Ngàn năm sóng lụa tằm tơ


Như một niềm tin, ta có thể đoan kết rằng: người Bắc Ninh sớm làm quen với nghề tằm tơ từ thuở khởi nguyên các vua Hùng dựng nước. Ảnh xạ “ngàn dâu xanh ngắt một màu” vẫn còn ngân đọng trong những truyền thuyết lâm ly kỳ ảo, trong những câu ca Quan họ sâu đậm nghĩa tình “uống nước nhớ nguồn” đối với công lao khai hóa của các bậc tiền nhân.

“Trong Quan họ có người trồng dâu

Người trồng dâu cho tôi biết

Thứ dâu là dâu ăn quả

Thứ dâu là dâu chăn tằm”

              (Ba sáu thứ chim)

Đến Diềm (tức Viêm Xá), xã Hòa Long trước đây thuộc huyện Yên Phong, nay mới nhập vào thành phố Bắc Ninh, du khách thập phương có dịp nghe  dân làng kể về bà Tổ Quan họ được các triều đại thờ ở đền tôn vinh là “Vương Mẫu giới phúc”. Bà vốn là con gái vua Hùng, khi tuổi “trăng tròn” Công chúa không muốn kết duyên với ai mà chỉ thích dạo sông ngắm núi xem thiên hạ sinh sống ra sao. Một hôm có cơn giông cuốn nàng cùng đám mây hồng đáp xuống trang Viêm Xá, thấy phong cảnh sơn thủy hữu tình Công chúa liền ở lại chiêu dân lập ấp, dạy mọi người nghề trồng dâu nuôi tằm và hình thành tập tục hát Quan Họ.

Tại đền làng Chân Lạc (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong) còn lưu truyền huyền thoại đẹp về  bà Chúa dâu tằm nơi đây là con vua Thủy tề. Điều đó cho thấy từ thời Hùng Vương ấy, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Bắc Ninh đã phổ biến, phát triển, đặc biệt vùng châu thổ của các con sông.

Luy Lâu (tên phiên âm cổ của Dâu, nay thuộc huyện Thuận Thành) nằm giữa khu vực giao lưu sông Dâu và sông Đuống là một điển hình.

Dân cư đông đúc như hình con long” lại thuần thục nghề nông tang tạo nên “Bộ lạc Dâu” vững mạnh  góp công xây dựng cơ đồ Lạc Việt.

Do “thiên thời địa lợi” an định vào vị trí huyết mạch giao thông thủy, bộ quan trọng, thông thương với Biển Đông nên từ những thế kỷ trước Công Nguyên và nhất là từ thế kỷ II-III sau Công nguyên trở đi, đô thị cổ Luy Lâu thường xuyên nhộn nhịp các tàu thuyền nước ngoài đến giao thương. Việc xuất khẩu của Luy Lâu đương nhiên không thể thiếu mặt hàng tơ lụa vốn được ưa chuộng trên thị trường quốc tế.

Hình tượng thôn nữ Man Nương sau trở thành Phật Mẫu, quê Mãn Xá (tên Nôm là Kẻ Mèn) dùng dải yếm kéo cây Dung thụ (hóa thân đứa con của nàng với Thiền sư Khâu Đà La từ Tây Vực sang Giao Châu hoằng pháp) vào bờ nhẹ nhàng, trong khi hàng trăm trai tráng kéo nâng không nổi, ngầm thể hiện tình Mẫu -Tử thắm thiết, sự giao thoa dung hợp giữa tín ngưỡng bản địa với đạo Phật đồng thời cũng muốn phô trương sự dẻo dai, bền, đẹp của tơ lụa Việt đương thời.

Mặc dù lao động vất vả Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa”,“làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” nhưng phụ nữ Bắc Ninh  vẫn chịu thương chịu khó gắn bó với nghề truyền thống của xứ sở “Vì tằm em phải hái dâu”, “Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”.

Phái đẹp đóng vai trò chính trong việc ươm tơ dệt lụa:                             

Gái thì coi việc trong nhà

Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa

                                             (Ca dao)

Nghề tầm tang đã choán nhiều thời gian của các “liền chị” Quan họ:

                             Sớm đi chơi hội

                                       Tối về quay tơ

…Đôi tay nâng lấy

Cất lấy thoi vàng

Cái sợi nằm ngang

Đứt đâu nối đấy”

            (Thơ đúm)

 Do nhu cầu tiêu dùng trên thị trường xuất hiện nghề buôn tơ và làm dụng cụ dệt

Nay tôi đi cân tơ

Ra giữa đồng Chờ chú lái đò ơi

Nay tôi đánh cái xa

Để cho người ngồi dệt áo cho ai

Nay ai dệt lụa tơ

Tay ai nuột nà may áo tứ thân

                      (Tôi đi cân tơ)

Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa đem lại nguồn lợi thu nhập rất lớn “Một vốn bốn lời”:

 “Một nong tằm là năm nong kén

  Một nong kén là chín nén tơ”

Tơ tằm được coi là “vàng sống” trong đời sống xã hội. Từ tơ tằm, nhân dân ta đã dệt nên nhiều loại sản phẩm rất phong phú: lụa,  là, gấm, vóc, the, lượt, lĩnh, nhiễu, sồi, đoạn, đũi, nái, vân, thao, băng, sa, kỳ cầu… và mỗi loại lại đa dạng về mẫu mã. Riêng lụa thì có lụa mỏng, lụa dầy, lụa trắng, lụa trơn, lụa bóng, lụa mỡ gà, lụa ngũ sắc.

