Bức tranh DMVN: Hiện tượng 2018 và thách thức 2019
Ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam
Khi nhìn lại kết quả xuất khẩu của ngành Dệt May Việt Nam năm 2018, thì đó quả là một con số đầy bất ngờ. Với 36,164 tỷ USD xuất khẩu toàn ngành là vượt xa so với dự đoán. Đặc biệt, khi nguồn cầu nhảy vọt trong hai quý giữa năm, và suy giảm trong quý cuối cùng của năm 2018, thì lại đặt các chủ doanh nghiệp và người làm công tác thị trường vào một vấn đề mới khó lường.
Tăng trưởng vượt xa dự báo
Nhìn lại sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành DMVN trong thập kỷ qua, ta thấy có sự tăng trưởng rất cao, tới 15 – 16% vào năm 2010 – 2012. Tuy nhiên, 5 năm sau đó con số tăng trưởng đã chững lại, duy trì trong khoảng 8 – 10%. Đến cuối năm 2017, con số dự đoán cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2018, cũng như mức phấn đấu cho tăng trưởng xuất khẩu DMVN là 10%. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi con số tăng trưởng xuất khẩu của DMVN vượt xa so với dự báo, lên tới 16%. Điều đáng lưu ý là, nếu như những năm đầu thập niên, khi DMVN tăng trưởng xuất khẩu đến 15 – 16% thì chỉ số tăng tuyệt đối cũng chỉ được khoảng 3 tỷ USD nhưng vào năm 2018, chỉ số tăng tuyệt đối là hơn 5 tỷ USD.
Vậy điều gì đã khiến cho KNXK của DMVN tăng cao hơn nhiều so với dự báo?
Về mặt khách quan, kinh tế thế giới tương đối ổn định. Kể từ sự phục hồi vào năm 2015, nền kinh tế thế giới đã có sự khởi sắc, mặc cho những bất ổn địa chính trị, nhưng tâm lý của người tiêu dùng nói chung chưa tin vào sự phục hồi bền vững nên tiếp tục thắt chặt chi tiêu tới 2017.
Phải đến năm 2018, với tâm lý thay đổi tích cực hơn thì nhu cầu thật mới được điều chỉnh, dẫn đến sự tăng vọt đơn hàng và DMVN thu được kết quả bất ngờ. Ngoài ra phải kể đến sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, do chiến lược phát triển của nước này với tầm nhìn 2025 là sẽ phát triển các thương hiệu thực sự của Trung Quốc, chứ không còn là một công xưởng của thế giới nữa. Nhờ đó cũng đã giúp cho sự tăng trưởng KNXK của DMVN trong năm 2018.
Một yếu tố thuận lợi khác cho DMVN, đó là các Hiệp định Thương mại tự do như CPTPP và EVFTA cũng đã tác động lên sức tăng KNXK của Ngành, và sẽ còn tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực trong những năm tiếp theo. Dòng vốn đầu tư dệt may của các doanh nghiệp FDI vẫn sẽ đổ vào Việt Nam nhằm hưởng lợi cắt giảm thuế từ các Hiệp định này.
Về mặt chủ quan, Việt Nam là một quốc gia có kinh tế vĩ mô ổn định và đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trong hai năm 2017 – 2018. Do đó, năng lực cạnh tranh quốc gia cũng tăng lên. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2017 – 2018, Việt Nam đã tăng 5 bậc so với năm 2016, được xếp hạng 55 trên 137 quốc gia. Đây là thứ hạng cao nhất của Việt Nam kể từ khi WEF (Diễn đàn Kinh tế thế giới) đưa ra chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu tổng hợp vào năm 2006. Diễn đàn Kinh tế thế giới ghi nhận những tiến bộ tích cực của Việt Nam trong nỗ lực cải cách, xây dựng các yếu tố tăng trưởng dài hạn. Còn đối với ngành Dệt May thế giới, thì Việt Nam vẫn là một trung tâm sản xuất dệt may có quy mô lớn thứ ba, sau Trung Quốc, Ấn Độ. Bên cạnh đó, trong số các nước có nền SX dệt may quy mô đủ lớn thì Việt Nam vẫn là quốc gia có năng suất lao động ở mức khá trong ngành hàng đòi hỏi kỹ thuật khó. Khi có sự dịch chuyển đơn hàng với quy mô lớn, thì việc dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam có sự thuận lợi hơn cả về địa lý và mức an toàn trong khía cạnh đáp ứng về năng lực sản xuất.
