnh mẽ ngành dệt may của Ấn Độ. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng có 22 khu dệt đã được hoàn thiện và số còn lại đang trong các giai đoạn xây dựng khác nhau, trong đó có 59 khu dệt may đã bị Bộ Dệt may xử phạt theo chương trình SITP do không đáp ứng đủ điều kiện hoạt động. Chính phủ Ấn Độ dự kiến hỗ trợ cho khu vực tư nhân ngành dệt may đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với tổng trị giá 430 triệu USD, hiện có 13 khu công viên dệt may sẽ nhận được khoản hỗ trợ 70 triệu USD từ Chính phủ để phát triển cơ sở hạ tầng.
Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ vì giá đất cao ngất ngưởng đang là rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ đầu tư cơ sở hạ tầng và tiện ích cho các khu công viên dệt may đã thu hút nhiều người mới tham gia vào lĩnh vực này, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách thâm nhập vào lĩnh vực dệt may.
Sản xuất tại Ấn Độ (gọi tắt là Make in India):
Là một phần của chương trình “Ấn Độ tự chủ – Atmanirbharat Bharat”, khẩu hiệu “Sản xuất tại Ấn Độ” đã được đưa ra để khởi động lại và cải thiện nền kinh tế sau tác động đầu tiên của đại dịch. Theo dữ liệu, Ấn Độ đã tăng 79 vị trí trên bảng xếp hạng mức độ dễ dàng kinh doanh sau khi khởi động các chương trình khác nhau trong chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ”.
Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện một số biện pháp bao gồm Chương trình Quỹ nâng cấp công nghệ sửa đổi (gọi tắt là A-TUFS). Chương trình này ước tính sẽ tạo ra việc làm cho 35.000 người với khoản đầu tư hơn 14 tỷ USD vào năm 2022. Chính phủ cũng đã quyết định tiếp tục trả 24% quỹ phúc lợi hưu trí để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nhà sản xuất như là một phần của chương trình Ấn Độ tự chủ – kế hoạch việc làm đã được phát động từ tháng 11/ 2020.
Để đảm bảo ổn định nguồn cung nhân lực có kỹ năng trong lĩnh vực dệt may sử dụng nhiều lao động, Liên minh Nội các đã phê duyệt kinh phí 180 triệu USD để nâng cao kỹ năng cho khoảng 10 vạn người trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành, bao gồm cả kéo sợi và dệt vải.
Chính phủ đã đề xuất mở rộng cơ sở thông quan 24/7 tại 14 cảng biển và 13 sân bay để đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu được thông quan nhanh hơn. Kế hoạch đảm bảo hạn mức tín dụng khẩn cấp được áp dụng cho lĩnh vực dệt may cùng với các lĩnh vực khác nhằm mục đích giải quyết khó khăn tài chính mà các công ty hiện tại đang phải đối mặt cũng như cung cấp nền tảng cho các công ty mới.
Chương trình Khuyến khích liên kết sản xuất (gọi tắt là PLI):
Nhằm tăng cường sản xuất và xuất khẩu hàng dệt kỹ thuật (technical textiles) của Ấn Độ, kế hoạch PLI mới ra mắt là một bước đi rất cần thiết vì chương trình này sẽ thúc đẩy sự phục hồi hình chữ V cho nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực may mặc.
Nhu cầu hàng dệt kỹ thuật trên thế giới là rất lớn, riêng Hoa Kỳ có thị trường hàng dệt kỹ thuật quy mô xấp xỉ 4,5 tỷ USD. Bằng việc sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng GST – đang là rào cản đối với lĩnh vực sản xuất sợi nhân tạo, chương trình PLI hy vọng sẽ chiếm được một phần lớn thị trường này và đưa Ấn Độ lên hàng đầu về xuất khẩu hàng dệt kỹ thuật. Theo tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Hàng may mặc A. Sakthivel: “Việc kích thích tài chính 1,6 tỷ USD cho lĩnh vực dệt may, đặc biệt là phân khúc sợi nhân tạo (MMF) và hàng dệt kỹ thuật, sẽ tạo ra một bước tiến dài trong việc khuyến khích các nhà xuất khẩu hàng may mặc thâm nhập vào hàng may mặc MMF có nhu cầu rất lớn trên toàn cầu trong khi xuất khẩu của Ấn Độ nhóm hàng này hiện đang ở mức thấp”.
