Hành động của các Doanh nghiệp Dệt May trước làn sóng mới của Covid-19


Trong làn sóng mới dịch Covid-19 đang lan rộng tại Việt Nam, một số tỉnh Đà Nẵng, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc,… đều đã có người mắc bệnh. Trong các vùng dịch lây lan, đều có các nhà máy của đơn vị thành viên Vinatex trú đóng. Điều này gây nguy cơ lớn, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn nếu như có công nhân chẳng may mắc bệnh.

Vậy các DN trong Tập đoàn đã có những hành động như thế nào để hạn chế tổn hại từ việc lây lan dịch Covid-19?

Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP: “Chúng tôi cần vừa sản xuất, vừa chiến đấu với dịch”

Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 này, tình hình ở Tổng Công ty May Hưng Yên (Hugaco) rất căng thẳng. Ngay sáng hôm mùng 08/5/2021 tại một đơn vị thành viên Hugaco tại huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) đã có hai NLĐ dương tính với Covid-19. Ngay lập tức, Công đoàn và lãnh đạo DN đã rà soát và cho cách ly hơn 10 NLĐ thuộc diện F1 của ca dương tính nói trên. Những NLĐ còn lại vẫn tiếp tục sản xuất, với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt nhất các biện pháp an toàn theo quy định của Bộ Y Tế và quy định riêng của DN.

Đặc điểm của May Hưng Yên là một số DN có NLĐ sống rải rác trong các khu vực dân cư tại nông thôn nơi đang phát dịch. Trong trường hợp địa phương đó bị phong tỏa, cách ly toàn bộ, thì NLĐ sẽ không thể đi làm, ảnh hưởng lớn tới tiến độ SX của DN. Bên cạnh đó, những NLĐ đi thăm người nhà ở ổ dịch Bệnh viện K trở về cũng phải cách ly.

Hiện nay, tại các DN đã đặt ở tình trạng báo động cao. Điều khiến các lãnh đạo DN thành viên Hugaco lo lắng nhất là không giao hàng kịp tiến độ nếu như phải phong tỏa nhà máy. Trong trường hợp không giao được hàng, thì thiệt hại cho khách hàng, còn chúng tôi bị mất tiền gia công. Các đơn hàng hầu hết thanh toán chậm 60 ngày nên khi mình không giao được hàng thì tiền gia công không thể thanh toán được, gây ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền của DN. Chúng tôi mong rằng, nếu có xảy ra trường hợp có NLĐ dương tính với Covid-19, thì hãy khoanh vùng cách ly, dập dịch, chứ không nên phong tỏa cả nhà máy, bởi việc phong tỏa cả nhà máy sẽ gây thiệt hại rất lớn cho DN. Chúng tôi cần vừa SX vừa chiến đấu với dịch.

Trong việc phòng dịch thì khâu thông tin rất quan trọng. Hugaco đã lập nhóm trên mạng gồm các lãnh đạo DN trong hệ thống của Tổng Công ty để thường xuyên cập nhật tin tức và nhận chỉ đạo kịp thời, chủ động đối phó hiệu quả nhất với làn sóng mới của đại dịch.

Bà Trần Tường Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ

Ngay khi làn sóng dịch Covid-19 mới xuất hiện, Hòa Thọ đã sớm khởi động lại các chương trình phòng chống dịch ở mức cao, lưu trữ thông tin, tổ chức khai báo y tế đối với tất cả CNCNV cũng như khách ra vào, hàng ngày thống kê các điểm, nơi có các ca F0 để yêu cầu mọi người khai báo. Trong quá trình khai báo này, nếu phát hiện ra các trường hợp F1,F2 trong NLĐ thì lập tức phối hợp với địa phương để có phương án cho từng trường hợp cụ thể. Trang bị đầy đủ cho NLĐ các trang thiết bị cần thiết để phòng chống dịch như cồn sát khuẩn, chloramine B, khẩu trang… Dùng các phương tiện loa phát thanh trong khuôn viên nhà máy, bảng thông báo, zalo…. để tuyên truyền nhắc nhở CBCNV thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Với thông điệp: vì sức khỏe bản thân, gia đình, đồng nghiệp, cộng đồng, mỗi NLĐ hãy thực hiện quy tắc 7K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung, Khai báo y tế, Kiểm soát biên giới, Khu cách ly an toàn).

Hòa Thọ đã chốt nhiều đơn hàng cho tới tháng 9/2021, do đó chúng tôi rất lo, nếu như trong trường hợp xấu bị phong tỏa, dừng sản xuất, thì sẽ bị phạt hợp đồng, mất tiền gia công, mất khách hàng, giảm uy tín, việc làm cho NLĐ không có,… cùng nhiều hệ lụy khác.

Ông Hà Mạnh Đạt – Chánh Văn Phòng Tổng Công ty Đức Giang – CTCP

Tổng công ty Đức Giang có đặc điểm là đông NLĐ, lên tới cả chục ngàn người. Thế nên trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 xảy ra tại Việt Nam, chúng tôi đã có sự chuẩn bị về vật chất và tinh thần, phòng tình huống xấu nhất. Các cấp lãnh đạo trong các cuộc họp tuần, đầu giờ đều có chỉ đạo sát sao việc phòng chống dịch, với những hành động cụ thể, trên tinh thần tuân thủ tuyệt đối, với các nguyên tắc, quy chuẩn cao hơn chuẩn 5K của cộng đồng. Tại chỗ thì 100% nhân sự đeo khẩu trang tại nơi làm việc, sát khuẩn, đo thân nhiệt, giãn cách 2m tại các xưởng may, nơi ăn ca. Chia nhỏ số lượng ăn ca tại nhà ăn, để không tập trung đông người cùng lúc.

