Chủ động thích ứng linh hoạt trong tình hình thị trường nhiều bất ổn
Trong những ngày gần đây, trên bình diện quốc tế, xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra những tác động lớn không chỉ tới an ninh, địa chính trị mà trực tiếp ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế toàn cầu. Giới phân tích kinh tế gần đây không đơn thuần nhắc tới rủi ro lạm phát mà thay vào đó là khái niệm “đình lạm” (stagflation), nghĩa là lạm phát kèm theo suy thoái, dùng để chỉ điều kiện tăng trưởng kinh tế chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao kèm theo giá cả tăng. Việt Nam, với độ mở nền kinh tế hơn 200% GDP, càng khó tránh khỏi rủi ro này. Trong tình hình chung như vậy, Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng có những nghiên cứu dự báo về tình hình kinh tế, thị trường ảnh hưởng đến ngành dệt may. Tuy mọi dự báo tại thời điểm này đều có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng cũng cho ta một bức tranh tổng thể liên quan đến hoạt động sản xuất của toàn Tập đoàn, từ đó đưa ra những đối sách, giải pháp phù hợp trong giai đoạn tới.
Tình hình sản xuất kinh doanh hai tháng đầu năm 2022
Đối với ngành sợi
Đến giữa tháng 2/2022, hầu hết các đơn vị sản xuất sợi trong hệ thống Tập đoàn đều đã ký kết đơn hàng đến cuối tháng 3, một số ít sang tháng 4/2022 và hiện đang tích cực chào bán cho các tháng tiếp theo. Tuy nhiên, khi giá bông biến động thất thường cộng với giá xơ polyester tăng mạnh sau kỳ nghỉ tết âm lịch, thị trường tiêu thụ sợi ghi nhận khá trầm lắng, nhu cầu sợi cho cả xuất khẩu và nội địa đều chậm lại, không còn sôi động, tâm lý khách hàng chờ đợi, thăm dò giá sợi chứ chưa sẵn sàng xác nhận đơn hàng mới, cũng như chưa chấp nhận mức giá mới.
Đối với ngành vải
Nối tiếp đà tăng trưởng trong quí IV/2021, ngành vải dệt kim trong quí I/2022 đang có đà tăng trưởng mạnh mẽ với hạt nhân là khu vực dệt nhuộm tại phía bắc. Các đơn hàng đã được ký kết đến hết quí II/2022 với sản lượng tăng đáng kể do các đơn vị đã đầu tư thêm máy móc thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất. Đây cũng là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm thực hiện chiến lược “Một điểm đến” của Tập đoàn. Tuy nhiên, cũng tương tự như ngành sợi, khách hàng chưa mặn mà chốt đơn hàng trong dài hạn, do vẫn đang chờ những tín hiệu hạ nhiệt từ thị trường sợi.
Đối với ngành may
Hiện tại, đa số các đơn vị sản xuất may mặc đã có kế hoạch sản xuất đến hết quý II năm 2022. Đây là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên các đơn vị cũng cần hết sức thận trọng, nhất là đối với các đơn vị sản xuất theo phương thức FOB do dự kiến giá nguyên phụ liệu có thể tăng trong thời gian tới. Chi phí logistic cũng vẫn tiếp tục tăng kèm theo thời gian giao hàng chậm, trung bình từ 10 đến 15 ngày so với trước đây.
Đặc biệt, tình hình dịch bệnh trong tháng 2 diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh khiến tâm lý người lao động bất ổn đồng thời gây nên tình trạng thiếu hụt lao động, một số đơn vị có tới 15-20% công nhân nghỉ việc do dịch. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc ổn định sản xuất đối với một ngành thâm dụng lao động như ngành may.
Một số dự báo về thị trường
Thị trường Bông, Xơ
Giá bông đầu năm 2022 tăng cao trên tất cả các thị trường, đặc biệt ở Trung Quốc. Trong những ngày đầu tháng 3, giá bông có xu hướng chững lại. Một phần là do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine, khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang các mặt hàng đang có tỷ suất lợi nhuận cao như lương thực, dầu mỏ. Mặt khác, còn do nhu cầu sợi giảm bởi các nhà mua hàng vẫn đang nghe ngóng xu hướng giá sợi nên chưa chốt đơn hàng. Tuy vậy, giá bông dự kiến sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng khả năng vẫn duy trì quanh mốc khoảng 3 USD/kg.
