Hội nghị tổng kết Vitas 2018: Tập trung cho giải pháp phát triển toàn Ngành DMVN


Ngày 14/12/2018, tại Vĩnh Phúc, Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2018. Hội nghị nhấn mạnh nội dung “Khẳng định vị thế – Phát triển bền vững”.

Kết quả xuất khẩu khả quan

Hội nghị Vitas khẳng định tin vui cho toàn Ngành, năm 2018 là một năm thành công đối với hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam. Tổng KNXK hàng dệt may của Việt Nam năm 2018 ước đạt 36,1 tỷ USD, tăng 16,01% so với năm 2017. Nhìn lại một số năm gần đây thì tốc độ tăng KNXK năm nay đạt mức tăng cao nhất (năm 2015 tăng 12,1%, năm 2016 tăng 4,07%, năm 2017 tăng 10,8%). Trong đó, KNXK hàng may mặc đạt 28,78 tỷ USD, tăng 14,45%; XK vải đạt 1,66 tỷ USD, tăng 25,5%; XK xơ sợi đạt 3,95 tỷ USD, tăng 9,9%; XK vải không dệt đạt 528 triệu USD, tăng 15,54%; XK NPL dệt may đạt 1,23 tỷ USD, tăng 14,59%.

Tổng KNNK NPL dệt may năm 2018 ước đạt 21,8 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2017. Giá trị thặng dư ước đạt 17,86 tỷ USD, tăng 14,39 %. Tỷ lệ giá trị tăng thêm đạt 49,4%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với năm 2017.

Trong năm nay có tổng số 146 dự án nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam với số vốn đăng ký đạt 1,71 tỷ USD, nâng tổng số dự án FDI từ trước đến nay lên 2.225 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 17,46 tỷ USD.

Những thay đổi trong môi trường kinh doanh

Năm 2018, Hiệp hội đã có nhiều kiến nghị đề xuất với Chính phủ, các Bộ ngành tháo gỡ những chính sách gây khó khăn cho DN. Nhiều chính sách đã được tiếp thu sửa ngay trong năm như: điều kiện về người đứng đầu DN nhập khẩu máy in để in trên sản phẩm dệt may xuất khẩu, Nộp thuế trên hóa đơn bán hàng thực tế đối với hàng XK lỗi mốt, hàng hỏng, hàng kém chất lượng thay vì trên hóa đơn nhập khẩu; bỏ quy định dán nhãn QR-Code trên từng kiện hàng xuất khẩu qua cửa khẩu sân bay Nội Bài; ngừng truy thu 14 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT, BHTN của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với Công ty CP ĐT và TM TNG. Một số chính sách khác như đề nghị miễn thuế NK đối với vải nhập về sản xuất XK đưa đi gia công lại, sản phẩm xuất khẩu tại chỗ; bỏ quy định khai báo cộng phí lệnh giao hàng (DO), phí vệ sinh container vào trị giá tính thuế Hải quan đã được các cơ quan ghi nhận để nghiên cứu giải quyết.

Rất nhiều các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, công tác hội viên, đào tạo, công tác thông tin truyền thông… cũng là những hoạt động trọng điểm trong năm 2018 đã được Hiệp hội triển khai đồng bộ, được các DN tham gia tích cực và đạt kết tốt.

Với kết quả đạt được trong năm 2018, tín hiệu về tình hình đơn hàng cho năm 2019 cũng rất khả quan (nhiều DN đã có đơn hàng cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019), sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao và dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may (do dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang tăng lên) cũng như thời điểm thực thi các Hiệp định Thương mại thế hệ mới sắp đến là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động SXKD của dệt may Việt Nam trong năm 2019.

Để phát triển bền vững trong tình hình còn nhiều biến động

Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển ngành trong năm 2019 với kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, tăng trưởng 10.8%; thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas cho rằng, để đạt được các mục tiêu nêu trên, các DN trong ngành phải chung tay thực hiện  những giải pháp về đầu tư, thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ, giải quyết những khâu yếu, bất cập của ngành. Hiệp hội cần phải làm tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa DN hội viên với thị trường trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động hợp tác quốc tế… Trong đó,đặc biệt là làm cầu nối giữa các DN và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp nhận phản ánh của DN để  nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho DN. Cụ thể là những kiếnn ghị đối với Chính phủ:

“Chỉ đạo các Bộ ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn cho DN, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho DN.

Có chính sách hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại các khu công nghiệp dệt may, hỗ trợ cụ thể đối với các cơ sở đào tạo dệt may như chi phí thuê mặt bằng, xây dựng trường, xưởng thực hành, thiết bị giảng dạy…, hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may.

Nhà nước sớm thông qua luật về Hội và quy định các DN 100% vốn nước ngoài được tham gia là thành viên chính thức của Hiệp hội để phối hợp hoạt động, hình thành chuỗi liên kết, trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau.”

Đối với các Bộ, ngành: Đề nghị không ban hành thêm các văn bản làm khó khăn cho DN (ví dụ các quy định về phí CIC, DO, phí vệ sinh container cộng và trị giá tính thuế trong năm 2018).

Các kiến nghị của Hiệp hội đã được ghi nhận, đề nghị sớm nghiên cứu tháo gỡ cho DN.

Đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục ngừng áp dụng Thông tư 21/2017/TT-BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may từ ngày 01/01/2019, vì sẽ tốn nhiều thời gian, chi phí cho DN.

Đối với các địa phương: Đề nghị tạo điều kiện thu hút và cấp phép các dự án đầu tư lớn, có trình độ thiết bị công nghệ tiên tiến và quy trình xử lý nước thải đảm bảo thân thiện với môi trường vào khâu dệt nhuộm để giải quyết điểm “nghẽn’ của ngành và đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA…

Không thu hút các dự án cùng sử dụng nhiều lao động để tránh cạnh tranh, tạo ra biến động lao động lớn. Các địa phương liền kề cần phối hợp để địa điểm các khu công nghiệp thu hút nhiều lao động không cùng đặt tại các vùng giáp ranh.

Kết luận Hội nghị, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas nhấn mạnh, trong năm 2019, toàn Ngành cần tập trung cho những giải pháp quan trọng để tiếp tục phát triển bền vững trong tình hình còn nhiều biến động. Đó là các giải pháp: Tận dụng hiệu quả nhất các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP, EVFTA; Phát triển công nghệ, quản trị tiên tiến, coi đây là biện phát cốt lõi cho toàn Ngành từ khâu đầu tới khâu cuối; Xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà thiết kế để sản xuất theo hình thức FOB, ODM, xây dựng nền tảng liên kết chặt chẽ để giải quyết nguồn cung thiếu hụt, tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, đưa sản phẩm Việt Nam, thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới; Phát triển sản xuất xanh để bảo vệ môi trường; Đầu tư hơn nữa cho lực lượng lao động chất lượng cao, có chính sách chăm sóc tốt để tạo sự gắn kết lâu dài của NLĐ với doanh nghiệp.

KH

 

 


Các tin khác