Chúng tôi có đội đi tầm soát Covid-19 tại cơ sở, cứ mỗi giờ đồng hồ lại đi kiểm tra một lần để nhắc nhở, đôn đốc NLĐ tuân thủ nguyên tắc phòng dịch, phát hiện kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm. Chúng tôi cũng có chế tài xử phạt NLĐ không tuân thủ quy định phòng dịch, nhẹ thì nhắc nhở, phạt tiền, nặng hơn thì khiển trách cảnh cáo trước toàn thể NLĐ và loại khỏi danh sách thi đua.

Trong thời gian vừa rồi, chúng tôi đã trang bị thêm nhiều các máy đo thân nhiệt. Từng xưởng có người phụ trách đo thân nhiệt, báo cáo tình hình sức khỏe NLĐ hàng ngày. Mỗi CBCNV đều cài đặt phần mềm Bluezone để phát hiện tiếp xúc gần và bảo vệ bản thân. Các cuộc họp trực tiếp được chuyển đổi sang trực tuyến. Khi khách có việc phải đến công ty, đều cần kê khai thông tin đầy đủ. Chúng tôi sử dụng dịch vụ thuê xe phun khử khuẩn toàn bộ nhà máy, khuôn viên đều đặn hàng tuần.

Trong xưởng, chúng tôi trang bị hệ thống loa, đài thường xuyên phát các bản tin Covid-19, tuyên truyền phương pháp phòng chống dịch tại nơi làm việc, nơi ở, nơi công cộng. Nhắc nhở NLĐ không tụ tập đông người kể cả trong khuôn viên nhà máy hay sau giờ làm việc ở bên ngoài. Hạn chế di chuyển đến các nơi có dịch. Những người trở về từ vùng dịch, cần khai báo, và khi phát hiện có F1, F2, F3 thì chúng tôi lập tức cho nghỉ ở nhà cách ly, doanh nghiệp tạo điều kiện trả mức lương hợp lý để NLĐ yên tâm thực hiện cách ly nghiêm túc. Chúng tôi cũng đã tổ chức may và cấp phát khẩu trang cho NLĐ đủ dùng. Ngoài ra còn trang bị thêm các bộ đồ bảo hộ y tế, dung dịch sát khuẩn cho đội kiểm tra, tầm soát Covid-19. Tất cả những vật tư y tế, dụng cụ và nhân sự để tham gia phòng chống Covid-19 đợt 4 này cũng tiêu tốn của chúng tôi một khoản kinh phí lớn. Tuy vậy, đây là việc cần thiết phải đầu tư, cho sự an toàn của NLĐ để SX bền vững.

Ông Đoàn Văn Dũng – Chánh Văn phòng Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định

Ban Lãnh đạo Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định rất lo lắng trước đợt dịch thứ 4 Covid-19. Do đó, dù ở TP. Nam Định chưa có ca F0 nào, nhưng chúng tôi đã lập tức triển khai triệt để các biện pháp phòng ngừa dịch lây lan. Từ cuối tháng 4/2021 chúng tôi đã ban hành thông báo chỉ đạo thực hiện tốt Khuyến nghị 5K của Bộ Y tế. Bên cạnh đó bổ sung 9K, gồm có thêm khuyến nghị: Kiểm soát biên giới, Khu cách ly an toàn, Không ra khỏi nhà nếu không thực sự có việc cần, Không đưa tin sai sự thật về việc lây lan của dịch Covid-19.

Vào ngày 10/5/2021 Ban Lãnh đạo Tổng Công ty cũng đã ra thông báo mới, siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng dịch. Trong đó có việc đeo khẩu trang bất cứ lúc nào, tự khai báo y tế theo mẫu đã phát ra, đặc biệt với những người có mối quan hệ giao tiếp với người từ vùng dịch về thì cần khai báo và được theo dõi cẩn trọng hơn so với các trường hợp thông thường. Việc đo thân nhiệt được thực hiện ngay từ cổng vào các đơn vị, và thực hiện cả giữa giờ làm việc khi cần thiết. Tổng Công ty cũng siết chặt quản lý khách vào công ty. Không để những shipper, nhân viên bưu điện,… vào tận bên trong khuôn viên nhà máy, hay văn phòng, mà chỉ được giao tại cổng đơn vị nơi có bốt bảo vệ. CBCNV các đơn vị thành viên của Tổng Công ty cũng hạn chế giao tiếp trực tiếp, mà chỉ giao dịch, trao đổi công việc qua internet.

Tại các nhà ăn, bàn ghế được kê xếp lại với khoảng cách xa hơn, sắp xếp người lao động khi ăn ngồi chéo góc với nhau để giãn rộng khoảng cách. Trong khuôn viên Tổng Công ty cũng thường xuyên được phun khử khuẩn toàn bộ. Chúng tôi cũng mới nhận được thông báo có ca F0 tại thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định nên càng hết sức nâng cao đề phòng cảnh giác, đặc biệt nguyên tắc đeo khẩu trang và khai báo y tế.

Bài: Kiều Hậu


Các tin khác