Bản tin pháp luật Tháng 07/2020 (Số 115)
- LUẬT:
Tại kỳ họp thứ 9, khóa XIV Quốc hội đã thông qua một số Luật sau:
STT | Tên văn bản Luật | Ngày thông qua | Ngày có hiệu lực |
1 | Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 | 10/6/2020 | 01/01/2021 |
2 | Luật Thanh niên 2020 | 16/6/2020 | 01/01/2021 |
3 | Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2020 | 16/6/2020 | 01/01/2021 |
4 | Luật Doanh nghiệp 2020 | 17/6/2020 | 01/01/2021 |
5 | Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 | 17/6/2020 | 01/7/2021 |
6 | Luật Đầu tư 2020 | 17/6/2020 | 01/01/2021 |
7 | Luật Xây dựng sửa đổi 2020 | 17/6/2020 | 01/01/2021 |
8 | Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 | 18/6/2020 | 01/01/2021 |
9 | Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 | 18/6/2020 | 01/01/2021 |
10 | Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020 | 19/6/2020 | 01/01/2021 |
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp số 56/2020/QH14 được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 10/6/2020.
Theo đó, bổ sung thêm một số trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp như sau so với Điều 10 Luật giám định tư pháp 2012:
- Chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện phù hợp để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp;
- Giám định viên tư pháp được bổ nhiệm để thành lập Văn phòng giám định tư pháp nhưng sau 01 năm, kể từ ngày bổ nhiệm không thành lập hoặc sau 01 năm, kể từ ngày có quyết định cho phép thành lập mà không đăng ký hoạt động.
- Theo đề nghị của giám định viên tư pháp; trường hợp giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, CAND, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì phải nhận được chấp thuận của cấp trên trực tiếp.
Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
- Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 16/6/2020.
Theo đó, Luật Thanh niên 2020 quy định về chính sách dành cho thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bao gồm:
- Bảo đảm hoàn thành phổ cập giáo dục theo quy định của pháp luật;
- Ưu tiên, tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp với khả năng và lứa tuổi để phát triển toàn diện;
- Đào tạo, tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với lứa tuổi;
- Trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần;
- Bảo đảm các biện pháp hỗ trợ và can thiệp để thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được sống an toàn, lành mạnh;
- Bảo đảm việc thực hiện các chính sách về hình sự, hành chính, dân sự theo quy định của pháp luật;
- Ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;
Chính phủ quy định cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Luật Thanh niên 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
- Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14 được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 16/6/2020.
Theo đó, không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong 07 trường hợp sau đây:
- Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước;
- Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;
- Đương sự đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần 2 mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì lý do chính đáng;
- Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;
- Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại;
- Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính;
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
- Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 17/6/2020.
Một số điểm mới nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
- Thay đổi khái niệm về doanh nghiệp nhà nước, cụ thể bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật doanh nghiệp 2020.
Hiện tại, tại Luật doanh nghiệp 2014: là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng.
Theo Luật doanh nghiệp 2014, trước khi sử dụng, doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Bổ sung thêm đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp như: Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Luật doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều số 60/2020/QH14 được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 17/6/2020.
Theo đó, sửa đổi quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai khi đầu tư xây dựng (ĐTXD) một số dự án, công trình.
Cụ thể, bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc ĐTXD mới hoặc cải tạo, chỉnh trang:
- Khu đô thị;
- Điểm du lịch, khu du lịch;
- Khu công nghiệp;
- Điểm dân cư nông thôn;
- Công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực;
- Công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
Chủ đầu tư khi lập và thực hiện dự án ĐTXD nêu trên phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai như sau:
- Hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai;
- Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về xây dựng và pháp luật về quy hoạch.
Người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong hồ sơ dự án ĐTXD trước khi phê duyệt dự án và quyết định đầu tư.
Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân khi xây dựng mới hoặc nâng cấp công trình, nhà ở áp dụng tiêu chuẩn có nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai…
Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 có hiệu lực từ 01/7/2021.
- 6. Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 17/6/2020.
Theo đó, cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ (quy định mới);
- Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I;
- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II;
- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
- Kinh doanh mại dâm;
- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người (bổ sung việc cấm mua, bán xác, bào thai người);
- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
- Kinh doanh pháo nổ.
Luật Đầu tư 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, trừ một số quy định tại Khoản 2 Điều 76.
- 7. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 17/6/2020.
Nhà ở riêng lẻ tại nông thôn từ 07 tầng trở lên bắt buộc phải xin giấy phép xây dựng theo quy định tại Luật xây dựng sửa đổi năm 2020.