Giá xơ cũng tăng rất cao kể từ quý 4/2021 cho đến nay, giá xơ bình quân trên 1.30 USD/ kg. Đặc biệt, hiện nay, do nguồn cung dầu khan hiếm và giá dầu tăng cao, giá xơ được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Thị trường Sợi
Tại thời điểm này, các thị trường xuất khẩu chủ lực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Châu Âu và Nam Mỹ đều đang khá trầm lắng cả về nhu cầu và giá bán so với thời điểm cuối năm 2021, khách hàng vẫn chờ đợi giá sợi giảm lại chứ chưa sẵn sàng đặt hàng mới cho tháng 4, tháng 5. Giá sợi cotton chải thô, sợi TC, CVC đều ghi nhận giảm giá nhẹ. Điều này cho thấy thị trường tiêu thụ sợi đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá bông và xơ đang ở mức cao, nhưng giá sợi chào bán không thể tăng tương ứng với mức tăng của giá nguyên liệu. Một số đơn vị dự báo giá sợi có nhiều khả năng theo xu hướng điều chỉnh giảm nếu không có tín hiệu mới khiến thị trường khởi sắc trở lại. Vì vậy biên lợi nhuận trên 1kg sợi sẽ thấp hơn nhiều so với quí I/2022, thậm chí có khả năng lỗ nếu thị trường diễn biễn bất lợi.
Thị trường may
Dự kiến trong quý III các mặt hàng dệt thoi như áo jacket, quần âu có thể giảm do số lượng các sản phẩm này còn tồn tại các cảng tương đối lớn. Một số đơn vị sản xuất hàng may mặc cũng dự báo lượng đặt hàng đối với mặt hàng dệt kim sẽ giảm đôi chút so với năm 2021, trong khi các mặt hàng veston, sơ mi sẽ ở mức tương đương 2021. Trong các quý tiếp theo, ngành may tiếp tục đối mặt với khả năng nguyên liệu về chậm và tăng giá do mặt bằng chi phí lên, đồng thời nguy cơ khách hàng huỷ đơn hàng nếu tình hình kinh tế xấu đi.
Logistic vẫn tiếp tục tăng
Khủng hoảng logistic vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, còn tiếp tục kéo dài và giá cước tàu đang tạo mặt bằng giá mới. Các ảnh hưởng từ khủng hoảng Nga – Ukraine, sự gia tăng quá nhanh của giá nhiên liệu (xăng, dầu, gas,…), gián đoạn chuỗi cung ứng và vận chuyển do nhiều hãng vận chuyển lớn như Maersk, DHL, UPS đã tạm ngừng vận chuyển tất cả các đơn hàng tới Nga…khiến chi phí vận tải biển, các phụ phí kèm theo liên tục tăng. Tình trạng thiếu container rỗng vẫn tiếp diễn. Các nhà xuất khẩu không có cơ hội để đưa ra lựa chọn hay đàm phán đối với các dịch vụ vận chuyển như trước khi đại dịch xuất hiện.
Các chuyên gia ước tính rằng, áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục ít nhất là cho đến nửa cuối năm 2022. Những vấn đề liên quan đến năng lực khai thác gây tắc nghẽn tại các cảng biển vẫn gia tăng do sự tăng trưởng về nhu cầu tiêu dùng sau đại dịch.
Kinh tế thế giới với triển vọng phục hồi mong manh
Tình hình khủng hoảng tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến cho giá nhiên liệu tăng cao trong 2 tuần qua. Như vậy, sau hai năm hoành hành của đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu lại phải đối mặt với những thách thức và khó khăn khó lường, giá dầu tăng cao đẩy lạm phát tăng phi mã, đồng thời làm dấy lên lo ngại về triển vọng phục hồi rất mong manh của kinh tế toàn cầu.
Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tỷ trọng của dầu trong GDP vào khoảng 3%. Mặc dù không phải là động lực chính thúc đẩy lạm phát nhưng dầu là một trong những hàng hóa quan trọng nhất trên thế giới. Vì vậy tác động của giá dầu tăng sẽ thấy ở hầu hết các hàng hóa và dịch vụ mà con người sử dụng, từ đó góp phần đẩy lạm phát leo thang. Theo các chuyên gia, với giá dầu bình quân 110 USD/thùng (tức là tăng 60% so với 2021) thì chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng thêm 2%. Lạm phát tăng sẽ kéo theo đà gia tăng của tỷ giá và lãi suất gây nên những áp lực không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp
Các kịch bản có thể xảy ra mà ngành dệt may Việt Nam cần nhận diện
Lo ngại trước những biến động nhanh và khó lường của thị trường, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã thực hiện những nghiên cứu về thị trường và dự báo những kịch bản có thể xảy ra, nhằm giúp các đơn vị nhận diện bức tranh toàn cảnh trong trong 6 tháng cuối năm 2022, chủ động phòng ngừa những rủi ro về tỷ giá, lãi suất, logistic…và sớm có giải pháp ứng phó kịp thời, định vị lại năng lực cạnh tranh của mình.