Sản xuất cho thế giới (Make for The World):
Hàng loạt cải cách và thay đổi luật pháp do Ấn Độ khởi xướng trong vài năm qua đã thúc đẩy giấc mơ của Chính phủ về Ấn Độ “Sản xuất cho Thế giới”. Trong số các kế hoạch khác nhau được đưa ra để nâng cấp ngành dệt may, Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may. Chính phủ nước này đã công bố Gói đặc biệt nhằm thúc đẩy xuất khẩu thêm 31 tỷ USD, tạo ra cơ hội việc làm và thu hút tổng thể các khoản đầu tư trị giá gần 12 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2020. Tuy nhiên, việc đột ngột rút chương trình Xuất khẩu hàng hóa sinh lợi từ Ấn Độ (gọi tắt là MEIS) với hiệu lực hồi tố đã gây ra khủng hoảng sâu sắc cho các nhà xuất khẩu vì không chỉ khoản khuyến khích 4% sẽ bị rút lại mà tất cả các ưu đãi theo MEIS đã được cấp cho các nhà xuất khẩu hàng may mặc đến ngày 31/7/2019 sẽ bị hồi tố.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):
Ấn Độ đã cho phép 100% vốn FDI vào lĩnh vực dệt may của Ấn Độ theo lộ trình tự động. Lộ trình tự động có nghĩa nhà đầu tư không cư trú hoặc công ty Ấn Độ không cần bất kỳ loại chấp thuận nào từ Chính phủ Ấn Độ đối với khoản đầu tư và 100% vốn FDI được phép ở Ấn Độ.
Với sự xuất hiện của FDI, ngành dệt may Ấn Độ đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư trong 5 năm qua. Tuy nhiên, nếu Chính phủ có thể bổ sung cơ chế một cửa vào các chính sách hiện tại thì sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.
Các thỏa thuận song phương (Bilateral Agreements):
Mặc dù nhu cầu hàng dệt may trong nước cao nhưng thành công thực sự của ngành cần được thể hiện bằng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy ngành dệt may của Ấn Độ nằm trong 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của nước này, nhưng để đạt được năng lực cạnh tranh toàn cầu thực sự, Ấn Độ cần phải mở rộng quy mô hơn nữa. Chính phủ Ấn Độ đã rất tích cực trong thập kỷ qua để hướng tới mục tiêu này.
Nhiều hội nghị đã được tổ chức trên toàn cầu với hầu hết các quốc gia có tiềm năng và các thỏa thuận được ký kết nhằm mang lại lợi ích cho các bên. Các FTA lớn mà Ấn Độ đã ký kết và thực hiện cho đến nay bao gồm Hiệp định Thương mại tự do Nam Á (gọi tắt là SAFTA), Hiệp định Hợp tác Kinh tế toàn diện Ấn Độ – ASEAN (gọi tắt là CECA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Ấn Độ – Hàn Quốc (gọi tắt là CEPA) và CEPA Ấn Độ – Nhật Bản. Các Hiệp định này đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may, tuy nhiên, các Hiệp định song phương được ký kết với các nước phát triển, những nước nhập khẩu hàng dệt may chính là rất ít.
Ngoài các chính sách hỗ trợ được đề cập ở trên, còn có nhiều chính sách và kế hoạch khác đã được khởi xướng và thực hiện nhằm thúc đẩy ngành Công nghiệp Dệt may Ấn Độ. Cho dù đó là để thúc đẩy sản xuất thủ công, để tạo ra nhiều lao động có kỹ năng hơn hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công ty khởi nghiệp, thì tất cả mọi người đều được hỗ trợ bởi các chính sách tốt của Ấn Độ nhằm cải thiện sản xuất và xuất khẩu Hàng dệt may của Ấn Độ. Bộ Dệt may thậm chí đã cử Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) có uy tín để giải quyết các kế hoạch hành động cả trước mắt và trung hạn cho ngành trong tình hình hậu Covid cho ngành dệt may. Tuy nhiên, để vươn tầm cạnh tranh quốc tế, các doanh nghiệp cần nỗ lực trong sản xuất kinh doanh, không chỉ phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Nguồn: Financial Express
Ngành công nghiệp dệt may đã phải vật lộn với nhiều thách thức trong nhiều thập kỷ và trong năm qua, đặc biệt là ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Tựu chung lại, một số chính sách dưới đây được kỳ vọng sẽ giúp ngành dệt may Ấn Độ có đà phục hồi nhanh chóng:
Đại công viên Dệt may (Mega Investment Textile Parks – MITRA)
