Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh: Đi lên từ gian khó


Với phương châm “Lấy chất lượng sản phẩm để thuyết phục khách hàng”, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã từng bước khẳng định được vị thế trong chuỗi cung ứng và là bạn hàng tin cậy với các khách hàng trong và ngoài nước.

Khó khăn ngay từ khi thành lập

Dự án Nhà máy Sợi Hồng Lĩnh được thành lập năm 2009, đúng thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn do suy thoái toàn cầu, tưởng chừng như không thể thực hiện được, nhưng bằng sự quyết tâm của lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Dự án đã được tái cấu trúc lại vào tháng 10/2011. Đến tháng 4/2013 một phần dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động SXKD thương mại với 13.248 cọc sợi cũ được điều chuyển từ Hanosimex về. Dự án Nhà máy Sợi Hồng Lĩnh quy mô 39.216 cọc sợi được hoàn thành vào tháng 9/2015.

Quá trình phát triển của Công ty có thể chia thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn đầu tiên: Từ năm 2015 – 2017, Công ty tiếp tục đầu tư để hoàn thiện toàn bộ nhà xưởng. Đây là giai đoạn Công ty còn đang khó khăn về nguồn vốn nên trang thiết bị được đầu tư chủ yếu được sản xuất ở Trung Quốc, có công nghệ thấp.

Giai đoạn thứ 2: Từ năm 2018 – 2020, khi đã có tích lũy, Công ty tập trung đầu tư chiều sâu để thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu bằng các thiết bị hiện đại của Nhật, Ấn Độ.

Nhìn nhận về những khó khăn mà Công ty phải đối mặt trong thời gian qua, ông Nguyễn Trí Sơn – Tổng Giám đốc Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh chia sẻ: “Có thể nói Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh đã gặp phải những khó khăn, trắc trở ngay từ khi thành lập Dự án. Đặc biệt, trong năm 2020 và quí I năm 2021 chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, thị trường sợi bị thu hẹp và có nhiều biến động khó lường đã ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động SXKD của Công ty. Giá bán Sợi luôn trong xu hướng giảm nên số lượng hàng tồn kho ngày càng tăng cao”.

Từ quý 2/2021 nhu cầu sợi trong và ngoài nước tăng cao, thị trường Sợi sau một thời gian dài giảm sâu đã biến động tăng mạnh. Nắm bắt thời cơ này, Công ty đã huy động tối đa thiết bị, nguồn lực để tăng năng suất, sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, đợt dịch Covid lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam đã tiếp tục đem lại những khó khăn cho Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh.

Ông Nguyễn Trí Sơn cho biết, khi tình hình SXKD và thị trường đang rất thuận lợi thì tình hình dịch bệnh tại địa phương có những diễn biến phức tạp nên toàn bộ Công ty phải tạm ngừng sản xuất theo chỉ thị 16 từ ngày 17/8 – 23/8/2021. Đến ngày 24/8, Công ty mới được chính quyền địa phương cho phép hoạt động trở lại với tổng số lao động làm việc theo hình thức “3 tại chỗ” không quá 40%. Việc phải tạm dừng sản xuất và chỉ được phép hoạt động không quá 50% công suất theo hình thức “3 tại chỗ” trong tháng 8 đã làm giảm sản lượng khoảng 240 tấn sợi gây thiệt hại cho Công ty khoảng hơn 2 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, dịch Covid- 19 đã tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cước vận chuyển tăng cao, giá Container vận chuyển đường biển tăng kỷ lục gấp 10 lần, thiếu vỏ Container để vận chuyển ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

Chuyển mình vươn lên

Trong năm 2021, vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch bệnh mang lại, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh đã đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên với các chỉ tiêu:

  • Doanh thu SXCN: 467 tỷ đồng bằng 100% kế hoạch
  • Sản lượng sản xuất: 6.860 tấn sợi bằng 90% kế hoạch
  • Lợi nhuận trước thuế: 36 tỷ đồng bằng 180% kế hoạch
  • Thu nhập bình quân: 8 triệu đồng/người/tháng bằng 100% kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Trí Sơn, có được những thành tích trên là nhờ sự chỉ đạo kịp thời và sát sao của lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tổng Công ty Dệt May Miền Bắc và sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của tập thể CBCNV, NLĐ toàn Công ty. “Với phương châm “Lấy chất lượng sản phẩm để thuyết phục khách hàng”, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh đã từng bước khẳng định được vị thế trong chuỗi cung ứng và là bạn hàng tin cậy với các khách hàng trong và ngoài nước, kể cả thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc…”- Ông Sơn nhấn mạnh.

