Khai mạc Triển lãm Quốc tế Ngành Công nghiệp Dệt & May, Thiết bị & Nguyên phụ liệu 2017
Sáng 01/11/2017, Lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế Ngành Công nghiệp Dệt & May, Thiết bị & Nguyên phụ liệu 2017 (Hanoi Tex 2017) đã diễn ra tại Tòa nhà triển lãm ICE Hà Nội (Cung Văn hóa 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm được tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt May Việt Nam cùng với sự phối hợp của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Công ty Triển lãm CP Hồng Kông (CP Exhibition) và Công ty Cổ phần Triển lãm Hội nghị và Quảng cáo Việt Nam (VCCI Expo).
Đến dự Lễ Khai mạc có ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương; ông Nguyễn Doãn Toàn – Phó Chủ tịch Tp.Hà Nội; ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam; ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, lãnh đạo VCCI Expo, CP Exhibition, Hongkong và đại diện hơn các doanh nghiệp tham gia Triển lãm.
Phát biểu khai mạc Triển lãm, ông Lê Tiến Trường cho biết, Hanoi Tex 2017 là sự kiện triển lãm quốc tế được tổ chức 1 năm 2 lần tại 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh của ngành công nghiệp Dệt & May, Thiết bị và Nguyên phụ liệu. Triển lãm đã được tổ chức từ nhiều năm qua để tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước gặp gỡ đối tác, quảng bá thương hiệu, phát triển thương mại, mở rộng thị trường. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, nhưng ngành Dệt May Việt Nam dự kiến vẫn hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu đó, các doanh nghiệp trong ngành đã nỗ lực không ngừng, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí, khai thác các thị trường ngách,… để tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Năm 2017 đầy thách thức, khó khăn, cũng là năm mở ra cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nhiều cơ hội tự nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới với năng suất cao, chất lượng tốt và thân thiện với môi trường; tìm được nguồn cung ứng nguyên phụ liệu phù hợp để thực hiện chiến lược phát triển bền vững của toàn ngành. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những cơ hội mới cho ngành. Với doanh nghiệp dệt may, trong giai đoạn tới, việc cần chuẩn bị quan trọng nhất đó là luôn luôn cập nhật tình hình về công nghệ của thế giới trong lĩnh vực này. Liên tục cập nhật trong quá trình đầu tư mới để có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam sẽ bị mất cạnh tranh do lạc hậu. Chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới.
Hanoi Tex 2017 (diễn ra từ ngày 01 – 03/11/2017) là triển lãm quốc tế thường niên của ngành công nghiệp Dệt & May, Thiết bị và Nguyên phụ liệu được tổ chức từ nhiều năm qua để tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước gặp gỡ đối tác, quảng bá thương hiệu, phát triển thương mại, mở rộng thị trường. Với tổng diện tích trưng bày trên 6.000 m2, Hanoi Tex 2017 đã thu hút sự quan tâm của hơn 150 công ty đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Singapore, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương Quốc Anh, USA, Việt Nam) … tới tham dự giới thiệu thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ cho thị trường dệt may Việt Nam.
Phát biểu tại Triển lãm, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 23 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ và trở thành một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, do phương thức sản xuất chủ yếu là gia công cho các đơn hàng nước ngoài và chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may nên tỷ lệ giá trị gia tăng không cao. Chính phủ và các bộ, ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong đó có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may, từ đó góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong ngành Dệt May Việt Nam. Triển lãm sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cơ hội tham quan, tìm hiểu, lựa chọn thiết bị có trình độ công nghệ hiện đại được sản xuất từ các nước công nghiệp tiên tiến để định hướng đầu tư thêm công nghệ mới để tăng tỷ lệ nội địa hoá và có thêm nguồn nguyên phụ liệu, chủ động đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.
Xuân Quý