Công nghệ di động: Làn sóng mới trong ngành công nghiệp thời trang


Nhờ cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa­ ưu việt cho người dùng thương hiệu, ngày nay điện thoại di động là một trong những kênh chính được các nhà bán lẻ sử dụng để kết nối với khách hàng. Thiết bị này không chỉ hữu ích cho kênh thương mại điện tử, mà còn hỗ trợ cho các cửa hàng truyền thống. Một nghiên cứu gần đây cho thấy: khoảng 63% người tiêu dùng sử dụng điện thoại di động khi mua sắm tại cửa hàng để có thể so sánh mức giá, tìm kiếm ưu đãi, phiếu giảm giá khác nhau, v.v. Hơn nữa, gần 49% các nhà bán lẻ cũng sử dụng điện thoại di động để tăng cường trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng. Hãy cùng khám phá thế giới công nghệ, những trợ thủ đắc lực của nhà bán lẻ trong công cuộc thay đổi trải nghiệm của người tiêu dùng!

Mã QR

Mã QR (Mã phản hồi nhanh – Quick Response) là các mã vạch ma trận có thể được quét bởi thiết bị để truy xuất thông tin ẩn sau nó. Dạng mã này sẽ hướng người dùng đến địa chỉ website và các liên kết, nhưng ngày nay chúng được các nhà bán lẻ sử dụng trước sự gia tăng các mối quan tâm về tính bền vững, minh bạch và bảo mật. Nhu cầu của khách hàng về thông tin về quần áo và tính bền vững của sản phẩm đã khiến nhà bán lẻ sử dụng công nghệ ngay lập tức giải quyết vấn đề này. Thị trường đã phát triển công nghệ nhận dạng qua tần số vô tuyến RFID (Radio Frequency Identification) có thể quét được thông tin chi tiết về sản phẩm. Chúng thường được gắn trên các sản phẩm và khi các thẻ này được quét bằng đầu đọc thẻ để lấy các thông tin. Cơ chế hoạt động của công nghệ này phụ thuộc vào các hoa văn gồm ô vuông và điểm đen đều ẩn chứa một phần thông tin trong đó. Các thẻ này có thể quét được bằng máy và thậm chí bằng điện thoại thông minh, chứa đựng những thông tin mà con người có thể đọc hiểu.

Các mã QR này đang được các nhà bán lẻ sử dụng để nâng cao trải nghiệm mua sắm và cung cấp cho khách hàng sự minh bạch về chuỗi cung ứng hàng may mặc. Nhiều nhà bán lẻ ngày nay đang sử dụng các mã này trên nhãn, mác hàng may mặc, từ đó người tiêu dùng có thể quét bằng điện thoại di động của họ để có được thông tin chi tiết về sản phẩm từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến khi lên kệ. Chúng đang được sử dụng trong khái niệm gọi là tính minh bạch của Blockchain, đây là khái niệm chúng ta đã thảo luận trong các vấn đề trước. Tất cả các thông tin có thể được khách hàng truy xuất bằng cách quét mã QR trên nhãn mác.

Khái niệm BOPIS cũng là một ứng dụng khác của công nghệ này: khách hàng có thể blên đơn hàng của mình thông qua máy móc. Các khách hàng đặt hàng và khi đơn hàng của họ sẵn sàng, họ nhận được mã QR. Khi đến cửa hàng, khách hàng có thể quét các mã này vào máy. Sau đó, các máy xử lý các mã để lấy thông tin về gói hàng và gửi cho khách mà không cần sự can thiệp của nhân viên.

Nhờ tính chính xác, các loại mã này được sử dụng rất thành công ở trong ngành bán lẻ. Ngoài ra, ứng dụng quét các mã này có sẵn trong điện thoại di động của khách hàng; họ chỉ cần tải ứng dụng, mở nó và đặt nó trước máy quét. Máy quét giải mã tất cả thông tin sản phẩm đó và hiển thị trên điện thoại di động của khách hàng. Ngày nay, hầu hết các nhà bán lẻ, từ nhỏ đến lớn, đã và đang sử dụng công nghệ này nhờ tính tiện ích và dễ sử dụng. Zara, một trong những nhà bán lẻ thời trang và quần áo lớn nhất thế giới, đã thêm mã QR vào nhãn quần áo của họ để có thể quét mã lấy thông tin sản xuất của sản phẩm. Đoạn mã còn thông báo cho khách hàng về các màu sắc và kích cỡ khác nhau của sản phẩm.

Tương tự, năm 2018, Decathlon đã giới thiệu ứng dụng Scan&Go, khiến việc xếp hàng dài tại cửa hàng của Decathlon đi vào dĩ vãng. Khách hàng có thể dùng ứng dụng để quét mác của sản phẩm để nhận hướng dẫn chi tiết sản phẩm và tùy chọn để thêm vào giỏ hàng. Sau đó, khách hàng có tùy chọn thanh toán trực tuyến và sau đó họ nhận được mã quét trong khi rời khỏi cửa hàng. Điều này giúp họ thoát khỏi cảnh phải xếp hàng dài thanh toán. Trong thực tế, các thương hiệu đều gặp phải khó khăn với công nghệ này, bởi vì bất cứ khi nào internet di động trong cửa hàng bị chậm, ứng dụng sẽ gặp vấn đề, ngay cả với Wi-Fi miễn phí. Công ty nhận thức rất rõ về việc này và đang tìm các giải pháp để khắc phục.

