Đoàn kết là sức mạnh
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Ngành Dệt May Việt Nam (25/3/1930 – 25/3/2020), ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có bài viết Đoàn kết là sức mạnh đã được đăng trên Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam số tháng 3, dưới đây là nội dung bài viết:
Đoàn kết là sức mạnh
Năm 2020 là một năm thực sự ý nghĩa đối với Ngành Dệt May Việt Nam (DMVN). Đó là năm chúng ta kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống dệt may, 10 năm Thủ tướng Chính phủ chính thức chọn ngày 25.3 là ngày Truyền thống Ngành Dệt May. Để trân trọng dịp Lễ thực sự giá trị này, Ngành DMVN cần có những sáng tạo đột phá, ghi dấu ấn xứng đáng với lịch sử Ngành trong gần một thế kỷ qua.
Từ truyền thống đầy tự hào
Bất cứ khi nào đề cập đến Ngành Dệt May và lực lượng lao động của Ngành, là lập tức xã hội nghĩ đến một giá trị bền vững, một nét văn hóa đẹp đẽ đặc trưng, đó là tinh thần ĐOÀN KẾT. Đoàn kết là sức mạnh làm nên sự thăng hoa của Ngành hôm nay, sự phát triển đều đặn bất chấp hoàn cảnh chiến tranh vệ quốc hay chiến tranh thương mại. Đoàn kết chính là tinh thần tươi mới thắp sáng gương mặt DMVN.
Lãnh đạo Vinatex, Vitas và Công đoàn Ngành Dệt May Việt Nam dâng hương tưởng niệm tại Nhà Truyền thống Ngành nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Ngành Dệt May Việt Nam
Nhìn lại quá trình 90 năm qua, thì niềm tự hào chung của giai cấp công nhân Việt Nam chính là tinh thần đoàn kết một lòng, ghi đậm dấu ấn trong cuộc chiến tranh giành độc lập thời kỳ 1930 – 1945. Nhà máy Sợi Nam Định là một nhà máy liên hiệp thuộc Công ty Bông Sợi Bắc Kỳ của tư bản Pháp, được thành lập từ đầu những năm 1890 trên cơ sở một xưởng dệt thủ công của tư sản Hoa kiều. Đến năm 1930, nhà máy đã có 02 xưởng sợi, 03 xưởng dệt, 01 xưởng nhuộm, 01 xưởng cơ khí và 01 xưởng điện với 4.000 công nhân. Thợ thuyền ở đây hầu hết là nông thôn sống xung quanh thành phố không có ruộng đất làm ăn, phải bán sức lao động cho chủ tư bản. Họ phải chịu muôn vàn cơ cực vì bị bóc lột sức lao động một cách nặng nề. Mỗi ngày người thợ phải làm 12 giờ liền, ba hoặc bốn tuần mới được nghỉ 01 ngày để đổi ca. Công nhân hầu hết ở thôn quê, có nơi cách nhà máy 9 – 10 cây số.
Tuy làm nhiều nhưng công nhân lại nhận đồng lương vô cùng rẻ mạt. Điều kiện lao động của công nhân lại không được đảm bảo: mùa hè trong xưởng vô cùng nóng nực, một nhà máy lớn mà không có một phòng thuốc nhỏ, máy móc thiếu thiết bị an toàn nên tai nạn lao động thường xuyên xảy ra; công nhân thường xuyên bị đánh đập, cúp phạt.
Tức nước phải vỡ bờ, với tinh thần đoàn kết, nhiều cuộc bãi công của công nhân đã nổ ra. Ngày 03 – 02 – 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức ra đời. Chân lý cách mạng như một luồng gió đã thổi bừng ngọn lửa căm thù nung nấu bấy lâu trong giai cấp công nhân Dệt May do cuộc sống khổ cực vì bị áp bức, bóc lột. Giữa lúc việc chuẩn bị đang tiến hành khẩn trương, tổ chức công nhân Công hội đỏ ở các xưởng đang tích cực động viên tinh thần công nhân thì một sự việc bất ngờ xảy ra trong nhà máy làm cho cuộc đấu tranh của hơn 4.000 công nhân đã nhất loạt nổi dậy, tổng bãi công sớm hơn dự định, cùng với đó là sự hưởng ứng chi viện của hàng vạn nông dân các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam đã tiếp thêm động lực cho người công nhân dệt Nam Định. Đây cũng là lần đầu tiên mối liên minh công – nông là nền tảng của cách mạng Việt Nam được xây dựng và từng bước củng cố.