Ngoài kỹ thuật dệt lụa, người Bắc Ninh còn có tay nghề về dệt gấm.

“Gấm đây là đôi tay vừa thêu a là vừa thêu a thêu vừa dệt / Em thêu là thêu hoa em cầm a là  cầm thoi a thoi vừa dệt / Em thêu là chăn loan thêu thùa a là vừa thêu a như gối phượng”(Dệt gấm).

Những màu sắc đỏ, vàng, lam, hồng, tím, cánh chấu… được cài hoa, điểm chữ Thọ và cải nhiều mầu trên mặt gấm ngũ thể (5 màu), thất thể (7 màu) tạo nên đặc phẩm tuyệt kỹ may trang phục cho vua chúa.

Lĩnh, nhiễu cũng là những sản phẩm lụa tơ tằm cao cấp mà người thợ phải dồn tâm lực: “Se chỉ ấy mấy kim bên luồn kim / Thêu vào tình chung là vuông nhiễu tím i i i song i i i gửi ra cho chàng” (Se chỉ luồn kim).

Nhiễu làm khăn đội đầu còn lĩnh may quần, váy. Cứ năm sợi tơ tằm mới chọn được một sợi dệt lĩnh. Chất tơ mềm mại, giặt vò không nhàu lại lả lướt, sóng sánh theo theo nhịp bước của giai nhân: “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” (thơ Hoàng Cầm).

Hình ảnh sợi tơ, con tằm đã trở thành cái cớ của người Bắc Ninh thổ lộ các cung bậc tình cảm, trạng thái tâm hồn và tình yêu lứa đôi qua tiếng hát Quan họ giao duyên mỗi khi xuân về Tết đến:

“Đến đây duyên phận phải chiều

Tơ hồng vấn vít chỉ điều se săn”

                          (Duyên phận phải chiều)

Vì ai cho bướm nguôi hoa

Cho tằm nguôi kén cho ta nguôi mình”

                        (Cho bướm nguôi hoa).

“Vì tằm em phải hái dâu

Gặp người quan họ ngồi rầu bên nương

Ví dù người có lòng thương

Để em đi lại lấy đường ái ân”

                           (Thuyền kề)

“Đêm qua nhớ ngọc không nằm

Mồ hôi thánh thót ruột tằm héo hon

Một rằng một dâu xanh non

Đến đây em kết duyên son tùy lòng”

                           (Nhớ ngọc không nằm)

Bên ngọn đèn chong

Cái bối tơ vương

Ruột tằm chín khúc

Vấn vương tơ vò

             (Nhớ mãi không nguôi).

  “Biết nhau mà bỏ nhau đây

Như con tơ rối gỡ ngày nào xong

                      (Mà bỏ nhau đây)

 Bây giờ tạm biệt từ đây

Ruột tằm bối rối lòng hay chăng lòng

                             (Tạm biệt từ đây)

Đến thời Lý (thế kỷ XI- XII) nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa của Bắc Ninh và  quốc gia Đại Việt có cơ hội phát triển mạnh mẽ vì chính sách trọng nông của các vua Lý.

Ngay sau khi thiên đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long (Hà Nội), vua Lý Thái Tổ (Công Uẩn) đã thăm Kẻ Bưởi để tìm hiểu đời sống, nghề dệt nơi đây. Dân làng Nghè đã dâng vua tấm lụa hồng có vẽ rồng bay. Cảm động về nghĩa cử cao đẹp đó, vua Lý Thái Tổ cho đổi tên làng Nghè thành Nghĩa Đô và xóm Dâu bên Hồ Tây thành Bái Ân.

Thời Lý Thái Tông trong nước đã hình thành các làng, các phường thủ công quanh các thị trấn lớn. Đâu đâu cũng thấy những ruộng dâu xanh tốt, tằm nuôi 8 lứa một năm. Nhà nước  đặt Ty phụ trách kho lụa để thu lụa của dân và nghiêm trị những kẻ thu thêm thuế lụa.

Theo“Đại Việt sử ký toàn thư”: “Tháng 2, Canh Thìn, Càn phù hữu đạo năm thứ 2 (1040) vua Lý Thái Tông đã xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào, để tỏ ra là vua không dùng gấm vóc của nước Tống nữa”.

Để khuyến khích, nâng cao vị thế giá trị của nghề dệt lụa nước ta, cũng trong thời gian này “vua đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc”, tại kinh thành Thăng Long vua cho lập một xưởng dệt gấm.Trại Tầm tang Nghi Tàm là nơi công chúa Từ Hoa vừa tu hành vừa quản lý các cung nữ hái dâu chăn tằm và dạy cho họ nghề dệt.

Thời  Lý Thánh Tông, cô gái hái dâu chăn tằm cũng là đối tượng kết duyên của vua. Ỷ Lan – thôn nữ của hương Thổ Lỗi trở thành Nguyên Phi là một minh chứng.

Tơ lụa thời Lý không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn dùng làm cống phẩm bang giao. Sử liệu cũ ghi: “năm 1156, vua Lý Anh Tông đã tặng vua Tống Cao Tông 850 tấm đoạn mầu vàng thắm có hoa Rồng cuốn”.

Dưới triều Lý nghề tầm tang đã tiến một bước lớn nếu không nói là khởi sắc rõ rệt, in dấu ấn huy hoàng trong lịch sử trong đó có những đóng góp của người Bắc Ninh. Âm vang ấy hẳn còn đồng vọng muôn đời…

Bài: Trương Thị Kim Dung


Các tin khác