Căn cứ vào diễn biến của thị trường và thực tiễn SXKD của các doanh nghiệp trong Tập đoàn, Hội đồng quản trị đã đưa ra 3 kịch bản đối với thị trường 6 tháng cuối năm đó là:
- Kịch bản xấu: giá dầu tăng lên mức 150 USD/thùng (bằng với giá tại thời điểm khủng hoảng kinh tế năm 2008), kinh tế thế giới tăng trưởng 0%. Theo đó, tỷ lệ lạm phát trên thế giới và Việt Nam sẽ ở mức trên 5%, giá hàng hóa đầu vào tăng cao đặc biệt là vận tải và năng lượng. FED có 6-7 lần tăng lãi suất, kéo theo lãi suất toàn cầu tăng. Tổng cầu dệt may thế giới có thể giảm trên 8% so với dự báo hồi tháng 2, về mức 700 tỷ USD.
- Kịch bản khả thi: giá dầu ở mức 80 – 85 USD/thùng; tăng trưởng toàn cầu giảm từ 5.7% năm 2021 xuống dưới 4% năm 2022; lạm phát các quốc gia tăng 0.5% so với 2021. FED có thể có 4 lần điều chỉnh tăng lãi suất, kéo theo lãi suất trong nước tăng thêm 1 đến 1.5%. Tổng cầu dệt may thế giới tương đương năm 2021 hoặc thấp hơn dự báo cũ 3%.
- Kịch bản tốt: giá dầu đứng ở mức 75 – 80 USD/thùng; lạm phát thế giới dưới 2.5% và Việt Nam dưới 3.5%; lãi suất vay tăng khoảng 1 đến 1.5%. Tổng cầu dệt may thế giới tăng 3% so với năm 2021.
Giải pháp trong giai đoạn tới
Giá dầu trong những ngày đầu tháng 3/2022 đã tăng phi mã, có thời điểm gần sát ngưỡng 140 USD/ thùng. Như vậy, chúng ta đang có xu hướng tiệm cận với kịch bản xấu nhất. Cơ quan Điều hành Tập đoàn cũng đã xác định một số giải pháp để đối phó với những tình huống có thể xảy ra, nhằm chủ động điều hành hoạt động sản xuất, quản trị tốt rủi ro, giảm thiểu những thiệt hại có thể có. Cụ thể:
- Đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược “Một điểm đến” của Tập đoàn, nhằm liên kết chuỗi sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất toàn chuỗi, san sẻ bớt rủi ro nếu có giữa các khâu.
- Tìm mọi biện pháp ổn định lao động trong tình hình dịch bệnh diến biến khó lường.
- Các Ban SXKD cần tích cực hoạt động hơn nữa trong việc trao đổi kịp thời các thông tin thị trường, giá cả nguyên liệu cũng như thành phẩm. Đóng vai trò điều phối giữa các đơn vị trong Ban, xây dựng các biện pháp bình ổn giá nguyên liệu để phòng trừ rủi ro. Đặc biệt, cần theo dõi sát tình hình thị trường, xây dựng kế hoạch mua bông và nguyên liệu đầu vào phù hợp.
- Các đơn vị xây dựng phương án dự phòng trong tình huống lượng đơn hàng 6 tháng cuối năm 2022 có xu hướng giảm đột ngột. Cần đàm phán với khách hàng, cân đối kế hoạch sản xuất, đảm bảo đủ đơn hàng cho những tháng cuối năm.
- Đối với ngành sợi: xem xét sản xuất sợi chi số cao, sợi pha để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, duy trì biên lợi nhuận hợp lý trên 1kg sợi.
- Đối với ngành may: cân nhắc tỷ lệ hợp lý giữa sản xuất CMT và FOB, tránh rủi ro do lãi suất tăng, giá nguyên phụ liệu tăng cao và khó khăn trong logistic.
- Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống quản trị số trong toàn Tập đoàn, giúp kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng, hiệu quả, đề ra các biện pháp ứng phó linh hoạt với những biến động của thị trường.
- Các ban chức năng của Tập đoàn cần nhanh chóng nghiên cứu các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ, hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục để có thể tận dụng được các gói hỗ trợ này.
Ứng phó với những biến động khó lường trong giai đoạn sắp tới, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp trong Tập đoàn phải bình tĩnh, nắm vững thông tin, xử lý linh hoạt và quyết đoán. Đồng thời, cần phát huy truyền thống đoàn kết, chia sẻ thông tin minh bạch, để đảm bảo phát huy sức mạnh tập thể của từng Ban SXKD cũng như của toàn chuỗi cung ứng Tập đoàn. Có như vậy, chúng ta tin tưởng sẽ cùng nhau vượt qua mọi trở ngại, thực hiện thắng lợi kế hoạch SXKD năm 2022.