Lợi thế Việt Nam trong đại dịch
Đại dịch Covid-19 được dự đoán sẽ tạo nên những thay đổi lạ nhất từ trước đến nay, thậm chí sẽ đảo ngược thế mạnh – thế yếu của các quốc gia trên toàn cầu. Nhưng còn riêng Việt Nam thì sao? Chúng tôi xin đăng bài phân tích của tiến sĩ Daniel Dobrev – Tham tán thương mại Cộng hòa Bulgaria tại Việt Nam – về tình hình kinh tế, xã hội nước ta dựa trên thực tế ông trải nghiệm tại Việt Nam.
Những thay đổi bắt buộc
Con người trên thế giới đã quen với lối suy nghĩ, hành động không giới hạn. Chúng ta cho rằng sự phát triển của kinh tế, xã hội, con người… là không giới hạn. Vậy thì, tác động chính của Covid-19 là tạo nên một giới hạn tương đối dài cả về không gian và cách sử dụng không gian này cho các hoạt động xã hội đặc trưng của con người. Giới hạn này áp dụng cho các hoạt động của cá nhân và nhóm, thậm chí là cả xã hội. Do đó, thay đổi đầu tiên đối với nền kinh tế là phải dựa vào sự di chuyển ít hơn và khoảng cách di chuyển ngắn hơn của người dân.
Cụ thể hơn, giới hạn này dẫn tới sự thay đổi nào trong hoạt động của mỗi người?
Mỗi người cần thay đổi lối sống và tái khẳng định các giá trị của việc mình đang làm, hay đang kinh doanh – khi nào, ở đâu, với ai. Phải động não để quyết định hành động, thay đổi cơ sở hạ tầng xã hội và tìm nơi phù hợp để sinh sống. Do đó, có xu hướng gia tăng nhu cầu về nhà hoặc căn hộ, biệt thự với diện tích lớn hơn để có thể kết hợp chức năng nhà ở với văn phòng, nhằm loại bỏ yếu tố phải di chuyển nhiều trong cuộc sống hàng ngày.
Đối với mỗi quốc gia, hãy tìm các vùng có những giá trị riêng mang tính địa phương để tạo điều kiện phát triển mạnh vùng đó. Theo đó, sản phẩm địa phương có khả năng thu hút khách hàng trong nước, thì cũng có tiềm năng mang lại hiệu quả xuất khẩu, (nhưng không cần đáp ứng nhu cầu của các chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu).
Nền kinh tế kết nối mỗi cá nhân với quốc gia
Mỗi quốc gia cần tập trung vào phát triển vùng, địa phương trong nước, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ của từng vùng. Các chiến dịch truyền thông cần được thực hiện để toàn dân được biết rõ về các sản phẩm, dịch vụ đó. Người dân trở lại với các hoạt động xã hội mang tính truyền thống, tìm thêm động lực phát triển địa phương từ các yếu tố xã hội trước đây và bây giờ (ví dụ lối sống xanh, thực phẩm hữu cơ, quan tâm tới yếu tố thay đổi khí hậu, tôn trọng các quyền của người khác, …). Tạo các chuỗi cung ứng mới với các kênh thị trường có sẵn. Đây là thời kỳ phục hưng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), do đó cần có một chính sách tích cực thúc đẩy khối này phát triển, không dựa nhiều vào thống kê, mà vào cuộc sống và các vấn đề thực tế của DNNVV.
Tập trung vào nhu cầu thực tế ngoại tuyến và đặc biệt là trực tuyến. Nhiều dự án khởi nghiệp và các ứng dụng không cần thiết sẽ bị xóa bỏ, bởi chúng được tạo ra nhằm thỏa mãn tham vọng của ai đó, nhưng trong thế giới thực là không cần thiết. Những dự án, hoặc ứng dụng đó được thành lập dựa trên những con số thống kê sai lầm, và khủng hoảng Covid-19 đã điều chỉnh xu hướng này.