So với một số nước khác trong khu vực có sản xuất trọng tâm ngành Dệt May, thì Việt Nam còn có lợi thế về hệ thống sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn mới của các hãng mua hàng vềmôi trường, điều kiện làm việc,…. Việt Nam đã sớm tích cực tiếp cận công nghệ sản xuất xanh, bền vững, tiến bộ nhanh hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.
Khó khăn của Trung Quốc chưa chắc là thuận lợi của Việt Nam
Trong toàn bộ bức tranh sáng của KNXK dệt may năm 2018, cũng cần chú ý tới một mảng xám ở quý cuối cùng của năm, đó là vào Quý IV, KNXK của DMVN lại thấp hơn so với hai quý giữa năm. Hiện tượng giảm đơn hàng này diễn ra trong khoảng thời gian có cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Khi nhìn vào cuộc chiến tranh thương mại này, có một số câu hỏi từ phía truyền thông đặt ra là: “Việt Nam sẽ hưởng lợi gì từ đó?”. Qua câu hỏi này, có một nhận định chưa thực sự đúng về hệ quả của vấn đề. Không đơn giản rằng khi Mỹ áp thuế cao cho Trung Quốc, thì đương nhiên đơn hàng sẽ đổ về Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực có nền SX dệt may. Bởi chúng ta cần tính tới ứng phó của Trung Quốc trong việc này, đơn cử họ cũng sẽ áp thuế cao lên bông nhập khẩu Mỹ, hoặc tăng thuế xuất khẩu vải, ảnh hưởng trực tiếp tới giá của hàng DMVN, do chúng ta còn phải nhập vải của Trung Quốc… Thực tế, Dệt May Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng 53% của toàn thế giới. Do đó, khi Trung Quốc có vấn đề, thì những quốc gia mạnh về dệt may khác sẽ không khỏi bị ảnh hưởng.
Mặt khác, những ngày cuối năm, các dự báo về dệt may thế giới cũng chưa rõ về khả năng phục hồi, và thời điểm có thể vượt qua bóng ma của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Sự việc tạm “đình chiến” dẫn đến sự duy trì biện pháp phòng ngự của thị trường, khiến cho các đơn hàng tiếp tục bị kìm nén, không thể hiện đúng nhu cầu thực sự cũng như tình trạng của nền kinh tế. Chính vì vấn đề này mà tình hình xuất khẩu của DMVN trong quý đầu năm 2019 cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, bản chất của cuộc sống là luôn luôn nảy sinh những vấn đề mới, cho dù như thế thì chúng ta vẫn phải thử sức và cố gắng.
Đối với hầu hết các doanh nghiệp trong Tập đoàn DMVN (Vinatex), trong năm 2018 đều tăng trưởng tốt về KNXK, hoàn thành kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận, cổ tức. Điều đặc biệt cần ghi nhận, đó là các doanh nghiệp thành viên Vinatex đã rất tích cực nghiên cứu, tìm kiếm và đầu tư ứng dụng ở quy mô nhỏ những thành tựu của công nghệ tự động hóa, các phần mềm liên kết, thúc đẩy sự gắn bó chặt chẽ với nhau trong sản xuất, kinh doanh để tận dụng lợi thế của các Hiệp định CPTPP, EVFTA. Nhờ tác động của các Hiệp định này, các doanh nghiệp đã bắt tay liên kết, mua hàng của nhau trên cơ sở chia sẻ lợi ích, để chuẩn bị đáp ứng được quy tắc xuất xứ mới trong Hiệp định. Đây cũng là động lực khiến các doanh nghiệp sợi, vải trong nước cải thiện đáng kể hiệu suất kinh doanh.
