Doanh nghiệp “thiệt đơn, thiệt kép” vì thiếu điện


Trong những ngày vừa qua, nhiệt độ ngày hè của miền Bắc tăng cao khiến nhu cầu sử dụng điện năng cho sinh hoạt và sản xuất tăng lên đã dẫn đến tình trạng mất điện thường xuyên, kéo dài. Trong bối cảnh đang phải đối diện vô vàn khó khăn do biến động thị trường, nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam lại buộc phải dừng sản xuất, chậm đơn hàng do mất điện. Việc cung ứng điện liên tục bị gián đoạn đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hoạt động bên trong các nhà xưởng và sức khỏe, thu nhập của người lao động. 

Giám đốc Nhà máy Sợi Đồng Văn Hanosimex Đặng Tiến Dũng

Hiện nay, điện lực không thông báo kế hoạch cắt điện bằng văn bản trước từ 3 – 5 ngày mà chỉ thông báo đột xuất trên các hội, nhóm của mạng xã hội (zalo, facebook) trước thời điểm cắt điện. Cùng với đó là lịch cắt điện dày đặc, luân phiên theo lộ, tuyến đường dây, phụ tải của doanh nghiệp. Đối với Nhà máy Sợi Đồng Văn Hanosimex từ đầu ngày 01/6/2023 đến 11/06/2023 đã mất điện 5 lần và có thể còn tiếp diễn.

Nhà máy Sợi Đồng Văn mất điện phải dừng sản xuất

Do việc mất điện xảy ra thường xuyên, liên tục nên sản lượng của Nhà máy bị sụt giảm ảnh hưởng tới thực hiện kế hoạch sản xuất, tiến độ giao hàng. Việc đóng mở máy liên tục đã làm tăng mức tiêu thụ điện do dòng điện khởi động bao giờ cũng cao hơn bình thường. Doanh nghiệp phải đàm phán lại với khách hàng về tiến độ giao hàng và có nguy cơ bị phạt hợp đồng vì chậm tiến độ giao hàng. Đối với đơn vị sản xuất 3 ca như ngành Sợi thì việc bố trí sản xuất khi có điện cũng sẽ gặp khó khăn. Việc mất điện thường xuyên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của NLĐ do việc làm không ổn định, ảnh hưởng tới thu nhập dẫn đến doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc giữ chân NLĐ. Một số địa bàn dân cư cũng mất điện nên NLĐ bị suy giảm sức khỏe dẫn đến năng suất lao động giảm, xuất hiện các rủi ro về an toàn và chất lượng sản phẩm.

Trong bối cảnh đó, ngày 5/6/2023, Chi nhánh Hà Nam Hanosimex đã gửi công văn đề nghị Điện lực Duy Tiên gửi kế hoạch bằng văn bản hoặc thông báo trước 5 ngày để bố trí sản xuất và chuẩn bị các điều kiện phục vụ NLĐ như ăn uống, bồi dưỡng chống nóng,… Nhà máy đã bố trí để làm giãn ca, kéo dài ca sản xuất để tận dụng thời gian có điện. Cân đối chi phí để huy động lượng xe đưa đón NLĐ đi làm giãn ca. Lên kế hoạch sử dụng, khai thác tối đa công suất điện năng lượng mặt trời trên mái 2 phân xưởng sợi, chạy tối đa năng lực ở đầu dây chuyền như bông chải – ghép thô, nhất là vào ca đêm có giá điện năng thấp. Bám sát thị trường, có phương án thay đổi kế hoạch sản xuất, thay đổi mặt hàng để vừa có thể bù đắp sản lượng hao hụt vừa giảm thiểu lỗ chi phí sản xuất, tạo công ăn việc làm, tạo nguồn doanh thu để chi trả tiền lương giữ chân NLĐ.

Giám đốc Công ty CP Phát triển Hạ tầng Dệt May Phố Nối Tạ Hữu Doanh:

Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối B tỉnh Hưng Yên hiện có 53 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất (trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng số lao động khoảng 13.000 người. Thời gian vừa qua, vấn đề mất điện, cắt điện các đường dây tại khu công nghiệp thường xuyên xảy ra gây nhiều khó khăn, thiệt hại lớn cho hoạt động SXKD của các doanh nghiệp như: sản xuất ngừng trệ, lỗi, hỏng hàng, không kịp tiến độ giao hàng, mất uy tín dẫn đến khách hàng không tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của NLĐ,…