Những tác động tiêu cực
Ngành Du lịch hiện đang bị tác động rất mạnh. Những chuyến du lịch xa xỉ đến những địa điểm xa xôi sẽ bị tạm dừng lại, tạo điều kiện cho loại hình du lịch nông nghiệp, ẩm thực, các tour du lịch cuối tuần ở miền núi và miền biển, các vùng nông thôn phát triển mạnh mẽ. Thay đổi này trong du lịch lại tạo ra các tuyến đường và cơ sở du lịch mới với nhiều nội dung, sản phẩm hơn.
Những thị trường ngách mới trong du lịch như: du lịch lịch sử và tâm linh; thiền, chữa bệnh, an trí, xây dựng kỹ năng, tu rèn năng lực đặc biệt, cũng sẽ phát triển.
Quy trình đầu tư, đặc biệt là trong bất động sản sẽ đổi mới. Các loại dự án mới được xây sẽ giảm số lượng văn phòng trên tỷ lệ diện tích, thay vào đó là khuôn viên trường và khu phức hợp, đa chức năng. Thiếu ước tính dựa trên nhu cầu thực tế sẽ khiến đầu tư sai lầm. Trước mỗi quyết định đầu tư cần dựa thêm vào tư vấn của các chuyên gia địa phương. Ngân hàng và tổ chức tài chính phải có các công cụ linh hoạt hơn đáp ứng các danh mục đầu tư.
Chính phủ cần ra các chính sách mới
Quản lý nhà nước cần đa dạng hóa và chuyển giao nhiều thẩm quyền hơn cho chính quyền địa phương, tạo nên tác dụng kép – Giải phóng sự dồn ứ công việc tại các cơ quan trung ương và Chuyển các công việc này cho người dân địa phương tự giải quyết (họ sẽ hiểu tầm quan trọng của vấn đề và ý nghĩa của các chính sách hiệu quả họ đang thực hiện, tăng năng lực tham gia giải quyết vấn đề của người dân địa phương và ý thức trách nhiệm với vấn đề địa phương mình).
Tăng tốc cải cách hành chính. Loại bỏ sự chồng chéo của các tổ chức và việc ban hành cùng một loại hành động từ các cơ quan khác nhau.
Hỗ trợ các sáng kiến địa phương và nhu cầu của người dân trong các cụm dân cư hoặc hợp tác xã. Tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn tài chính và thị trường bán sản phẩm. Việc hỗ trợ nên được thực hiện qua các ngân hàng nhà nước và các tổ chức xã hội.
Nên tổ chức nhiều hoạt động quảng bá ở nước ngoài. Định hướng các kênh truyền thông hai chiều để lắng nghe nhiều hơn tiếng nói hàng ngày của mỗi người dân và các nhóm lợi ích.Tài trợ cho hoạt động nghiên cứu phát triển nhiều hơn và thu hút những nhân sự có kỹ năng tốt ở các lĩnh vực khác nhau.
Thời điểm này là cơ hội tuyệt vời để thực hiện cải cách trong hệ thống giáo dục (định hướng thực hành nhiều hơn) và nhất là cải cách trong giáo dục ngành y tế, đem lại giá trị cho hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe. Phát triển các mô hình mới trong y học.
Chính phủ phải tạo điều kiện kinh doanh tích cực, cụ thể là: Việt Nam không phải là thành viên của các tổ chức kinh tế lớn như EU, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, NAFTA (Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ) và phải dựa vào chính sách của chính mình, dẫu có một số mặt tích cực nhưng cũng có một số mặt tiêu cực. Tuy nhiên, Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến nghị của Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các ngân hàng đầu tư hàng đầu. Về vĩ mô, Việt Nam đang đáp ứng đầy đủ các điều kiện, nhưng để hỗ trợ kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp, thực sự phải tạo ra các cơ chế độc đáo.