- Cụ thể, liên quan đến việc xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, Luật xây dựng sửa đổi năm 2020 quy định miễn giấy phép đối với trường hợp sau:
- Nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- (Không áp dụng đối với nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa).
Như vậy, ngoài trường hợp đã được nêu trên, tất cả các trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn còn lại sẽ phải xin giấy phép xây dựng, trong đó có nhà ở từ 07 tầng trở lên.
Đây là quy định mới so với Luật Xây dựng 2014, bởi Luật Xây dựng 2014 chỉ yêu cầu phải xin giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa.
Luật xây dựng sửa đổi năm 2020 có hiệu lực ngày 01/01/2021.
- 8. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 63/2020/QH14 được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 18/6/2020.
Theo đó, thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được quy định như sau:
- Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần VBQPPL được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn:
- 45 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của cơ quan nhà nước ở trung ương.
- 10 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh;
- 07 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã;
- VBQPPL ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua/ký ban hành, đồng thời phải được:
- Đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành.
- Đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng.
- Đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày công bố/ký ban hành với VBQPPL của cơ quan nhà nước ở trung ương;
- Hoặc đăng công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày thông qua/ký ban hành với VBQPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
- Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 18/6/2020.
Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.
Các lĩnh vực cho phép được đầu tư theo phương thức PPP bao gồm:
- Giao thông vận tải (1);
- Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định tại Luật điện lực (2);
- Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải (3);
- Y tế; giáo dục – đào tạo (4);
- Hạ tầng công nghệ thông tin (5).
Cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực:
- Không thấp hơn 200 tỷ đồng với các lĩnh vực (1), (2), (3), (5).
- Trường hợp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì không thấp hơn 100 tỷ đồng.
- Không thấp hơn 100 tỷ đồng với lĩnh vực: Y tế; giáo dục – đào tạo.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội số 65/2020/QH14 được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 19/6/2020.
Theo đó, đại biểu Quốc hội cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau:
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (quy định mới được bổ sung);
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật;
- Có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội;
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm;
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Như vậy, đại biểu Quốc hội cần đáp ứng đủ và ghi nhớ 07 tiêu chuẩn trên khi là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.
Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020 có hiệu lực từ 01/01/2021.
- NGHỊ QUYẾT:
- Nghị quyết số 102/2020/QH14 ngày 08/06/2020 được Quốc hội Phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Theo đó, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam. Hiệp định bao gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung.
Cụ thể, 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, Khoản 1, 2 Điều 4 và Điều 9 Phụ lục 2B về Xe cơ giới và phụ tùng, thiết bị của xe cơ giới được áp dụng trực tiếp; 5 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, Khoản 3 Điều 4 Phụ lục 2B về Xe cơ giới và phụ tùng, thiết bị của xe cơ giới được áp dụng trực tiếp;…
Áp dụng Hiệp định EVFTA với Vương quốc Anh trong thời gian từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020.
(Có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu về việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu).
Nghị quyết này được thông qua ngày 08/6/2020.
- Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
Nghị quyết này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã;
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Nghị quyết 116/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/8/2020 và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.
III. NGHỊ ĐỊNH:
- Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp theo quy định bao gồm:
- Phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 163;
- Bản công bố thông tin về đợt phát hành trái phiếu theo Phụ lục I của Nghị định 163;
- Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt phát hành trái phiếu;
- Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán;
- Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có);
- Hợp đồng mua trái phiếu trong đó bao gồm cam kết của nhà đầu tư về việc đã tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin trước khi phát hành và hiểu rõ các rủi ro khi mua trái phiếu.
Như vậy, quy định mới đã bổ sung thêm “hợp đồng mua trái phiếu” vào thành phần hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp so với quy định tại Nghị định 163.
Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2020.
- Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc
Theo đó, điều chỉnh cụ thể mức kinh phí hỗ trợ khám, chữa bệnh nghề nghiệp (BNN) như sau:
- Đối với khám BNN
- Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám BNN tính theo biểu giá khám BNN do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám BNN sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800.000 đồng/người/lần khám. (Hiện hành, mức hỗ trợ không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám).
- Đối với chữa BNN
- Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa BNN tính theo biểu giá chữa BNN tại thời điểm người lao động chữa BNN theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15.000.000 đồng/người. (Hiện hành, mức hỗ trợ không quá 10 lần mức lương cơ sở/người).
- Đồng thời, giữ nguyên số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.
Nghị định 88/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/9/2020 và thay thế Nghị định 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016.