Cuộc đình công đã kéo dài ngày và giành thắng lợi cơ bản, trong lúc chính quyền thực dân thống trị đang thực hiện âm mưu dùng thủ đoạn khủng bố để đối phó với phong trào cách mạng, nếu tiếp tục đình công để yêu sách có thể chúng chưa đáp ứng ngay được mà công nhân sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Với nhận định trên, ban lãnh đạo đấu tranh quyết định: thông báo cho công nhân trở lại nhà máy làm việc. Cuộc đình công kết thúc vào ngày 16 – 4 – 1930.
Cuộc đấu tranh vang dội và thắng lợi do Đảng trực tiếp chỉ đạo ngay khi vừa ra đời đã xác nhận khả năng tổ chức, khả năng lãnh đạo của Đảng, do đó phát huy được ảnh hưởng, đề cao được uy tín của Đảng. Mặt khác, nó cũng chứng tỏ ngay từ những ngày Đảng mới khai sinh, giai cấp công nhân đã tin tưởng sắt đá vào chính Đảng của mình và thấu hiểu, chỉ có Đảng lãnh đạo mới có thắng lợi. Trong quá trình bãi công, đội ngũ công nhân cũng thêm trưởng thành và lớn mạnh, thực tế đấu tranh đã khơi sâu thêm hận thù giai cấp, nâng cao tinh thần hữu ái giai cấp, mài sắc ý chí đấu tranh, xây dựng lòng tin tưởng ở giai cấp mình. Cuộc đình công đã góp phần mở đầu cho cao trào cách mạng trong cả nước năm 1930 – 1931 do Đảng ta lãnh đạo.
Và trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, thời kỳ đánh giặc Mỹ xâm lược, toàn thể đội ngũ DMVN đã luôn sát cánh bên nhau, vừa sản xuất phục vụ quân, dân, vừa chắc tay súng bảo vệ máy. Hình ảnh những người thợ – người lính – người anh hùng trong Ngành DMVN đã trở thành biểu tượng đầy cảm hứng cho toàn Ngành mãi sau này và trong lịch sử.
Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, toàn bộ ngành Dệt May được sắp xếp lại, sản xuất phục vụ nhân dân và thực hiện các hợp đồng cho các nước thuộc khối Xã hội Chủ nghĩa, thì tinh thần làm chủ, tiết kiệm, cần cù lao động được nâng cao. Thời kỳ hậu chiến với biết bao khó khăn, thiếu thốn đòi hỏi tinh thần chia sẻ, tương trợ, gắn bó cùng giúp nhau vượt thách thức và giúp nhau tiến bộ trong lực lượng Ngành DMVN. Những câu chuyện cảm động đã diễn ra trong thời kỳ này. Nhiều xí nghiệp có máy móc hiện đại hơn, đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề hơn ở miền Nam đã tận tình hướng dẫn cho các đồng nghiệp phía Bắc. Nhiều đoàn công tác miền Bắc đã vào miền Nam học tập kinh nghiệm. Nhiều đơn vị thậm chí đã chia sẻ không chỉ thiết bị, máy móc, kinh nghiệm, mà còn chia sẻ cả hợp đồng gia công với những đơn vị thiếu và còn đang yếu, cùng vực nhau lên trong thời buổi thiếu thốn trăm bề. Điều kỳ diệu trong thời kỳ những năm sau giải phóng, đó là không có sự cạnh tranh giữa các đơn vị dệt may trong ngành với nhau, mà nổi lên trên hết là sự thủy chung, là tình nghĩa, giúp đỡ nhau tồn tại, dần phát triển bền vững. Không ai chỉ nghĩ đến lợi nhuận riêng cho mình, mà tập trung quan tâm làm sao để máy chạy đều, để anh em công nhân có việc làm đầy đủ, để giúp đơn vị bạn không phải đóng cửa, để đồng bào có áo quần mặc cả năm, để đáp ứng đơn hàng phục vụ các nước trong khối Xã hội Chủ nghĩa…
Liên tục vượt qua thách thức và chiến thắng
Thập niên 80 – 90 trong thời kỳ Khối Đông Âu tan rã, hàng loạt hợp đồng bị hủy, các nhà máy có nguy cơ đóng cửa, thiếu nguyên liệu, thiếu đơn hàng, thì tinh thần sáng tạo, vượt khó, gắn bó của Ngành DMVN lại càng phát huy hơn nữa. Những thủ lĩnh táo bạo nhất trong Ngành đã mạnh bạo đi khai thác các thị trường Tây Âu, Mỹ, Nhật, Hàn, mang về những hợp đồng đầu tiên, những công nghệ mới, chia sẻ với đồng nghiệp các phương pháp mới, cách hội nhập thị trường toàn cầu. Sự sụp đổ của thị trường Đông Âu đã không kéo sập Ngành DMVN, trái lại, tạo nên một thời cơ mới cho Ngành phát triển vượt bậc, nhảy vọt lên một tầm cao mới trong thị trường cung ứng hàng dệt may thế giới.
