“Báo chí kiến tạo” để đồng hành với doanh nghiệp
Nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí và doanh nghiệp luôn là mối quan hệ đồng hành, cộng sinh cùng phát triển. Báo chí tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa còn doanh nghiệp đóng vai trò trụ cột trong hoạt động kinh tế. Hai lực lượng kết hợp sẽ hỗ trợ nhau cùng phát triển vì mục tiêu chung, lợi ích chung của đất nước và nhân dân.
Nhà báo Hồ Quang Lợi
BÁO CHÍ LÀ CẦU NỐI QUAN TRỌNG GIỮA NHÀ NƯỚC, DOANH NGHIỆP VÀ XÃ HỘI
*Lâu nay, báo chí luôn có mối quan hệ khăng khít với các doanh nghiệp trong truyền thông các vấn đề phát triển kinh tế đất nước. Ông nhìn nhận thế nào về mối quan hệ này?
Ông Hồ Quang Lợi: Báo chí truyền thông trong thời đại kỹ thuật số đang mở biên độ hoạt động cả về bề rộng và chiều sâu để đạt hiệu quả thông tin cao nhất. Doanh nghiệp rất cần báo chí để tìm hiểu thông tin về thị trường, đối tác, môi trường kinh doanh, qua đó có thêm kênh định hướng hoạt động và đưa ra quyết định sản xuất kinh doanh, đầu tư; còn báo chí có vai trò quan trọng trong quảng bá, giới thiệu chiến lược hoạt động, mô hình sản xuất kinh doanh, sản phẩm cho doanh nghiệp.
Báo chí là cầu nối giữa nhà nước, doanh nghiệp và xã hội để từ đó có vai trò quan trọng trong phản biện chính sách của nhà nước, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, kết nối cộng đồng xã hội nhằm kích cầu sản phẩm, tạo đầu ra cho sản phẩm. Báo chí phát hiện và tôn vinh những điển hình, mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, quản trị tốt. Song song với đó, phát hiện, cảnh báo phê phán những việc làm sai trái vi phạm pháp luật, không vì cộng đồng của một số doanh nghiệp.
*Như vậy, có thể thấy báo chí truyền thông được thể hiện toàn diện trong mọi hoạt động của đời sống kinh tế- xã hội đất nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, thưa ông?
Đúng vậy. Tuy nhiên để đồng hành phát triển thì đương nhiên báo chí cần tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta thấy ở Việt Nam có gần 1 triệu doanh nghiệp, đây là lực lượng sản xuất vô cùng quan trọng với nền kinh tế – xã hội của đất nước, là nguồn thông tin vô tận cho báo chí. Có thể nói, doanh nghiệp “nuôi sống” báo chí trước hết từ nguồn thông tin; đồng thời, hoạt động doanh nghiệp góp phần tạo nguồn tài chính cần thiết, không thể thiếu với báo chí trong các hoạt động hợp tác, tổ chức sự kiện, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ hoạt động xã hội vì cộng đồng…
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, đã và đang có hiện tượng vi phạm pháp luật, đạo đức của một số người làm báo và nhân danh báo chí khi làm việc với doanh nghiệp. Thay vì hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, vượt qua khó khăn, họ lại dùng báo chí gây sức ép với doanh nghiệp vì mục đích không trong sáng, vụ lợi. Tuy những hiện tượng này chỉ là cá biệt nhưng nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới vai trò, uy tín của báo chí, làm tổn thương lòng tự trọng của người làm báo chân chính…
Đạo đức báo chí luôn là cốt lõi của hoạt động báo chí, tính chính trực của nhà báo là vô cùng quan trọng bên cạnh bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghề nghiệp…
*Năm 2023 vẫn đang diễn ra với những khó khăn kéo dài từ biến động nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khủng hoảng địa chính trị, lạm phát… Trước những thách thức này, doanh nghiệp đang phải chịu nhiều áp lực nặng nề để duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm cho người lao động. Theo ông, Chính phủ và báo chí cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đặc biệt này?
Đối với doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh luôn liên quan mật thiết với cơ chế, chính sách. Báo chí cần tăng cường tính phản biện để từ đó các nhà hoạch định chính sách thấu cảm được khó khăn, bất cập, thách thức với doanh nghiệp hiện nay khi chúng ta vừa trải qua đại dịch Covid – 19, tiếp đến là sự biến động bất lợi trước tình hình chính trị thế giới, xung đột quân sự Nga- Ucraina làm cho thị trường thu hẹp, đứt gãy chuỗi cung ứng, đơn hàng giảm sút… Các nước thắt chặt tiền tệ, người tiêu dùng giảm chi tiêu, cầu giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp gặp thách thức gay gắt chưa từng có khi hàng hoá không xuất khẩu được kéo theo không có đơn hàng mới, người lao động có nguy cơ mất việc làm…
Đồng hành với doanh nghiệp, báo chí cần thông tin, phản biện chính sách kịp thời để từ đó Nhà nước có những cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: Giãn thuế, giảm lãi suất cho vay, giảm tiền thuê đất, được tiếp cận nguồn tài chính để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa doanh nghiệp sản xuất ra có hướng tiêu thụ, có chính sách kích cầu thị trường…
Nhà nước cũng cần có những chính sách mang tính đột phá giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn kéo dài như: Cơ cấu lại lao động, hỗ trợ đào tạo lại lao động, chăm lo người lao động để có thể cầm cự, ứng phó với thị trường trầm lắng. Tiếp tục dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tiếp cận công nghệ mới và chuyển đổi số thành công…
LAN TỎA TINH THẦN SẺ CHIA KHÓ KHĂN VỚI DOANH NGHIỆP
*Cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, Chính phủ thì doanh nghiệp cũng cần báo chí truyền thông lan tỏa tinh thần chia sẻ khó khăn từ xã hội, người lao động để doanh nghiệp phát huy được nội lực vượt khó, thưa ông?