- THÔNG TƯ:
- Thông tư số 05/2020/TT-BKHĐT ngày 30/6/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Theo đó, bổ sung Mẫu hồ sơ mời thầu áp dụng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ (Mẫu số 08 được đính kèm tại Phụ lục Thông tư 05/2020).
Kể từ ngày 01/9/2020:
- Gói thầu đã phê duyệt E-HSMT theo quy định tại Thông tư 04/2017 nhưng chưa đăng tải E-HSMT lên Hệ thống đấu thầu quốc gia thì phải sửa E-HSMT cho phù hợp với quy định tại Thông tư 05/2020.
- Trường hợp gói thầu phi tư vấn một giai đoạn hai túi hồ sơ thuộc hạn mức phải đấu thầu qua mạng theo quy định tại Điều 29 Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT nhưng trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã phê duyệt là không áp dụng đấu thầu qua mạng và chưa phát hành hồ sơ mời thầu thì: Phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu để đảm bảo phù hợp với lộ trình đấu thầu qua mạng.
Thông tư 05/2020/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2020.
- Thông tư số 58/2020/TT-BTC ngày 22/5/2020 của Bộ Tài Chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh.
Theo đó, mức phí xử lý vụ việc cạnh tranh được quy định cụ thể như sau:
- Mức phí áp dụng kể từ ngày 27/7/2020 đến hết ngày 31/12/2020:
- Phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: 5.000.000 đồng/vụ việc.
- Phí thấm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh: 25.000.000 đồng/hồ sơ.
- Mức thu phí áp dụng kể từ ngày 01/01/2021 sẽ được thu bằng với mức thu hiện hành quy định tại Thông tư 251/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016:
- Phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: 10.000.000 đồng/vụ việc.
- Phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh: 50.000.000 đồng/hồ sơ.
Thông tư 58/2020/TT-BTC có hiệu lực từ 27/7/2020 và thay thế Thông tư 251/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016.
- Thông tư số 65/2020/TT-BCT ngày 9/7/2020 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 302/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí môn bài.
Theo đó, việc thực hiện khai, nộp lệ phí môn bài (LPMB) được thực hiện theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP và Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 139/2016, cụ thể như sau:
- Thời hạn nộp LPMB chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm.
- DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả chi nhánh, VPĐD, địa điểm kinh doanh) kết thúc thời gian được miễn LPMB (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp) nộp LPMB như sau:
- Trường hợp kết thúc thời gian miễn LPMB trong thời gian 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp LPMB chậm nhất là ngày 30/7 năm kết thúc thời gian miễn.
- Trường hợp kết thúc thời gian miễn LPMB trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp LPMB chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.
- Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể, ra hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại nộp LPMB như sau:
- Trường hợp ra hoạt động trong 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp LPMB chậm nhất là ngày 30/7 năm ra hoạt động.
- Trường hợp ra hoạt động trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp LPMB chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm ra hoạt động.
Thông tư 65/2020/TT-BTC có hiệu lực từ 23/8/2020.
- Thông tư số 69/2020/TT-BTC ngày 15/7/2020 của Bộ Tài chính quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội.
Theo đó, hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp với người nộp thuế (NNT) phá sản, bao gồm:
- Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi NNT nợ tiền thuế theo mẫu số 01/VBĐN ban hành kèm theo Thông tư 69/2020;
- Thông báo của Tòa án có thẩm quyền về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc Quyết định mở thủ tục phá sản hoặc Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án nhưng NNT chưa được xử lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế (bản chính hoặc bản sao có chứng thực);
- Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (nếu có);
- Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp NNT đang nợ đến thời điểm ngày 30/6/2020 của cơ quan quản lý thuế;
- Văn bản xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi NNT đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc NNT không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký trừ trường hợp NNT đã có Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án;
- Văn bản công khai danh sách NNT được đề nghị xóa nợ theo mẫu số 01/CK ban hành kèm theo Thông tư 69/2020.
Thông tư 69/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
- Thông tư số 70/2020/TT-BTC ngày 17/7/2020 của Bộ Tài chính kéo dài hiệu lực thi hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/03/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhận liên quan chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Trong đó sửa đổi theo hướng miễn, giảm 15 loại dịch vụ chứng khoán từ ngày 19/3/2020 và áp dụng tới 31/8/2020; đơn cử như:
- Giảm giá đối với 3 dịch vụ bao gồm: dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán.
- Không thu phí đối với dịch vụ đăng ký niêm yết lần đầu.
Nay, để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, Bộ Tài chính quyết định kéo dài việc áp dụng Thông tư 14/2020/TT-BTC đến hết ngày 30/6/2021.
Thông tư 70/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 31/8/2020.