Công đoàn DMVN thay đổi phương thức hoạt động phù hợp tình hình mới


Đặc thù của hoạt động công đoàn là công tác tập hợp gắn kết người lao động. Tuy nhiên, trong thời gian có đại dịch Covid-19, buộc phải giãn cách xã hội, thì Công đoàn DMVN đã có những đổi mới về cách thức hoạt động nào, để vừa giữ an toàn cho người lao động, đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh mà vẫn thu hút và tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong tập thể người lao động?

Chúng ta cùng trò chuyện với ông Lê Nho Thướng – Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn DMVN về vấn đề này.

 Thưa ông, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp và người lao động của ngành DMVN trong năm 2020?

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc đại khủng hoảng đối với các ngành kinh tế trên toàn cầu, trong đó có ngành Dệt May của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn rất nhiều trong việc nhập khẩu nguồn nguyên, phụ liệu để phục vụ sản xuất. Cùng với đó, việc xuất khẩu hàng cho đối tác cũng bị ảnh hưởng do các nước thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Cụ thể, trong quý I/2020, nguồn cung nguyên, phụ liệu chủ yếu từ Trung Quốc (chiếm gần 60%) bị gián đoạn. Từ giữa tháng 3, khi nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất dần ổn định, thì các doanh nghiệp lại tiếp tục đối mặt với nhu cầu tiêu thụ sụt giảm nghiêm trọng tại các thị trường lớn như Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ (do các khu vực này đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh). Bên cạnh đó, sức tiêu thụ sản phẩm Dệt May trong nước cũng giảm sút mạnh (đặc biệt là những thương hiệu lớn). Tình trạng đơn hàng bị hủy, giảm, khách hàng từ chối nhận hàng và chậm nghĩa vụ thanh toán; doanh thu nội địa giảm… làm cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu và vận hành nguồn vốn.

Việc thiếu đơn hàng dẫn đến người lao động tại nhiều doanh nghiệp phải ngừng việc, nghỉ chờ việc, giảm giờ làm trong một số thời điểm dẫn đến thu nhập bình quân giảm sút.

 Công đoàn DMVN đã có những giải pháp gì để đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc giữ ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động trong Ngành, thưa ông?

Trước những khó khăn trên, Công đoàn DMVN đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động, cụ thể như:

– Vận động người lao động học tập, nắm bắt công nghệ sản xuất các sản phẩm mới để nâng cao trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu trong điều kiện mới. Năm 2020, Công đoàn DMVN đã ký hợp tác với các trường dạy nghề của Ngành triển khai 50 lớp đào tạo kỹ năng nghề cho 2.500 người lao động.

– Phối hợp với các doanh nghiệp trong việc kiểm tra y tế, đo thân nhiệt hàng ngày, cải tiến vị trí làm việc, lắp đặt vách ngăn nhà ăn, giám sát và tăng cường chất lượng bữa ăn, phát thuốc bổ miễn phí để tăng cường sức đề kháng, vệ sinh nhà xưởng hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh, giúp người lao động yên tâm làm việc.

– Đối với những người lao động bị giảm thu nhập do ảnh hưởng bởi Covid-19, thuộc đối tượng phải nghỉ việc cách ly mà hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, Công đoàn DMVN đều trợ cấp bằng tiền để động viên tinh thần, tăng thêm thu nhập.

– Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng (một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh), Công đoàn DMVN đã hỗ trợ các đơn vị một số thiết bị phòng chống dịch gồm 30 máy sát khuẩn tự động, 50 máy sát khuẩn gắn tường, 400 mặt nạ chống giọt bắn để trang bị cho những người lao động làm việc tại những vị trí có nguy cơ lây nhiễm cao…

 Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán số lượng lao động quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp trong Ngành như thế nào thưa ông?

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình lao động của Ngành về cơ bản vẫn duy trì được quân số. Những năm gần đây, số lao động quay trở lại làm việc tại hầu hết các doanh nghiệp trong Ngành đều đạt từ 95-98%. Số nghỉ việc từ 2-5% chủ yếu do chuyển đổi công việc.

Là một ngành sử dụng nhiều lao động nhưng tình trạng “nhảy” việc lại rất ít, Công đoàn DMVN đã có những biện pháp gì để hạn chế tình trạng này thưa ông?