Có thể nói, báo chí có vai trò quan trọng trong việc làm cho toàn xã hội thấu hiểu thời điểm khó khăn chung hiện nay của nền kinh tế đất nước, của doanh nghiệp để xã hội, người lao động đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Về phía doanh nghiệp, tuy gặp khó khăn nhưng cần hạn chế cắt giảm việc làm, đẩy người lao động ra đường, bởi mất việc làm không chỉ là khó khăn của người lao động mà còn là vấn đề xã hội. Doanh nghiệp cố gắng một cách nhanh nhất khôi phục lại sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập tối thiểu cần thiết nhất để người lao động ổn định cuộc sống.
Về phía người lao động, cần thấu cảm khó khăn của doanh nghiệp, từ đó có sự chia sẻ và hiểu rằng nếu phải chậm lương, giảm thu nhập, cắt thưởng theo thời điểm chỉ là biện pháp tình thế để duy trì sản xuất kinh doanh, cùng nhau vượt khó. Theo đó, người lao động không bỏ doanh nghiệp, doanh nghiệp không đẩy người lao động ra đường. Và lúc này, báo chí là kênh quan trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động, nếu coi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai sẽ đồng thuận theo tinh thần “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”, thể hiện tính nhân văn trong quan hệ sản xuất.
Báo chí hết sức tránh việc lợi dụng khó khăn để kích động người lao động chống lại người sử dụng lao động khiến khó khăn càng thêm khó khăn, mà cần đưa thông tin tích cực, mang tính xây dựng, đấu tranh phê phán những đối tượng lợi dụng khó khăn gây khó cho doanh nghiệp.
Báo chí đồng hành với doanh nghiệp cả khi thành công lẫn khi gặp khó khăn. Thành công thì khích lệ, gặp khó khăn thì sẻ chia và tiếp tục xây dựng niềm tin. Có thể phát huy vai trò “báo chí kiến tạo”, “báo chí giải pháp”, thay vì đưa thông tin một chiều, thiếu khách quan. Đôi khi giải pháp báo chí đưa ra là bài học cho doanh nghiệp gỡ khó…
* Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp còn phải đối mặt với những khủng hoảng truyền thông. Doanh nghiệp cần nhìn nhận và có những cách thức nào để phối hợp cùng báo chí, truyền thông xử lý những vấn đề liên quan, thưa ông?
Khủng hoảng truyền thông là điều không mong muốn nhất với doanh nghiệp, đôi khi chỉ xuất hiện từ dòng tin bất lợi có thể bùng phát và gây thiệt hại đến uy tín, danh dự và vật chất cho doanh nghiệp.
Báo chí thay vì gây khủng hoảng truyền thông thì cần đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ, hạ nhiệt những thông tin có thể trở thành khủng hoảng. Báo chí đưa thông tin xác thực với tình hình thực tế, mang tinh thần xây dựng, bình luận khách quan theo diễn biến sự việc, chứ không phải lạnh lùng chỉ đưa những thông tin một chiều bất lợi. Xử lý khủng hoảng truyền thông luôn cần sự hợp tác chân thành giữa báo chí và doanh nghiệp.
Hết sức tránh đưa những thông tin không chính xác, suy diễn về sự việc đang xảy ra. Trong đó, báo chí tránh che giấu sự thật, nói ngược lại bản chất sự thật còn doanh nghiệp tránh che giấu đưa thông tin. Đối diện sự việc xảy ra với tinh thần khách quan, minh bạch, công tâm, cùng nhìn thẳng vào vấn đề ở cả hai phía thì thông tin sẽ thông tỏ.
THAY ĐỔI NHẬN THỨC NHÀ SẢN XUẤT VÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG VỀ XANH HÓA DỆT MAY
*Dệt may và thời trang Việt Nam đã bước ra toàn cầu với uy tín ngày càng được khẳng định. Đây cũng là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của đất nước. Để truyền thông hình ảnh thời trang Việt Nam một cách hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam, báo chí truyền thông nên “đặt ngòi bút” theo hướng nào, thưa ông?
