Khai mạc Hội chợ Thời trang Việt Nam VIFF 2017
Tối 21/12/2017, tại Cung Văn hóa Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Hội chợ Thời trang Việt Nam – VIFF 2017 tại Trung tâm triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội (Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội – 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hội chợ Thời trang Việt Nam VIFF 2017 được tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương và do Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam tổ chức.
Tham dự Lễ khai mạc có bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam; ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các doanh nghiệp tham Hội chợ.
Hội chợ Thời trang Việt Nam năm 2017 là kỳ hội chợ lần thứ 21 được tổ chức với quy mô hơn 200 gian hàng được trưng bày trên 4.000 m2, quy tụ gần 150 doanh nghiệp hàng đầu chủ yếu thuộc lĩnh vực dệt may như Tổng Công ty CP May Nhà Bè, Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội, Tổng Công ty Đức Giang, Tổng Công ty May 10-CTCP, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, Tổng Công ty CP Phong Phú… cùng nhiều đơn vị đại diện cho ngành da giày, mỹ phẩm và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Tại hội chợ năm nay, các thương hiệu lớn trong ngành thời trang Việt Nam sẽ cho ra mắt công chúng những bộ sưu tập mới nhất cùng hàng loạt các chương trình ưu đãi và quà tặng hấp dẫn.
Phát biểu khai mạc Hội chợ, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh, năm 2017, ngành Dệt May Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành mục tiêu đề ra với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 31 tỷ USD, tăng trưởng 10,23% so với năm 2016. Trong đó, thị phần sản xuất hàng nội địa của ngành Dệt May Việt Nam chiếm trên 10% tổng năng lực sản xuất với khoảng hơn 3 tỷ USD. Có sự chênh lệch lớn như vậy không phải vì thị trường trong nước nhỏ mà bởi vì quy mô của sản xuất xuất khẩu lớn. Chính vì vậy, đối với các doanh nghiệp dệt may trong nước việc phát triển thị trường nội địa luôn là 1 mục tiêu trọng tâm, quan trọng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.600,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,9%), trong đó, doanh thu may mặc tăng 9,2%. Bình quân mỗi người Việt Nam 1 năm bỏ ra 50 USD để mua sắm quần áo, trong khi đó mức tiêu thụ dệt may bình quân đầu người tại Thái Lan là 108 USD, Trung Quốc là 97 USD, Philippines là 90 USD và bình quân trên toàn thế giới là 153 USD. Như vậy, có thể thấy, dư địa tiêu thụ hàng dệt may trên thị trường Việt Nam còn rất lớn trước khi đạt mức bình quân trong khu vực hay ngưỡng bão hòa.
Trong những năm qua, Việt Nam đã ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế và cũng chứng kiến sự gia nhập thị trường nội địa Việt Nam từ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, cụ thể: Stradivarius, Massimo Dutti, Pull&Bear, Zara của Tây Ban Nha, H&M của Thụy Điển, Old Navy của Mỹ và các hãng thuộc phân khúc trung bình như GAP, Topshop, Mango, … Ngành Dệt May Việt Nam xác định, sẽ cạnh tranh công bằng và sòng phẳng với tất cả các thương hiệu thời trang khác tại thị trường nội địa bằng việc xây dựng thương hiệu, bản sắc của văn hóa Việt vì không ai hiểu người Việt Nam bằng chính người Việt Nam. Cách đây 15 – 20 năm, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã bắt đầu tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu nội địa và hệ thống các cửa hàng đầu tiên để giới thiệu, trưng bày và bán các sản phẩm của mình như Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, Đức Giang… Hiện tại, các thương hiệu thời trang Việt Nam đã sở hữu khoảng 5.000 – 6.000 các điểm bán hàng trên toàn quốc. Với việc tập trung vào phát triển nghiên cứu, phát triển các mẫu thiết kế, các bộ sưu tập, chủ động đăng ký sở hữu trí tuệ riêng cho thị trường trong nước, các doanh nghiệp lớn trong Tập đoàn đã sở hữu những thương hiệu riêng của mình như Grusz của May 10; SanSciaro, Manhattan của Việt Tiến; Mattana, Novelty của Nhà Bè, Merriman của Hòa Thọ; Hera DG, S-Pearl của Đức Giang … Với ước tính quy mô sử dụng hàng dệt may trong nước hiện nay xấp xỉ 4,5 – 5 tỷ USD một năm thì ngành Dệt May Việt Nam đặt mục tiêu ưu tiên thị phần của mình lên tới 50% bằng con đường xây dựng thương hiệu, sở hữu các mẫu thiết kế, các bộ sưu tập riêng theo từng mùa và mở rộng kênh phân phối để đưa ra các sản phẩm có kiểu dáng phù hợp nhất đến với người Việt Nam ở mức giá hợp lý.
Ngay trong lễ khai mạc, Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội và Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam đã có buổi trình diễn thời trang, giới thiệu những bộ sưu tập và thiết kế vô cùng ấn tượng. Đặc biệt, bộ sưu tập SEN VÀNG của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã được trình diễn tại tuần lễ thời trang New York Couture Fashion Week nay được trình diễn lại tại Hội chợ để các khách hàng Việt Nam có dịp chiêm ngưỡng. NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam khẳng định: “Thời trang không chỉ là nghệ thuật, thời trang còn đại diện cho một nền văn hóa. Thông qua bộ sưu tập này, tôi không chỉ muốn khẳng định vị thế thời trang Việt Nam trên trường quốc tế mà còn mang văn hóa Việt hội nhập cùng văn hóa toàn cầu, nâng những giá trị văn hóa truyền thống lên một tầm cao mới”.