NFC (Giao tiếp trường gần – Near field communication)

NFC là một công nghệ cho phép hai thiết bị kết nối với nhau khi chúng được tiếp xúc với nhau. Tương tự như mã QR, công nghệ này có thể được sử dụng để truy xuất thông tin và thanh toán. Công nghệ này hoạt động trên các chip NFC phải có ở cả thiết bị thanh toán và thiết bị đọc. Apple Pay và Android Pay là hai ví dụ điển hình của công nghệ này.

Các nhà bán lẻ sử dụng NFC cho các ứng dụng khác nhau từ truy xuất thông tin, tùy chọn thanh toán và giờ là cho mục đích tiếp thị. Khách hàng cần phải có một thiết bị hỗ trợ NFC để sử dụng công nghệ, đây được coi là một thách thức đối với nhà bán lẻ. Tuy nhiên, do nhận thức ngày càng cao và tiến bộ công nghệ, hầu hết các thương hiệu thời trang đều tung ra thiết bị hỗ trợ NFC.

Ngày nay, NFC này cũng đang được sử dụng cho mục đích tiếp thị. Công cụ cho phép các thương hiệu kết nối với khách hàng của họ ngay lập tức. Ngoài ra, khả năng phân tích của công nghệ này giúp tìm hiểu những mong muốn và hành vi của người tiêu dùng.

Các thương hiệu đang áp dụng NFC theo nhiều cách khác nhau; Moncler, một thương hiệu cao cấp của Ý-Pháp, đã sử dụng NFC như một giải pháp kỹ thuật số tiên tiến chống hàng giả. Thương hiệu này đã cho ra mắt chiếc áo khoác “Puffer” sang trọng để ngăn chặn làn sóng các nhà sản xuất hàng giả đang gia tăng, đặc biệt là tại Trung Quốc. Những chiếc áo khoác này có các thẻ NFC khi quét bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh thực hiện xác nhận là sản phẩm chính hãng, có thể xác minh quy trình sản xuất hiệu quả. Các thẻ này được gắn vào các sản phẩm may mặc giống như logo thương hiệu. Thông qua sáng kiến này, thương hiệu mong muốn tạo ra sự minh bạch và bảo vệ sản phẩm của mình trong mọi khía cạnh.

Một ví dụ khác là của Ralph Lauren: Nhãn hàng đã chủ động quảng bá dòng sản phẩm Polo Ralph Lauren với áp phích có chip NFC trên cửa sổ của Harrods, một cửa hàng bán lẻ các sản phẩm xa xỉ. Các thẻ này có bản đồ của Harrods giúp hỗ trợ khách hàng đến trực tiếp các cửa hàng của Ralph Lauren.

Thực tế ảo tăng cường (AR – Augmented reality)

Khái niệm “Thực tế ảo tăng cường” chắc không cần giới thiệu! Khái niệm này đang ngày càng trở nên nổi tiếng trong ngành công nghiệp thời trang. AR hoạt động trên việc tạo ra ảo ảnh bằng cách đặt các đối tượng ảo AR phủ lên vật thể thực tế ngoài đời mà vẫn chiếm không gian như thật. Các nhà bán lẻ thời trang sử dụng AR để nâng cao trải nghiệm mua sắm, giúp khách hàng có được một cái nhìn tốt hơn và gần như thực về sản phẩm ngay cả trước khi mua. Các phòng thử nghiệm ảo là những ví dụ tốt nhất về việc triển khai AR trong các cửa hàng và GAP là ví dụ điển hình. Ứng dụng “Dress Room” (phòng thử đồ) của công ty sử dụng AR, nơi người mua hàng có thể thử bộ sưu tập của họ ngay cả khi họ không ở trong cửa hàng.

Ứng dụng hoạt động bằng cách hỏi một vài thông tin về khách hàng, chẳng hạn như chiều cao và cân nặng của họ, sau đó cho phép họ hình dung ra các mặt hàng khác nhau sẽ phù hợp với họ như thế nào. Ứng dụng tạo ra một người mẫu mô phỏng 3D để chọn các sản phẩm may mặc này theo kích thước và tùy chọn của người mua. Ngoài ra, người dùng có thể trực tiếp mua hàng từ ứng dụng nếu họ thích. Ứng dụng được xây dựng với sự hợp tác của công ty khởi nghiệp Avametric có trụ sở tại San Francisco và Google vào năm 2017.