Dệt may là ngành sản xuất quan trọng, doanh nghiệp dệt may tạo việc làm lớn cho xã hội, đem lại giá trị vật chất đáng kể đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Dệt may Việt Nam đang có những thuận lợi trên trường quốc tế với uy tín ngày càng cao, người Việt Nam khéo tay, chăm chỉ, phù hợp với tính chất lao động của ngành, trên 70% lao động trong ngành là lao động trẻ, cho thấy nhiều tiềm năng để đổi mới, sáng tạo và bắt nhịp với những yêu cầu mới của thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chúng ta gặp khó khăn vì chưa tạo được nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt mà chủ yếu là làm gia công cho các thương hiệu lớn trên thế giới.
Xây thương hiệu Việt có chỗ đứng trên toàn cầu trở thành vấn đề cốt lõi, sống còn trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta có thể hợp tác với các đối tác uy tín của nước ngoài để thiết kế, sản xuất sản phẩm. Tinh hoa của thế giới nhưng tinh thần Việt Nam. Điều này nên áp dụng trong ngành dệt may.
Thời trang luôn gắn với văn hóa, bản sắc dân tộc. Chúng ta có những nhà thiết kế uy tín, mang tầm ảnh hưởng lớn, có những bộ sưu tập mang bản sắc dân tộc tạo tiếng vang trên thị trường thời trang thế giới, ghi dấu ấn mạnh với tiềm năng sáng tạo dồi dào. Nhưng làm sao để từ hiện tượng đơn lẻ thành hiện tượng mạnh có tính xu hướng, để nói đến dệt may là nghĩ đến Việt Nam. Theo tôi, tinh thần Việt là ở chỗ đó.
Và những xu hướng này luôn gắn với báo chí truyền thông, tinh thần Việt cần được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, không chỉ ngành dệt may nỗ lực mà cả xã hội cùng tham gia vào quá trình gây dựng, tạo nguồn lực khích lệ đột phá và ưu tiên sử dụng thương hiệu Việt.
*Ngành dệt may, trong đó Tập đoàn Dệt May Việt Nam đang chủ động đón bắt và triển khai yêu cầu xanh hóa, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường trong sản xuất dệt may, thời trang. Để truyền thông lan tỏa tinh thần này rất cần vai trò của báo chí, thưa ông?
Xanh hóa trở thành tiêu chí của sản xuất kinh doanh nói chung hiện nay, trong đó ngành thời trang là một trong những ngành xanh hóa trực tiếp từ khâu sử dụng nguyên vật liệu đến tiêu thụ sản phẩm. Xanh hóa, phát triển vững cùng lợi thế về nhân công, công nghệ thì doanh nghiệp mới có thể xuất khẩu sản phẩm đi các nước trên thế giới. Xanh hóa, bền vững là chủ trương lớn của Việt Nam, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết tại Hội nghị COP26 về trung hòa phát thải (net zero) vào năm 2050.
Được biết, ngành dệt may mà Tập đoàn Dệt May Việt Nam đóng vai trò hạt nhân đã sớm đón bắt những yêu cầu khắt khe của thế giới về sản xuất xanh để cải thiện, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh. Đó là chuyển động có tính toàn diện từ khâu sản xuất đến tiêu dùng gắn với bảo vệ môi trường, điều không thể khác được khi xanh hóa trở thành tiêu chí của văn hóa sản xuất, văn hóa kinh doanh, văn hóa tiêu dùng trước yêu cầu bảo vệ hành tinh xanh.
Báo chí truyền thông cần lan tỏa tinh thần này, góp phần thay đổi nhận thức nhà sản xuất và người tiêu dùng, tạo thói quen, cảm hứng tiêu dùng mới theo hướng bảo vệ môi trường sống.
Xã hội hiện đánh giá cao sự nỗ lực vượt bậc và sự kiên trì, kiên tâm bền gan vững chí của những người hoạt động trong ngành dệt may. Hy vọng, ngành và Tập đoàn Dệt May Việt Nam sẽ vững tâm tìm ra cách thức, lối đi trong thời điểm khó khăn gay gắt kéo dài hiện nay. Trong đó, vai trò trụ cột của Tập đoàn Dệt May Việt rất quan trọng để thông qua sản phẩm hàng dệt may thời trang ra nước ngoài góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế, để thế giới biết đến Việt Nam thông qua những sản phẩm cụ thể do Việt Nam sản xuất.
Gần đây, tôi thấy công tác truyền thông dệt may có bước chuyển tích cực. Qua truyền thông thấy rõ cơ hội, thách thức, thành tựu của ngành với cách thức truyền thông phù hợp, hiệu quả đến nhân dân, người tiêu dùng và người lao động. Khi làm tốt công tác truyền thông báo chí là chúng ta cũng đang góp phần tháo gỡ khó khăn, bồi đắp sức mạnh cho doanh nghiệp và niềm tin cho xã hội.
*Xin trân trọng cảm ơn Ông!
Bài: Kiều Giang (thực hiện)