Sự phát triển trong mức độ “bình thường mới”
Năm 2019, nền kinh tế thế giới phát triển trong mức độ “bình thường mới”. Với các nước đã phát triển, kinh tế có thể tăng trưởng ở mức trung bình là từ 3 – 3,5%. Ở các nước đang phát triển, mức tăng trưởng có thể đạt từ 6 – 6,7%. Việt Nam cũng có thể vẫn duy trì mức tăng trưởng ở mức độ “bình thường mới” là 6,7%. Nhưng sự phát triển ở mức độ “bình thường mới” đó cũng chưa thể đảm bảo cho sự tăng trưởng khả quan của xuất khẩu DMVN nói chung và Vinatex nói riêng.
Như trên đã đề cập về vấn đề ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung lên xuất khẩu DMVN. Không những thế, còn có tiềm ẩn rủi ro khá lớn trong vấn đề nợ công của Trung Quốc. Chỉ qua quý IV/2018, khi cuộc chiến thương mại nổ ra, nợ công của Trung Quốc đã tăng gấp hai lần. Trong năm 2018, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã phá giá tới 9%. Điều đó dẫn đến nguy cơ đồng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc. Và trong trường hợp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị rúng động, sẽ làm các nền kinh tế có liên quan bị ảnh hưởng.
Hiện tượng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thấp hơn GDP trong hai năm trở lại đây của thế giới cho thấy xu thế bảo hộ đã quay trở lại. Nếu như hai thập niên trước, tăng trưởng KNXK thường gấp đôi tăng trưởng GDP, thì trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng KNXK xấp xỉ GDP, và rất có thể trong 10 năm tới, tăng trưởng KNXK sẽ chỉ bằng 60% tăng trưởng GDP. Hoạt động toàn cầu hóa đang chững lại, có thể do cuộc sắp xếp lại trật tự kinh tế thế giới mới diễn ra. Trước tình hình đó, trong ngắn hạn, DMVN có thể cũng sẽ khó tăng trưởng KNXK. Không những thế, việc một số doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc và Hàn Quốc dịch chuyển vào Việt Nam, tận dụng lợi thế từ Hiệp định CPTPP và EVFTA cùng chia sẻ “miếng bánh” xuất khẩu của DMVN, khiến các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng càng đứng trước áp lực cạnh tranh lớn hơn.
Sự việc tất cả ngân hàng trung ương của các quốc gia trên thế giới đều tăng lãi suất và Việt Nam cũng tăng thể hiện xu hướng kiềm chế dòng vốn giá rẻ đi vào những khu vực đầu tư không hiệu quả trong dài hạn, và khả năng nhận định kinh tế thế giới tăng trưởng nóng, cần thu xếp lại. Khi lãi suất tiết kiệm tăng, tất yếu đầu tư sẽ giảm, nguồn cầu sẽ giảm và xuất khẩu cũng theo đó trở nên khó khăn hơn.
Giải pháp cho năm mới 2019
Trước thách thức của năm 2019, ngành DMVN phải đảm bảo mức KNXK tăng tuyệt đối là trên 3 tỷ USD, đảm bảo mức tăng trưởng từ 8%, trong đó Vinatex cũng phải phấn đấu mức tăng trưởng tuyệt đối là từ 300 triệu USD trở lên. Để giữ được thị trường, mức tăng trưởng, thì Ngành DMVN cần thực hiện ráo riết các giải pháp thiết thực sau:
Đầu tư cơ bản, có chiều sâu để cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động, hạ chi phí lao động trên một sản phẩm, giảm nhân sự trong khi vẫn tăng sản lượng;
– Tập trung chăm sóc người lao động cả về điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, tăng các điều kiện sinh hoạt, giá trị văn hóa và tinh thần để bảo toàn lực lượng lao động lành nghề;
– Trong quá trình phát triển, có quy hoạch phù hợp giữa năng lực quản lý nguồn nhân lực với tốc độ phát triển của thị trường và khách hàng;
– Tiếp cận chuẩn mực công nghệ tiên tiến ở mức khá trở lên đến 2020;
– Xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp từ Sợi – Dệt Nhuộm hoàn tất – May để tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, trên cơ sở coi lợi nhuận tổng cho toàn chuỗi quan trọng hơn lợi nhuận của riêng một doanh nghiệp;
– Tiếp tục xu thế sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và lấy đó là tiêu chí cạnh tranh cho DMVN.
Lê Tiến Trường – TGĐ Vinatex/ Theo Tạp chí DM&TT Việt Nam