Ngân sách Liên minh năm 2021 đã giới thiệu kế hoạch cho các Đại Công viên Dệt may nhằm mục đích cung cấp đòn bẩy chưa từng có cho ngành dệt may ở Ấn Độ. Các mục tiêu chính của chương trình là hỗ trợ ngành công nghiệp trở nên cạnh tranh toàn cầu, thúc đẩy cơ hội việc làm, thu hút các khoản đầu tư khổng lồ và tăng tốc xuất khẩu. Đề án đề xuất phát triển 7 công viên dệt may lớn trong vòng 3 năm tới, ước tính sẽ tăng doanh thu của ngành lên 300 tỷ USD vào năm 2025-2026
Các công viên sẽ có cơ sở hạ tầng toàn cầu và các cơ sở cắm và chạy, với mỗi công viên được xây dựng trên 400 ha. Chương trình này phù hợp với Chương trình liên kết công viên dệt may (SITP) được khởi động vào năm 2005 như đã giới thiệu ở phần trên. Chương trình SITP trên thực tế không thành công (chỉ 22 công viên được hoàn thành, trong khi 59 công viên bị xử phạt) và chính sự không thành công này đặt nhiều hoài nghi về khả năng thành công của kế hoạch Đại công viên dệt may. Tuy nhiên, nếu chương trình thành công sẽ là cú hích cho ngành dệt may nước này.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Với chính sách mở cửa cho 100% FDI trong lĩnh vực dệt may với lộ trình tự động, nhà đầu tư không cần xin phép cho khoản đầu tư. Nghĩa vụ duy nhất ở đây là thông báo cho văn phòng khu vực nơi đầu tư về việc chuyển tiền vào trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được số tiền. Trong 5 năm qua, ngành dệt may đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể các khoản đầu tư nhờ chính sách này và dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ trong tương lai.
Hiệp định thương mại tự do (FTA)
Các FTA đã góp phần giúp ngành dệt may Ấn Độ cạnh tranh với các quốc gia có thể mạnh xuất khẩu hàng may mặc như Bangladesh hay Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm hạn chế là Ấn Độ chưa có các FTA với các nước phát triển (là một số nhà nhập khẩu dệt may lớn).
Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI)
Mục đích chính của kế hoạch PLI đối với ngành dệt may là làm cho lĩnh vực sản xuất trở nên cạnh tranh trên toàn cầu, đặc biệt tập trung vào hàng may mặc bằng sợi nhân tạo và hàng dệt kỹ thuật.
Theo kế hoạch PLI, Chính phủ đang đặt mục tiêu tăng cường sản xuất khoảng 50 chủng loại sản phẩm dệt kỹ thuật và sợi nhân tạo bao gồm áo pull, áo sơ mi, đồ bơi và các loại khác. Năm 2019, giá trị xuất khẩu toàn cầu đối với các sản phẩm này ước tính đạt 222 tỷ USD và thị phần của Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 0,8%, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, do đó dư địa tăng trưởng còn nhiều. Bangladesh và Việt Nam đều đang dẫn trước Ấn Độ và kế hoạch PLI nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách này.
Cuối cùng là đề án Quỹ nâng cấp công nghệ sửa đổi cho ngành dệt may (A-TUFS)
Tất cả các kế hoạch và chính sách hỗ trợ sẽ không phát huy được hiệu quả nếu công nghệ không được đầu tư đổi mới. Chính vì vậy, chương trình ATUFS được đưa ra nhằm cung cấp các khoản trợ cấp liên kết tín dụng để đầu tư vốn vào lĩnh vực dệt may. Đề án được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến đầu tư, việc làm, chất lượng, năng suất và xuất khẩu.
BOX: Ngành dệt may Ấn Độ hướng đến mục tiêu gì?
Vừa qua Hiệp hội Dệt May Ấn Độ cho biết Chính phủ nước này đã quyết định gia hạn Chương trình hoàn thuế và lệ phí của bang và Trung ương (gọi tắt là RoSCTL) đối với hàng dệt may cho đến ngày 31/ 3/ 2024. Dự kiến, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ sẽ tạo thêm từ 4-6 triệu việc làm mới. Ngành Dệt may của Ấn Độ hiện tạo ra việc làm trực tiếp cho khoảng 45 triệu lao động và là ngành sử dụng lao động lớn thứ 2 tại Ấn Độ. Theo Financial Express Online, ông RK Vij – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Ấn Độ cho biết: “Trong khoảng ba, bốn năm gần đây, xuất khẩu hàng dệt may của Ấn Độ chỉ dừng lại ở mức khoảng 38-40 tỷ USD. Chính phủ Ấn Độ hiện đang đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may sẽ đạt 80 tỷ USD vào năm 2024 – 2025./. |
Bài: Vương Đức Anh
Nguồn: Fashinza, Financial Express