Ngành Dệt May Việt Nam xác định hai tài sản lớn nhất phải bảo vệ bằng mọi giá là lao động và vị trí của Ngành trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, các doanh nghiệp trong Ngành đã luôn nỗ lực, tìm mọi giải pháp để giữ ổn định lao động. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp đều xác định nếu cho người lao động nghỉ chờ việc dài ngày để đủ điều kiện nhận trợ cấp của Chính phủ thì người lao động vẫn phải kiếm việc khác để duy trì cuộc sống, và khi thị trường ổn định trở lại thì các doanh nghiệp sẽ không còn đủ lực lượng lao động để phục hồi sản xuất nhanh được. Vì vậy, các doanh nghiệp trong Ngành đã không lựa chọn phương án nghỉ chờ việc để lấy tiền hỗ trợ mà vẫn cố gắng duy trì sản xuất mọi mặt hàng có được trên thiết bị công nghệ hiện có để đảm bảo việc làm cho người lao động.

Cùng với đó, để hạn chế tình trạng “nhảy” việc của người lao động, Công đoàn DMVN đã thực hiện nhiều biện pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp, cụ thể như:

– Tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu ngành, yêu nghề, ý thức trách nhiệm đến toàn thể công nhân viên chức lao động của ngành.

– Đồng hành cùng doanh nghiệp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong việc giám sát thực hiện chế độ, chính sách, chất lượng bữa ăn ca. Duy trì và thực hiện nhiều chương trình phúc lợi cho đoàn viên, tổ chức các phong trào thi đua trong lao động sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, kỹ năng nghề nghiệp và thu nhập chính đáng cho người lao động. Tôn vinh, khen thưởng và nhân rộng những điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa tinh thần thi đua lao động sản xuất trong tất cả các đơn vị.

 Ông có thể chia sẻ những đổi mới trong cách thức hoạt động công đoàn trong thời gian có dịch, không được tụ tập đông người, mà vẫn thu hút được anh chị em và tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong tập thể người lao động?

Có thể nói, đặc thù của hoạt động công đoàn là công tác tập hợp gắn kết người lao động. Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh, để đảm bảo an toàn cho người lao động, Công đoàn DMVN đã có những đổi mới về cách thức hoạt động cho phù hợp, vừa đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh mà vẫn tập hợp, thu hút và tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong tập thể người lao động như:

– Đổi mới cách thức tuyên truyền, khai thác triệt để các hình thức truyền thông đa phương tiện cho mục đích truyền tin tới người lao động. Trong đó, Cổng thông tin điện tử, trang Facebook Công đoàn DMVN đã duy trì được hiệu quả, là công cụ truyền thông hữu hiệu, cập nhật nhanh thông tin, hình ảnh hoạt động của Công đoàn Ngành và Công đoàn cơ sở. Đồng thời, thông qua các hình thức truyền thông đó để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, góp phần định hướng dư luận xã hội, kịp thời giải quyết những bất cập trong đời sống đoàn viên người lao động. Từ tháng 02/2020, Công đoàn DMVN đã ra mắt và thực hiện chương trình “Truyền thanh công đoàn”, truyền tải thông tin và là phương tiện tiếp cận gần gũi và trực tiếp nhất của Công đoàn Ngành đến toàn thể người lao động.

– Tổ chức các cuộc thi online tìm hiểu về “Bác Hồ với ngành Dệt May và công nhân lao động”; “An toàn vệ sinh lao động và công tác phòng chống dịch Covid-19” trên Cổng thông tin điện tử của Công đoàn DMVN thu hút hàng nghìn tài khoản dự thi. Các cuộc thi đã góp phần hun đúc tình yêu Ngành, yêu nghề và giúp người lao động hiểu biết về các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

– Tổ chức chương trình “Tết sum vầy – Ngày hội Công nhân – Phiên chợ nghĩa tình” với các hình thức phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Cụ thể tại địa điểm Đà Nẵng, Ban tổ chức đã không tổ chức các gian hàng mà phát phiếu mua hàng để người lao động mua sản phẩm ưu đãi tại Siêu thị của Công ty để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Tại TP. Hồ Chí Minh, Công đoàn DMVN phối hợp với một số công đoàn cơ sở tổ chức bán hàng lưu động, cung cấp sản phẩm ngay tại khuôn viên Công ty, để nhiều người lao động có cơ hội sử dụng sản phẩm ưu đãi, chất lượng tốt của doanh nghiệp trong cùng hệ thống.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!


Các tin khác