Chính các vị thủ lĩnh của Ngành DMVN, đội ngũ tinh tú này đã mạnh dạn chủ động đổi mới chính mình, thay đổi hình ảnh từ những vị giám đốc làm việc theo kế hoạch định sẵn, với những thị trường dễ tính và ít thay đổi, trở thành những thủ lĩnh xông pha trận mạc trên thị trường toàn cầu với những thay đổi chóng mặt, với công nghệ mới cập nhật thường xuyên và luật chơi mới hấp hẫn, mà cũng thách thức hơn nhiều. Với tinh thần “Đổi mới – Hội nhập – Sáng tạo – Tự lập – Tự cường”, đội ngũ tinh tú này đã tập hợp được lực lượng gần 03 triệu lao động, dựa vào chính mình, hợp nhất sức mạnh, phát triển Ngành DMVN thành một ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn, xuất sắc ghi danh Việt Nam trong Top 3 các nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Năm 2019, toàn Ngành xuất khẩu gần 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, khi Việt Nam đã có tên trên bản đồ Dệt May thế giới, thì Ngành lại đứng trước một thách thức lớn hơn, đó là sự cạnh tranh khốc liệt của những nước xuất khẩu dệt may lớn, họ đều coi Việt Nam là đối thủ mạnh, cần phải kiềm chế. Hơn thế nữa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đòi hỏi sự thay đổi toàn diện không chỉ về thiết bị, nhân sự, mà còn là phương thức giao dịch trên thị trường, khiến cho Ngành DMVN đứng trước nguy cơ vô cùng lớn. Song song với đó là thách thức về biến đổi khí hậu, những hệ lụy môi trường cũng khiến ý thức người tiêu dùng thay đổi, đòi hỏi sản phẩm dệt may phải đáp ứng nhu cầu xanh bền vững. Thêm một lần nữa, mọi thủ lĩnh của DMVN lại trăn trở trước câu hỏi: Đầu tư toàn lực để thay đổi toàn diện, hay dừng lại và… rút lui?
Những thách thức cho Ngành DMVN ở mỗi giai đoạn lại rất khác nhau. Nhưng giá trị cốt lõi đã đúc kết thành nét văn hóa riêng cho Ngành thì được bảo tồn, đó là tinh thần Đoàn kết – Chia sẻ – Sáng tạo. Trong nền kinh tế Chia sẻ, thì nét văn hóa riêng của Ngành càng có cơ hội phát huy, phát triển. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn diện trong Ngành hơn lúc nào hết cần được giải quyết, để tận dụng sức mạnh, hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, và đáp ứng được nhu cầu mới của người tiêu dùng, cũng như tận dụng ưu thế từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong giai đoạn mới này, những năm 2020-2030, Ngành DMVN không chỉ kế thừa giá trị văn hóa cốt lõi của Ngành trong 90 năm qua, mà còn cần xây dựng, nâng cấp văn hóa đó lên tầm cao mới. Những giá trị mới mà Ngành cần tiếp tục xây dựng, đó là sự gắn kết cộng đồng chặt chẽ hơn nữa, để mọi người vì một người, một người vì mọi người. Từ một người công nhân trẻ mới vào nghề, cho tới vị lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp đều thấu hiểu con đường đi chung; Hiểu sâu sắc và yêu công việc mình làm; Làm việc với sự tập trung cao độ, sáng tạo, năng suất cao nhất; Tự hào với thành quả của tập thể; Coi doanh nghiệp chính là ngôi nhà của mình để vun đắp, xây dựng bền vững. Mỗi người trong doanh nghiệp, ở từng vị trí của mình, đều đổi mới sáng tạo hàng ngày – “Sáng tạo như hơi thở” – đáp ứng yêu cầu và vượt qua thách thức của cuộc CMCN 4.0, để xây dựng doanh nghiệp có tính chất toàn cầu, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng uy tín thương hiệu DMVN vững bền, mạnh mẽ, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của DMVN.
Với truyền thống tự hào và những thành tích nổi bật của ngành Dệt May, ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 798/QĐ-TTg lấy ngày 25 tháng 3 làm Ngày truyền thống Ngành Dệt May Việt Nam. Việc lấy ngày 25/3 là Ngày truyền thống Ngành Dệt May Việt Nam là niềm tự hào chung của giai cấp công nhân Việt Nam. |