Phát triển chuỗi giá trị bền vững trong ngành công nghiệp dệt may


Sáng ngày 23/12/2019, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp có chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững”. Tại Hội nghị, ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có bài phát biểu về Phát triển chuỗi giá trị bền vững trong ngành công nghiệp dệt may. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của ông Lê Tiến Trường tại Hội nghị!

Ngành Dệt May Việt Nam vừa tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt May và rất vinh dự được Thủ tướng Chính phủ đến dự, phát biểu chỉ đạo, trong đó Thủ tướng yêu cầu ngành dệt may phải giữ vững vị trí nằm trong top 3 các nước xuất khẩu dệt may, cũng như phải nâng cấp vị trí trong chuỗi cung ứng lên mức thang có giá trị gia tăng cao hơn, đến 2030 phải sở hữu 30 thương hiệu sản phẩm dệt may trên thị trường thế giới. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng và phân tích xu thế của thị trường trong điều kiện cuộc CMCN 4.0, ngành dệt may đã đưa ra các chương trình phát triển lớn trong 10 năm tới.

Nếu xét riêng năm 2019 là năm đặc biệt khó khăn của ngành Dệt May Việt Nam, với nhiều biến động trên thị trường không dự báo trước, và kéo dài hơn dự kiến. Xung đột thương mại Mỹ Trung đã làm tổng cầu dệt may 2019 chỉ tăng 3.3% so với mức tăng 7.4% năm trước. Trong 5 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới thì Trung quốc giảm 2.3%, Pakistan giảm 4.6%, Ấn độ tăng 1.4% và Bangladesh tăng 2.4% trong khi Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng 7.3%, khoảng cách KNXK với nước đứng thứ 2 giảm từ 4.6 tỷ USD năm 2018 về còn 2.8 tỷ USD năm 2019. Bên cạnh tổng cầu giảm, điểm khó khăn lớn hơn là xu thế kinh doanh ngắn hạn, phòng thủ trước các diễn biến khó lường về chính sách thương mại quốc tế, đơn hàng đặt ngắn hạn, khó tối ưu kế hoạch và chi phí dẫn tới hiệu quả suy giảm dù vẫn có tăng trưởng về doanh thu.

Trong bối cảnh này, các yêu cầu ngoài giá, chất lượng, tiến độ như thông thường, nhiều yêu cầu mới được các nhà mua hàng lớn đặt ra như là rào cản để sàng lọc và tái cấu trúc hệ thống cung ứng toàn cầu. Cụ thể là các tiêu chí về môi trường, sản xuất xanh, tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo được như nước, điện, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế. Cùng với đó là các yêu cầu về quy tắc xuất xứ từ sợi và vải để có thể có được lợi ích thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, áp lực về lao động và tiền lương do Việt Nam là nước có tốc độ kinh tế tăng trưởng cao, tỷ giá ổn định đã không còn lợi thế là nước có nhân công rẻ so với các nước cạnh tranh. Với các đặc trưng mới của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, chỉ có các doanh nghiệp tham gia chính thức vào chuỗi, được doanh nghiệp đầu chuỗi đánh giá mới có khả năng có được đơn hàng sản xuất ổn định, giá cả hợp lý nhất do được san sẻ lợi nhuận từ các khâu có tỷ lệ cao như thiết kế, phân phối sang cho khu vực sản xuất. Đơn cử, trong năm 2019 là năm toàn ngành sợi khó khăn do đơn giá xuất khẩu đi Trung Quốc giảm trên 15%, trong khi bông, xơ chỉ giảm 5%, các đơn vị không trong chuỗi cung ứng mà xuất cho các công ty thương mại đều thua lỗ trung bình 6-8 tỷ 1 năm cho 10,000 cọc sợi thì các nhà máy sợi nằm trong chuỗi cung ứng sản xuất vải, may mặc và phân phối vẫn duy trì lợi nhuận 1% doanh thu, thấp hơn các năm trước (3-3.5% doanh thu) nhưng không thua lỗ. Có thể nói trở thành thành viên của chuỗi cung ứng toàn cầu, tuân thủ các tiêu chuẩn cung ứng mới và cạnh tranh để duy trì được vị trí đó là nhiệm vụ bắt buộc để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững.

Từ các đặc điểm mới của thị trường dệt may thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu, và các đặc điểm riêng của Việt Nam, ngành dệt may xác định các mục tiêu của năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2020-2025 như sau:

  • Duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 5 năm tới ở mức 6%
  • Riêng 2020 mục tiêu đạt KNXK 41.5-42 tỷ USD
  • Thực hiện chiến lược xanh hoá ngành Dệt May Việt Nam
  • Nâng cao chất lượng môi trường làm việc và thu nhập cho người lao động
  • Ứng dụng có hiệu quả các thành tựu cuộc CM công nghiệp 4.0. Mục tiêu 2025 kim ngạch xuất khẩu tăng lên 55 – 60 tỷ USD nhưng số lượng lao động duy trì ở mức như hiện nay (2.5 triệu lao động công nghiệp) năng suất lao động trên đầu người tăng 150%. Hiện tại, theo báo cáo của đề tài khoa học cấp nhà nước về ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 tới ngành Dệt May Việt Nam, trên cơ sở khảo sát thực tế 300 doanh nghiệp thì mức độ sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0 của ngành mới chỉ ở mức trung bình, trong đó ngành sợi đạt 3.1/5 điểm, dệt – 2.5/5, nhuộm – 2.3/5 và may 2.85/5. Trong khi đó, vận hành của chuỗi cung ứng toàn cầu hoàn toàn dựa trên thành tựu của CMCN 4.0 nhất là dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo

Các mục tiêu và giải pháp cho phát triển bền vững:

  • Về phát thải: giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng cách áp dụng công nghệ nhuộm không nước, sử dụng máy nhuộm dung tỷ thấp 1:3 thay cho 1:8 hiện nay. Sử dụng lại 30% nước thải sau xử lý cho các công đoạn giặt, rửa, vệ sinh. Tổng thể giảm trên 40% lượng nước sử dụng trong ngành nhuộm
  • Trong ngành sợi: tới 2025 sử dụng ít nhất 20% xơ polyeste tái chế, 15% bông organic để giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, trồng bông đang dùng lượng nước tưới thuộc nhóm lớn nhất toàn cầu trong các loại cây trồng.
  • Đầu tư điện mặt trời tại các nhà máy đủ điều kiện tự nhiên, phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc năng lượng tái tạo.
  • Sử dụng robot ở những vị trí làm việc có nguy hại môi trường
  • Tích hợp dữ liệu lớn trong ngành dệt may Việt nam và liên thông với môi trường dữ liệu của các nhà mua hàng, các nhà điều hành chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các công trình đã triển khai:

  • Nhà máy sợi: đã đầu tư xong đi vào hoạt động ổn định 2 nhà máy với sản lượng 10,000 tấn sợi/năm tại Định quán Đồng nai, được chấp nhận vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ, cung cấp sợi để dệt vải cho quần áo lót, dệt kim. Thiết bị G7, tiết kiệm 20% điện so với các thiết bị khác, giảm 50% công nhân. TMĐT – 40 triệu USD
  • Hệ thống sản xuất dệt – nhuộm tại KCN Bảo Minh Nam Định quy mô 30 triệu mét/năm, 80 triệu USD tổng mức đầu tư. Đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2019
  • Trung tâm thiết kế và chế mẫu, sản xuất loạt nhỏ sản phẩm denim, giặt mài không dùng nước, không có nước thải. Đáp ứng mẫu, duyệt mẫu, giá với khách hàng trong 48 giờ tại Linh Trung Thủ Đức. TMĐT trên 15 triệu USD chỉ cho 400 lao động, suất đầu tư trên lao động cao gấp 10 lần theo chuẩn thông thường
  • Khu sản xuất may mặc tại Bến tre quy mô 6000 lao động đạt tiêu chuẩn Lead platinum (sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái tạo)

Kiến nghị:

  • Chính phủ có chính sách tổng thể đẩy nhanh việc cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp doanh nghiệp có vị thế cạnh tranh tương đối bình đẳng với các doanh nghiệp tại các quốc gia sản xuất dệt may trong top 5. Đặc biệt là chỉ tiêu về hiệu quả dịch vụ cảng biển hiện đứng thứ 83/141, tiếp tục giảm 5 bậc năm 2018, trong khi Ấn độ là 49. Nguồn vốn cho DNVVN (doanh nghiệp dệt may chủ yếu trong nhóm này) hiện đứng thứ 97, giảm 12 bậc so với 2018 trong khi Ấn độ là 23, vốn đầu tư cho mạo hiểm (như các ngành thiết kế thời trang, sản xuất bán hàng theo thương hiệu Việt) cũng giảm từ hạng 51 xuống 61 trong khi Ấn độ là 22 năm 2019. (nguồn: báo cáo đánh giá của WEF -2019 đăng trên weforum.org ngày 9.10.2019)
  • Chính phủ có chính sách hỗ trợ trở lại cho các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Ví dụ: hoàn lại thuế TNDN đã nộp cho lợi nhuận sau đó được sử dụng đầu tư mới theo hướng sản xuất xanh, không thu thuế GTGT của các chi phí đầu tư, giảm thuế TNDN trong 5-10 năm
  • Có quy hoạch khu công nghiệp dệt may quy mô 300-500ha 1 khu, số lượng khoảng 10 khu trên cả nước, có đầu tư đủ hạ tầng về xử lý môi trường để các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất vải phục vụ chuỗi cung ứng
  • Có chính sách không thu thuế VAT khi sử dụng nguyên liệu nội địa để sản xuất hàng xuất khẩu. Xem xét có khả năng cho vay lưu động bằng ngoại tệ với các doanh nghiệp có xuất khẩu thu ngoại tệ tương ứng.
  • Tiếp tục nỗ lực giảm lãi vay nhất là lãi vay đầu tư.
  • Ngân hàng có chính sách phù hợp về hạn mức tín dụng ngắn hạn cho DN ngành sợi, dệt căn cứ trên năng lực cạnh tranh, chứ không chỉ dựa vào kết quả ngắn hạn của 1 năm kinh doanh khó khăn.

Cam kết của doanh nghiệp

  • Đầu tư mới theo xu thế xanh hoá ngành dệt may. Đảm bảo công nghệ hiện đại, phát thải thấp nhất.
  • Tập trung phát triển sản xuất không phát thải như sản xuất sợi, nhuộm công nghệ ít nước, không nước.
  • Nỗ lực cạnh tranh và xây dựng doanh nghiệp theo hướng đáp ứng được tiêu chí của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lê Tiến Trường – TGĐ Tập đoàn Dệt May Việt Nam


Các tin khác