Việc cắt điện đột xuất và không đồng thời tại các đường dây đã dẫn đến những thiệt hại vô cùng to lớn cho các doanh nghiệp. Chính vì vậy, Công ty CP Phát triển Hạ tầng Dệt May Phố Nối đề nghị Điện lực Hưng Yên, Mỹ Hào, Yên Mỹ cần ưu tiên tối đa việc cấp điện cho Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối B. Trường hợp bắt buộc phải cắt điện đề nghị sắp xếp cấp điện cho Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối B ít nhất 4 ngày liên tiếp trong tuần và nguồn điện ổn định để máy móc hoạt động liên tục, doanh nghiệp ổn định sản xuất. Khi có lịch cắt điện đề nghị thông báo cho doanh nghiệp trước ít nhất 24 tiếng để có thời gian sắp xếp điều chỉnh sản xuất. Duy trì cấp điện cho Nhà máy nước sạch, nhà máy nước thải và Trạm bơm chuyển bậc của khu công nghiệp để đảm bảo việc cung cấp nước sạch, thu gom xử lý nước thải cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Công ty CP Phát triển Hạ tầng Dệt May Phố Nối yêu cầu các doanh nghiệp tiết giảm điện bằng cách tắt các thiết bị điện không cần thiết, để điều hòa từ 27 độ trở lên. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn để tránh quá tải cục bộ hệ thống điện. Lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo qui định của Bộ Công Thương. Chú ý vệ sinh, bảo dưỡng để các thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm. Thường xuyên tự kiểm tra công tác PCCC, kịp thời phát hiện và khắc phục những thiếu sót tránh phát sinh cháy, nổ. Để tiết kiệm điện, khu công nghiệp sẽ giảm thời gian, công suất chiếu sáng, bật, tắt xen kẽ các bóng đèn chiếu sáng nội bộ.

Phó Giám đốc phụ trách điều hành hoạt động Chi nhánh Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định Viên Minh Đạo:

Tình trạng mất điện liên tục đã làm sản lượng của Nhà máy hao hụt 32,7 tấn, tương đương 31,5% kế hoạch, tỷ lệ hút mối tăng lên khoảng 2,5 tấn phế tương đương 33,2% so với bình quân tháng, phế phẩm tăng mạnh. Điện không ổn định nên phải đóng – mở máy liên tục dẫn đến tình trạng máy móc bị lỗi liên tục. Thời gian giao hàng phải điều chỉnh lại và phát sinh chi phí, phải hủy số lượng hàng không đủ sản lượng. Chi phí lao động tăng lên do vẫn phải trả đủ lương và bố trí ăn ca cho NLĐ dù Nhà máy không hoạt động. Cùng với đó là những tác động không nhỏ đến tâm lý NLĐ do bị xáo trộn trong sinh hoạt và làm việc.

Mất điện tại Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định

Trong bối cảnh đó, Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định kiến nghị với Điện lực Nam Định cần thông báo chính thức về việc cắt điện luân phiên (vì hiện tại vẫn đang là thông báo sửa chữa bảo dưỡng đường dây do sự cố) để có cơ sở đàm phán với khách hàng về việc giãn thời gian giao hàng. Điều chỉnh lịch cắt điện về tròn 01 ngày để Nhà máy có thể tổ chức sản xuất 5-6 ngày liên tục trong tuần.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân Đỗ Thanh Tùng

Việc mất điện thường xuyên và liên tục dẫn đến doanh nghiệp rất khó để tổ chức sản xuất. Tình trạng cắt điện không được báo trước làm cho công nhân vẫn đi làm bình thường và Công ty vẫn phải trả lương mà không có sản phẩm. Hai mẻ nhuộm mới đây bị cắt điện vào đúng giai đoạn đang cho màu vào dẫn đến số vải đó bị hỏng màu và phải loại bỏ. Kéo theo đó là ngành May của Công ty không có vải để sản xuất và phải giao hàng bằng máy bay cho kịp thời gian nên chi phí cũng tăng theo. Với khoảng 3 ngày mất điện ngoài kế hoạch, những thiệt hại về hỏng hàng, phí làm lại hàng, chậm tiến độ đã gây thiệt hại cho Công ty khoảng 10.000 USD.

Mất điện đột xuất NLĐ phải ra ngoài nghỉ

Do đặc thù của khu vực sản xuất Dệt, Sợi, Nhuộm mỗi lần lên máy sẽ không có sản lượng ngay mà tiêu hao năng lượng rất lớn. Để công ty có thể chủ động được hoạt động sản xuất, hoàn thiện các đơn hàng gấp thì ngành điện cần thông báo trước lịch cắt điện, khi cắt điện thì cần liên tục và duy trì cấp điện liên tục.

Bài: Quý Nguyễn


Các tin khác