Vinatex kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam


Ngày 22/3, tại Nhà truyền thống Dệt May (Nam Định), ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex cùng lãnh đạo Cơ quan điều hành, lãnh đạo một số đơn vị thành viên tại khu vực Nam Định đã dâng hương Tổ nghề, kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam (25/3) và 125 năm ngày Liên hiệp Dệt Nam Định chính thức hoạt động theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương.

Lãnh đạo Vinatex dâng hương Tổ nghề tại Nhà truyền thống Dệt May

Thành lập năm 1898, khi ấy, Nhà máy Dệt Nam Định là nhà máy lớn nhất Đông Dương, là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa của toàn quyền Đông Dương. Một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước, với 6 lò hơi được đặt ngay tại Thành phố. Năm 1900, một số tư bản Pháp trong công ty bông vải sợi Bắc Kỳ cùng với thương nhân Trung Quốc cùng kinh doanh lĩnh vực dệt vải. Sau 1954, nhà máy được chính quyền của ta tiếp quản từ tay tư bản Pháp và đổi tên thành Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định. Cũng tại Nhà máy Dệt Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 3 lần về thăm và nói chuyện với các cán bộ, công nhân ở đây…

Nhà máy Dệt Nam Định được Bác Hồ đến thăm nhiều lần. Ảnh tư liệu

Hiện nay, những hiện vật, tư liệu quý về truyền thống chiến đấu, lao động sản xuất của cán bộ, công nhân ngành dệt may đang được lưu giữ tại Nhà truyền thống Dệt May, được xây dựng trên địa điểm của Nhà máy Dệt Nam Định trước đây.

Ghi lại lưu bút tại Nhà truyền thống Dệt May, Chủ tịch Lê Tiến Trường nêu rõ: Kỷ niệm ngày truyền thống ngành Dệt May và 125 năm Liên hiệp Dệt Nam Định chính thức đi vào hoạt động theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1898), cán bộ quản lý và người lao động ngành Dệt May Việt Nam nguyện vững bước truyền thống của ngành, vượt mọi khó khăn, thách thức hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, chăm lo cho người lao động và phục vụ an sinh xã hội.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex ghi lại lưu bút tại Nhà truyền thống

Nhân dịp này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong ngành và hệ thống Vinatex đã đến dâng hương Tổ nghề và tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống Dệt May. Đây là hoạt động thiết thực nhằm khơi gợi truyền thống, tinh thần cách mạng, khí thế lao động sáng tạo, kiên định ứng phó với khó khăn của lãnh đạo cùng toàn thể CBNV và NLĐ trong bối cảnh ngành Dệt May Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến động của nền kinh tế toàn cầu.

PV

 

 

 

 

 


Các tin khác