Hội thảo trực tuyến về quan điểm chung khi đầu tư nhà máy sản xuất sợi


Chiều 16/8/2021, Ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đã chủ trì buổi hội thảo trực tuyến về “Quan điểm chung khi đầu tư nhà máy sản xuất sợi”. Tham gia buổi hội thảo có các Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, Trưởng các Ban chức năng và Lãnh đạo các đơn vị thành viên sản xuất sợi.

Đại biểu tham gia hội thảo trực tuyến.

Mở đầu cuộc hội thảo, Ông Lê Tiến Trường cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 10 triệu cọc sợi, theo các dự báo quốc tế về dòng vốn đầu tư vào ngành sợi của cả trong và ngoài nước thì năm 2025 lên đến 15 triệu cọc và năm 2030 lên đến 25 triệu cọc sợi. Việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi đón đầu xu hướng tăng trưởng của ngành là việc nên làm và phải làm vì trong gần 1 triệu cọc sợi của các DN thuộc tập đoàn có đến 35% trên 10 năm sử dụng. Vấn đề đặt ra là nếu đầu tư nhà máy sản xuất sợi thì cần phải quan tâm đến những yếu tố nào, định hướng ra sao?

Từ thực tế đầu tư xây dựng, quản lý điều hành các nhà máy sợi cũng như cập nhật các xu hướng hiện tại của máy móc công nghệ, thị trường, hành vi tiêu dùng, lãnh đạo các doanh nghiệp sợi đã đưa ra một số quan điểm thiết thực khi đầu tư và vận hành nhà máy sản xuất sợi.

Sau khi nghe ý kiến các Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, Trưởng các Ban chức năng và Lãnh đạo các đơn vị thành viên, ông Lê Tiến Trường đã tổng kết và thống nhất các quan điểm lớn khi đầu tư sợi như sau:

Thứ nhất, điều kiện tiên quyết để tiến hành đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất sợi là đơn vị cần làm tốt công tác nghiên cứu thị trường với mục tiêu định hướng dài hạn vào các chuỗi cung ứng nhằm tạo ra sự ổn định cho sản phẩm đầu ra.

Thứ hai, đơn vị cần lựa chọn thiết bị, công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, tối thiểu số hoá lao động trên số cọc sợi.

Thứ ba, đơn vị nên cân nhắc, lựa chọn các thiết bị có tính ổn định cao, tiết kiệm năng lượng, tiếng ồn và phát thải nhiệt thấp trong quá trình vận hành sản xuất.

Thứ tư, khi đầu tư xây dựng nhà máy sợi cần ưu tiên có thiết kế sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…, đồng thời quan tâm đến khả năng sử dụng các nguyên liệu tái chế vào sản xuất như xơ recycle, bông tái sử dụng. Đây là một xu hướng tiêu dùng mới trên thế giới nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

Thứ năm, để chuẩn bị tốt cho nhà máy đi vào hoạt động, đơn vị cần có phương án chuẩn bị nhân sự chủ chốt trước một năm, tuyển dụng đào tạo công nhân trước 4 tháng.

 Cuối cùng, đơn vị cần căn cứ vào định hướng sản phẩm và thị trường mục tiêu mà xây dựng quy mô nhà máy. Tuy nhiên, đơn vị nên tính toán, quy hoạch khu sản xuất sợi có thể có nhiều đơn nguyên với quy mô trên 10 vạn cọc để tiết kiệm kho bãi, hạ tầng, phòng thí nghiệm, bảo trì…. Từ đó, đơn vị có thể hình thành khu sản xuất đa dạng hóa mặt hàng sợi, thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Phương Thanh

 


Các tin khác