Liệu có bước ngoặt trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung?


Kể từ tháng 12 năm 2018, một thỏa thuận “ngừng bắn” tạm thời đã giữ cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không leo thang. Theo thỏa thuận sơ bộ giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Hoa Kỳ đã hoãn vô thời hạn kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% đối với gần một nửa hàng hóa mà họ mua từ Trung Quốc, trị giá khoảng 200 tỷ USD. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã và đang đàm phán kể từ thời điểm đó. Tranh chấp thương mại đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới và khiến các công ty phải “cấu hình” lại chuỗi cung ứng của họ.

1. Bước tiến nào đã đạt được?

Về nguyên tắc, Trung Quốc đã đồng ý tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ, cùng với năng lượng, sản phẩm công nghiệp và dịch vụ, như một phần để giảm sự mất cân bằng trong thương mại với Hoa Kỳ. Lời hứa đó có thể là cơ sở của một thỏa thuận ban đầu.

2. Các điểm nghẽn là gì?

Hai bên được cho là vẫn cách xa nhau về yêu cầu cải cách cơ cấu của Hoa Kỳ đối với sự can thiệp sâu của nhà nước vào nền kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, một vấn đề quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Vào tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã thông qua luật đầu tư nước ngoài mới để giải quyết một số vấn đề. Tổng thống Trump tuyên bố rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải đảm bảo có tính thực thi mạnh mẽ. Các quan chức ở Bắc Kinh được cho là đang thúc đẩy Hoa Kỳ xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, tuy nhiên rất khó để đoán Trung Quốc sẽ chấp nhận thêm những yêu cầu gì từ phía Hoa Kỳ ngoài cam kết sẽ mua thêm hàng hóa của Hoa Kỳ, vì Trung Quốc vẫn phủ nhận các cáo buộc về việc ép các công ty nước ngoài phải bàn giao công nghệ của họ. Sự việc bắt Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei – một gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc nhấn mạnh sự cạnh tranh chiến lược ngày càng sâu sắc giữa cả hai quốc gia sẽ tồn tại ngoài cuộc chiến thương mại.

3. Nếu cuộc chiến thương mại leo thang sẽ gây ra điều gì?

Nếu Tổng thống Trump từ bỏ đàm phán thương mại với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể nâng tiếp thuế quan lên 25% và đưa ra các hạn chế khác đối với đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ; Trung Quốc có thể đáp trả bằng các biện pháp khác như chuyển hướng không mua hàng hóa của Hoa Kỳ. Điều đó có thể thúc đẩy Trump tiếp tục đe dọa đánh thuế đối với gói hàng hóa trị giá hơn 267 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Nguy cơ thiệt hại kinh tế từ cả hai phía, cộng với thiệt hại chính trị khi ông Trump tham gia cuộc bầu cử năm 2020 có thể khiến một hoặc cả hai bên không muốn leo thang.

4. Tại sao chúng ta lại có cuộc chiến thương mại?

Trong khi Tổng thống Trump chỉ ra lý do thâm hụt thương mại, nhưng lý do lớn hơn có lẽ là cuộc chiến để đặt ra các quy tắc cho nền kinh tế toàn cầu trong tương lai. Đó là lý do tại sao công nghệ là trung tâm của tranh chấp, bằng chứng là mối quan tâm của Hoa Kỳ về Huawei. Một số ý kiến cho rằng Tổng thống Trump thu hút sự chú ý vào vấn đề thâm hụt thương mại lớn của Hoa Kỳ, thể hiện sự suy giảm của nền sản xuất trong nước và sự mất mát của nước Mỹ, chỉ là một câu chuyện bao trùm cho một cuộc chiến công nghệ rộng lớn hơn ở bên trong. Tổng thống Trump đặt mục tiêu giảm thâm hụt thương mại bằng việc lôi kéo các công ty Hoa Kỳ nhập khẩu ít hơn và xuất khẩu nhiều hơn. Ngoài hàng hóa từ Trung Quốc, Tổng thống Trump còn áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm từ các quốc gia bao gồm các đồng minh Canada, Mexico và Liên minh châu Âu.

5. Tác động của cuộc chiến tranh thương mại là gì?

Các nhà đầu tư và giám đốc điều hành thường xuyên nói rằng nó làm tổn thương niềm tin kinh doanh và phát triển chuỗi cung ứng. Apple, Starbucks, Volkswagen và FedEx là một trong số các công ty cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại trong triển vọng của họ. Hơn 400 công ty Trung Quốc giao dịch công khai cảnh báo về thu nhập của họ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cắt giảm dự báo cho nền kinh tế thế giới lần thứ hai trong vòng ba tháng một phần do căng thẳng thương mại. Tháng 1 năm 2019, IMF cho biết tăng trưởng toàn cầu sẽ là 3,5% trong năm 2019, yếu nhất trong ba năm. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Mỹ đã mở rộng vào năm 2018 lên mức cao nhất 10 năm, ở ngưỡng 621 tỷ USD, một phần do đồng đô la mạnh hơn khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt hơn.

6. Hoa Kỳ cảm nhận cuộc chiến thương mại như thế nào?

Người mua sắm ở Mỹ hầu hết được “cách ly” khỏi cuộc chiến thương mại, vì lạm phát vẫn được kiểm soát và thuế quan chưa tác động vào các mặt hàng như quần áo, giày dép và đồ chơi. Điều đó có thể thay đổi. Theo báo cáo vào tháng 1 năm 2019 của Bank of AmericaCorp, các nhà phân tích cho biết bất kỳ sự leo thang nào của cuộc chiến thương mại sẽ gây tổn thương nhiều hơn cho Hoa Kỳ, gây ra biến động thị trường và làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư.

7. Trung Quốc cảm nhận cuộc chiến thương mại như thế nào?

Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại ở thời điểm đầu năm. Thất nghiệp đã tăng mạnh, sản lượng công nghiệp có khởi đầu tồi tệ nhất kể từ năm 2009 và doanh số bán lẻ mở rộng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2012. Sự leo thang trong tranh chấp thương mại sẽ gây áp lực lên Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu công cao hơn. Chính quyền ở Bắc Kinh đã hứa sẽ cắt giảm thuế gần 2 nghìn tỷ nhân dân tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Bloomberg ước tính Trung Quốc sẽ tránh mất đi 0,3% tổng sản phẩm quốc nội năm 2019 nếu thỏa thuận “ngừng bắn” được duy trì và giả sử cuộc chiến thương mại không leo thang – dự báo tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc giảm xuống còn 6,2% vào năm 2019, giảm từ mức 6,6% vào năm 2018.

8. Diễn biến tiếp theo là gì?

Sẽ có rất nhiều câu chuyện để nói về cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump. Tổng thống Trump sẽ muốn một thỏa thuận thương mại tốt để thúc đẩy thị trường chứng khoán, và tuyên bố chiến thắng, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không muốn được miêu tả là đã đầu hàng. 

Nguồn Bloomberg:

https://www.bloomberg.com/news/articles/2019-03-27/how-u-s-china-trade-war-has-reached-a-turning-point-quicktake

 


Các tin khác