Hiện tại, Công ty đã có đơn hàng đến hết quý 1/2022, tuy nhiên, trước những biến động của thị trường và dịch Covid – 19 chưa có dấu hiệu kết thúc thì rủi ro vẫn còn rất lớn. Vì vậy, để hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2022 về doanh thu hơn 500 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 20 tỷ đồng, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh đã đề ra các giải pháp sau:

– Cấu trúc lại hệ thống quản lý, xây dựng hệ thống phần mềm để hỗ trợ điều hành quản trị dây chuyền sản xuất, vận hành sản xuất linh hoạt đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian ngắn hạn.

– Bám sát diễn biến thị trường, dự đoán xu hướng biến động về nhu cầu và giả cả để đưa ra các quyết định kịp thời trong việc đàm phán và tiếp nhận đơn hàng nhằm đảm bảo đạt hiệu quả SXKD cao nhất.

–  Quan tâm các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, dù phân khúc thị trường ở cấp độ nào thì sản phẩm của Công ty phải đạt chất lượng vượt trội so các đơn vị sản xuất cùng phân khúc đó.

–  Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ kỹ thuật – nghiệp vụ có trình độ cao đáp ứng nhu cầu công việc.

– Chuẩn bị các điều kiện để khi thuận lợi sẽ tiến hành đầu tư thêm 1 nhà máy sợi có công nghệ hiện đại với quy mô 3 vạn cọc.

Chăm lo nguồn lực người lao động

Một trong những yếu tố mang lại sự thành công của Công ty trong thời gian vừa qua chính là luôn coi trọng và ngày càng chăm lo tốt hơn cho người lao động (NLĐ) về điều kiện làm việc, chế độ tiền lương, tiền thưởng cũng như các chế độ đãi ngộ khác.

Trong điều kiện SXKD gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, Công ty vẫn đảm bảo việc làm và duy trì thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng, các chế độ chính sách liên quan đến người lao động đều được giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Hiện tại, khi địa phương còn chưa tiêm đủ Vắc xin phòng Covid – 19 cho người dân thì 100% NLĐ của Công ty đã được tiêm đủ 2 mũi.

Ông Nguyễn Giang Nam- Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh cho biết, để chăm lo cuộc sống NLĐ ở lại theo hình thức “3 tại chỗ” khi dịch bệnh bùng phát, Công ty đã trang bị đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt, bố trí nơi lưu trú sạch sẽ, an toàn. Ngoài ra, lãnh đạo Công ty và cán bộ Công đoàn cùng ở lại với công nhân để động viên họ yên tâm sản xuất, hoàn thành tốt công việc, đảm bảo thu nhập. Cán bộ Công đoàn trực 24/24 để theo dõi sức khỏe công nhân, xuống xưởng trực tiếp hỏi thăm tình hình việc làm, đời sống, đồng thời, tuyên truyền để NLĐ nêu cao tinh thần phòng dịch.

“Để kịp thời động viên, hỗ trợ NLĐ làm việc theo hình thức “3 tại chỗ” trong đợt dịch vừa qua, Công đoàn Công ty đã hỗ trợ thêm tiền ăn 60.000 đồng/ngày/lao động, Công đoàn Dệt May Việt Nam cũng hỗ trợ 20.000 đồng/ngày/lao động. Tất cả NLĐ phải nghỉ việc vì liên quan đến dịch bệnh đều được Công ty hỗ trợ thêm về thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, Công ty còn tạo điều kiện và hoàn thiện các thủ tục để những NLĐ phải nghỉ việc 14 ngày được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh đã có 247 lao động được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ với số tiền 257 triệu đồng”- ông Nguyễn Giang Nam chia sẻ.

Chị Lê Thị Thủy, công nhân sợi con cho biết: “Khi Công ty phải tổ chức sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” vì dịch bùng phát, mọi người đều rất lo lắng vì lần đầu tiên phải ở lại trong nhà máy. Nhưng với sự quan tâm, chia sẻ và động viên của lãnh đạo Công ty và Công đoàn đã giúp chúng tôi yên tâm hơn để làm việc. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều lao động đang không có việc làm thì chúng tôi vẫn có việc làm, thu nhập và sự chăm lo của Công ty là rất may mắn”.

Ngoài ra, Công đoàn Công ty còn tổ chức thăm hỏi NLĐ ốm đau, hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà nhân dịp lễ, tết và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, … Những việc làm trên đã giúp NLĐ có những phút giây thư giãn sau những giờ lao động mệt nhọc để họ yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Bên cạnh việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, Công đoàn còn phối hợp với lãnh đạo Công ty phát động và tổ chức các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo với năng suất, chất lượng và hiệu quả”; “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”;  “Xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”… Các phong trào thi đua được cụ thể hóa vào công tác trọng tâm phù hợp với nhiệm vụ sản xuất, qua đó, phát huy sự sáng tạo, tinh thần làm chủ trong công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty./.


Các tin khác