Trong năm 2018, Zara đã giới thiệu trải nghiệm AR cho khách hàng của mình tại 7 trong số các cửa hàng tại Hoa Kỳ và 120 cửa hàng trên toàn thế giới. Ứng dụng AR của Zara cho phép khách hàng xem các các mô hình ảo của thiết kế, thậm chí có thể di chuyển để hiển thị các góc nhìn thực tế của chiếc váy. Khách hàng có thể hướng điện thoại của họ vào cửa sổ tại các cửa hàng trên, kệ trưng bày trong cửa hàng, các hộp họ nhận được khi mua hàng trực tuyến và hình ảnh chuyên dụng tại zara.com, và người mẫu Léa Julian và Fran Summers xuất hiện trong 7 đến 12 giây. Sản phẩm có thể được đặt hàng trực tiếp từ ứng dụng hoặc thông qua các cửa hàng tùy thuộc vào lựa chọn của khách hàng.

Rất nhiều ứng dụng đang được các nhà bán lẻ sử dụng, từ “Virtual Try” (Thử đồ thực tế ảo) trên các sản phẩm 3D cho “Brand awareness” (Nhận thức về thương hiệu). Chế độ xem thực tế ảo 3D của sản phẩm đang giúp các ông lớn trong thương mại điện tử xóa bỏ rảo cản của ngành trong việc cung cấp hình ảnh thực của sản phẩm. Ikea Place ARKit chính là ví dụ tiêu biểu. Đây là ứng dụng sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến sự phù hợp và hình ảnh của sản phẩm trong không gian thật. Với ứng dụng, khách hàng có thể lắp đồ nội thất ảo 3D vào bất cứ nơi nào họ muốn đặt đồ đạc trong nhà, giúp họ có ý tưởng thực tế về việc nó sẽ trông như thế nào và đặt ở chỗ phù hợp mà họ muốn.

Beacon

Với kích thước nhỏ gọn, Beacon là một thiết bị có thể truyền tín hiệu Bluetooth đến điện thoại thông minh gần đó.  Những tín hiệu này có thể giúp xác định vị trí thực của thiết bị, theo dõi khách hàng hoặc kích hoạt hành động dựa tương tác trên vị trí trên thiết bị như check in trên mạng xã hội hoặc gửi thông báo. Đối với lĩnh vực bán lẻ, Beacon tiếp cận với khách hàng có Bluetooth và tải ứng dụng phù hợp trên điện thoại của họ.

Công nghệ này cho phép các ứng dụng và điện thoại thông minh nhận tín hiệu từ các thiết bị của Bacon trong khoảng cách gần. Các tín hiệu này sẽ gửi những nội dung nhất định, chủ yếu bao gồm các quảng cáo được gửi qua các gói dữ liệu nhỏ. Đối với hình thức này, việc giao tiếp là một chiều và người nhận không được phép trả lời.

Các nhà bán lẻ đang sử dụng công nghệ để tạo ra nhiều trải nghiệm cá nhân hóa hơn cho khách hàng của họ, từ đó giữ được khách hàng hiện tại và tìm được khách hàng mới. Các ứng dụng khác nhau bao gồm quảng cáo, trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa, xác định mục tiêu là các chiến lược được nhà bán lẻ sử dụng dựa trên thông tin thực tế từ hoạt động của khách hàng. Nó giúp thu thập thông tin về thời gian khách hàng dành cho mỗi sản phẩm bên trong cửa hàng và mức độ quan tâm đến sản phẩm cụ thể.

Không có nhiều nhà bán lẻ có trụ sở tại Hoa Kỳ đã triển khai công nghệ này nhưng họ đang thu về kết quả khả quan. Urban Outfitters, nhà bán lẻ thời trang và đồ gia dụng của Mỹ, đã sử dụng công nghệ này tại 15 cửa hàng của họ ở các thành phố khác nhau của Mỹ. Công nghệ hoạt động khi một khách hàng lần đầu tiên bước vào cửa hàng; một thông báo sẽ gửi đến điện thoại của họ nhắc nhở checkin trên mạng xã hội để nhận ưu đãi. Người mua hàng được khuyến khích để chụp ảnh tự sướng và đăng chúng lên Instagram với hashtag #UOonYou để có cơ hội được đăng ảnh trên trang web của Urban Outfitters. Ngoài ra, người mua hàng trong quá trình đăng ký có thể nhận được thông báo trên điện thoại, quảng cáo nhắc họ lắc điện thoại để hiển thị Urban ID – thẻ khách hàng thân thiết – và nhận chứng chỉ kỹ thuật số.

American Eagle Outfitters cũng đã cài đặt Beacon ở hơn 100 địa điểm trong quá trình hợp tác với Shopkick. Việc cài đặt shopBeacon cho phép người dùng của ứng dụng nhận tin nhắn mỗi khi bước vào cửa hàng và khi đi dạo bên trong cửa hàng. Những phát hiện ban đầu cho thấy tỷ lệ người dùng Shopkick, khi nhận được các khuyến mại từ thiết bị Beacon, sẽ đến thăm khu vực phòng thử quần áo để thử quần áo nhiều hơn gấp đôi so với những người không nhận được.

https://apparelresources.com/technology-news/information-technology/mobile-technology-making-waves-fashion-industry/

Người dịch: Hàn Thị Mỹ Hạnh


Các tin khác