Ngành Dệt May Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19


Ấn Độ cũng giống như phần còn lại của thế giới, tiếp tục bị nhấn chìm trong cuộc khủng hoảng Covid-19 với tốc độ và quy mô không giảm. Làn sóng thứ hai của đại dịch tại quốc gia này được nhận định có mức lây lan gấp 4 lần so với làn sóng thứ nhất và biến chủng mang tên B.1.617 này đã lây lan ra 44 quốc gia trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi chủng này là “một biến chủng đáng lo ngại” với toàn thế giới.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngày 13/5/2021, Ấn Độ ghi nhận 23,3 triệu người nhiễm Covid-19, đỉnh điểm có những ngày số ca nhiễm mới lên đến trên 400.000 người. Các bệnh viện và trung tâm y tế trên khắp Ấn Độ đang phải vật lộn để đối phó với số lượng ca mắc mới quá lớn và cần thêm nguồn cung cấp oxy, bộ xét nghiệm nhanh và những trang thiết bị chăm sóc sức khỏe. Sự bùng phát dịch bệnh có nguy cơ làm trật bánh thương mại trong nhiều tháng và nhiều năm tới, cũng như gây nguy hiểm cho việc làm của hàng triệu người. Là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, lĩnh vực sản xuất quần áo và dệt may của Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với sự gián đoạn mới.

Bối cảnh chung của ngành

Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, ngành Dệt May Ấn Độ đã gặp khó khăn với các vấn đề như thiếu nâng cấp công nghệ, cơ sở hạ tầng kém hiệu quả, cơ cấu ngành phân tán, nhu cầu thấp tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và EU do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự cạnh tranh gia tăng từ các nước như như Việt Nam, Bangladesh, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ trong các lĩnh vực như hàng may mặc, vải bông và thảm. Tất cả những yếu tố này tạo ra một nền tảng yếu kém cho lĩnh vực Dệt May của Ấn Độ và sẽ càng làm phức tạp thêm tác động tổng thể đối với lĩnh vực này trong quá trình ngành vượt qua cơn bão Covid-19.

Tính đến năm 2018 – 2019, ngành công nghiệp sử dụng trên 105 triệu người cả trực tiếp và gián tiếp, đóng góp khoảng 12% –13% vào tổng sản lượng công nghiệp, 12% vào tổng xuất khẩu và 2% –2,5% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước. Trong thực tế, ngành này tạo ra việc làm quan trọng thứ hai sau nông nghiệp.

Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu Dệt May Ấn Độ sang Mỹ đạt 2,25 tỷ USD, tăng 4,73% trong quý I/2021 so với cùng kỳ. Tuy nhiên bắt đầu từ tháng 4/2021, nước này đang phải chịu tác động nặng nề do làn sóng Covid-19 mới siêu lây nhiễm đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất may mặc, khiến nhiều nhà máy bị đóng cửa và đơn hàng bị giao trễ nhiều so với quy định. Hiện tại theo ước tính của Ủy ban xuất khẩu Dệt Ấn Độ, xuất khẩu dệt may trong năm tài khóa 2020/2021 này sẽ suy giảm 13% so với năm tài khóa trước đó.

Thách thức của ngành trước bối cảnh đại dịch

Từ những thực tế nêu trên, điều quan trọng là phải nhận thức được một số vấn đề và thách thức trước sự bùng phát của Covid-19. Nói một cách ngắn gọn, những vấn đề và thách thức này có thể bao gồm từ nhu cầu tiêu dùng thấp do mất việc làm và giảm lương của người mua, người lao động và người tiêu dùng bị nhiễm bệnh, và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Có lẽ một trong những tác động tức thời quan trọng nhất của Covid-19 đối với ngành Dệt May Ấn Độ là doanh số bán hàng sụt giảm do các cửa hàng bắt buộc phải đóng cửa trên diện rộng. Với việc người bán và khách hàng tiềm năng phải tuân theo các chuẩn mực giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã tác động đến doanh số bán hàng dệt may nói chung. Các lập luận đang được đưa ra về hiệu quả của bán lẻ trực tuyến, tuy nhiên trong những cuộc khủng hoảng như thế này, việc hàng hóa và dịch vụ “không thiết yếu” không được giao dịch thông qua bán lẻ trực tuyến. Lựa chọn giao dịch trực tuyến dường như không phải là một giải pháp thay thế khả thi có thể cứu ngành khỏi cuộc khủng hoảng doanh số sụt giảm.

Một hậu quả khác đối với ngành Dệt May trong nước là giảm các giao dịch thương mại (xuất khẩu và nhập khẩu) với phần còn lại của thế giới. Với nhu cầu toàn cầu thấp, hầu hết các thương hiệu hàng dệt may đang chứng kiến ​​lượng hàng tồn kho tăng đột biến, khối lượng và giá trị thương mại thấp. Mặc dù nguồn cung đầu vào từ Trung Quốc có thể cải thiện trong trung hạn, các điểm đến xuất khẩu chính của Ấn Độ như Mỹ và EU cũng đang chìm trong khủng hoảng. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến nhu cầu đặt hàng dệt may của họ, đặc biệt là từ các nhà xuất khẩu lớn trên toàn cầu như Ấn Độ.