Có động lực đúng để chọn đúng đối tác trong các lĩnh vực chiến lược như CNTT, giá trị gia tăng, hệ sinh thái, …
Sử dụng tình thế các cuộc chiến tranh và xung đột thương mại toàn cầu đang diễn ra để định vị Việt Nam là một điểm đến hòa bình, an toàn với điểm nhấn thành công bước đầu trong chống dịch Covid-19. Điều đó có nghĩa là người lao động Việt Nam biết tuân thủ các quy tắc, rằng Việt Nam quản lý các điều kiện làm việc an toàn với chi phí tương đối thấp cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Box:
Việt Nam có thể sử dụng các khẩu hiệu được gợi ý như sau:
1. Suy nghĩ nhiều hơn! Đặt nhiều câu hỏi cho bạn và những người gần bạn nhất! Tìm câu trả lời ngay lúc này.
Mục tiêu là để tiết kiệm năng lượng trong việc truyền thông thực tế không hiệu quả, với những chủ đề người dân không quan tâm. Trong khi đó, có thể truyền thông trực tuyến tới mọi đối tượng. Ai không quan tâm có thể dễ bỏ qua mà không tốn thời gian, chi phí. Và kết quả là tạo ra những “tế bào” đàn hồi trong mọi cộng đồng.
- Bán hàng tại địa phương. Mua hàng của địa phương! Tư duy địa phương hướng tới toàn cầu!
Mục tiêu là thúc đẩy sức sáng tạo của mọi người. Hỗ trợ các sáng kiến tài chính địa phương và gây quỹ cho các dự án địa phương.
- Dịch chuyển để chuyển dịch!
Mục tiêu là thúc đẩy mọi người tạo ra các dự án của riêng họ và hiện thực hóa dự án. Ai nấy đều chủ động hơn để tạo ra sản phẩm, dịch vụ hữu ích cho cộng đồng.
- Lên tiếng và lắng nghe tiếng vang!
Lưu ý trong thực tế con người không cô đơn, không bị cô lập, nhưng có thể thông qua các dự án tốt để nhận ra ý tưởng của riêng mình, cũng như ý tưởng tốt của người khác. Việt Nam có lợi thế trong thời đại dịch, đó là chủ nghĩa tập thể, đồng tâm nhất trí. Cùng chung tay tạo nên thành công chung và cùng hỗ trợ người yếu thế, thiệt thòi trong xã hội. Nếu ai đó muốn có đặc quyền thì sẽ bị đa số tẩy chay. Chủ nghĩa cá nhân trong thời kỳ khủng hoảng bị đặt xuống thứ yếu.
Như vậy, động lực thực hiện dự án riêng của bạn hoặc của nhóm là vì lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng. Mỗi bước tiến nhỏ của mỗi cá nhân người Việt Nam sẽ tạo ra một bước tiến lớn cho đất nước Việt Nam.
Bài viết của Tiến sĩ Daniel Dobrev gửi Tạp chí Dệt May & Thời trang Việt Nam (Được dịch bởi Kiều Bích Hậu)
Giới thiệu về tác giả:
Ngài Daniel Boychev Dobrev (sinh năm 1968) hiện là Đại diện thương mại của Bộ Kinh tế và Thương mại Cộng hòa Bulgaria tại Việt Nam – Trưởng phòng Kinh tế Thương mại Đại sứ quán Cộng hòa Bulgaria tại Việt Nam. Ông đã được bổ nhiệm làm Uỷ viên thương mại ở Ý, Áo, Croatia, Mỹ và nhiều quốc gia khác. Trong hơn 20 năm, ông thực hiện nhiều dự án thành công ở các lĩnh vực khác nhau. |
Ông là chuyên gia Phân tích và dự báo kinh tế; Giám đốc phát triển kinh doanh; Phát triển phân tích và tiên lượng; Quản lý dự án; Mua tài sản và quản lý tài chính; Phân tích khởi nghiệp; Tư vấn và hỗ trợ tư vấn cho các hội đồng thành phố; Chuyên gia cao cấp về các thủ tục liên quan đến Luật đấu thầu công; Phát triển các dự án cho các quỹ cấu trúc và đầu tư tại EU…
Daniel từng là Giám đốc quỹ đầu tư Mỹ ở châu Âu và đã thực hiện các dự án về bất động sản, du lịch, nông nghiệp và CNTT. Trong vấn đề này, ông hợp tác với các chuỗi khách sạn nổi tiếng: STARWOOD, HILTON, JW MARRIOTT và với 10 nhà kiểm toán hàng đầu: PWC, DELOITTE, E&Y, KPMG… Xem thêm Tạp chí Dệt May và Thời trang số tháng 8 tại đây!
|