Trong bối cảnh sản xuất và doanh số toàn cầu giảm, điều kiện việc làm và tiền lương của NLĐ ngành Dệt May Ấn Độ có chiều hướng tiêu cực rõ ràng là điều hiển nhiên. Đóng cửa nhà máy và không trả lương có lẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với đời sống kinh tế xã hội của người lao động ngành Dệt May.

Về các yếu tố bên cung như sản xuất, việc làm, chuỗi cung ứng và giá nhập khẩu nguyên liệu thô có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Dệt May của Ấn Độ. Cùng với các yếu tố bên cầu như khoảng cách xã hội, hành vi/nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu, Covid-19 đang tác động đến ngành Dệt May theo nhiều hướng thông qua mối liên kết giữa các yếu tố này. Do đó, trong khi khoảng cách xã hội được coi là một yếu tố “bên cầu”, nó có tác động trở lại “bên cung” về ảnh hưởng của nó đối với sản xuất (công nhân nhà máy ở nhà, do đó, hoạt động sản xuất bị đình trệ), việc làm (nhân viên bị sa thải hoặc yêu cầu ở nhà do các yêu cầu về giãn cách xã hội), chuỗi cung ứng (gián đoạn trong chuỗi cung ứng) và giá nhập khẩu nguyên liệu thô (đóng cửa nhà máy gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất ở các nước nguồn, do đó làm tăng giá nguyên liệu cho các nước nhập khẩu).

Cuộc đấu tranh với đại dịch của công nhân may mặc

Cũng giống như nhiều nơi trên khắp Châu Á, công nhân làm việc trong các xưởng may của Ấn Độ – phần lớn là phụ nữ, thường được trả lương thấp, khiến người lao động không có nhiều an toàn về tài chính. Họ hầu như không thể chịu được bất kỳ một gián đoạn nào đối với thu nhập của họ, bởi đây là nguồn thu duy nhất giúp họ nuôi sống bản thân và gia đình. Do đó, khi đại dịch xảy ra, nhiều người đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề, đối mặt với nạn đói và nợ nần để tồn tại, trong bối cảnh các nhà máy cắt giảm việc làm và giờ làm việc để duy trì hoạt động kinh doanh, bởi nguồn thu chính của họ – các công ty phương Tây, đều đang giảm đơn đặt hàng do nhu cầu về quần áo tại các quốc gia này suy yếu.

Trong khi các đơn hàng may mặc bắt đầu có dấu hiệu tăng lên kể từ sau đợt dịch thứ nhất, thì lệnh phong tỏa của Ấn Độ do làn sóng lây lan mới gây ra đang làm dấy lên lo ngại về việc các nhà máy sẽ giảm việc làm và không còn cơ hội kinh doanh khi các khách hàng từ Mỹ và Châu Âu chuyển hướng đặt hàng sang quốc gia khác. Không rõ liệu chính phủ có cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào hay không, tuy nhiên viện trợ không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Một cuộc khảo sát vào năm 2020 đối với các công nhân may mặc ở Karnataka – bang miền Nam Ấn Độ cho thấy, hầu hết người lao động không nhận được sự hỗ trợ từ người sử dụng lao động hoặc chính quyền địa phương.  Sanjay Arora – Giám đốc kinh doanh của Công ty Tư vấn Wazir Advisors chia sẻ: “Đã có nhiều lao động nghỉ việc, sản xuất giảm và nhu cầu giảm. Các nhà máy kéo sợi đang hoạt động với công suất giảm, vì 15% đến 20% lực lượng lao động của họ đang bị nhiễm Covid-19”.

Sự gia tăng của các ca lây nhiễm dự kiến sẽ cản trở khả năng của các nhà sản xuất trong việc hoàn thành các hợp đồng đã ký kết. Sanjay Arora nói: “Chúng tôi có nhiều đơn hàng xuất khẩu, nhưng vì đại dịch, công nhân nhập cư đang rời bỏ các cụm khu công nghiệp may mặc, đặc biệt là ở Maharashtra, Delhi, Bangalore”.

Việc sản xuất quần áo bị hạn chế do gián đoạn lao động, nhu cầu về sợi polyester cũng giảm, gây ra vấn đề cho các nhà máy kéo sợi. Các nhà máy này có đơn hàng xuất khẩu không bị ảnh hưởng, nhưng việc phân phối lại là vấn đề đau đầu vì đại dịch đã làm gián đoạn hoạt động của các hãng vận tải và container. Ngoài ra, các công ty đang dựa vào nhu cầu trong nước và không tập trung vào việc lập kế hoạch dự phòng cho việc vận chuyển. Ông Sanjay Arora cảnh báo, những vấn đề mới đang nảy sinh có thể làm đảo lộn sự phục hồi tài chính của các công ty Dệt May Ấn Độ từ tháng 10 năm nay cho đến tháng 2 năm sau.

Kandasamy Selvaraju – Tổng thư ký Hiệp hội các nhà máy miền Nam Ấn Độ nói rằng, ông rất vui vì ít nhất chính phủ cũng đang cho phép ngành Dệt May tiếp tục hoạt động. Ông lập luận rằng, một số “công nhân sẽ an toàn khi ở trong các nhà máy hơn là ở nhà của họ”, với mật độ dân cư lớn ở nhiều thành phố như của Ấn Độ. Ông không hi vọng chính phủ sẽ giải cứu ngành bằng các khoản trợ cấp lớn bổ sung. “Năm ngoái, chính phủ đã phải chi 21 lakhcrore rupee (21 nghìn tỷ INR – 282 tỷ USD) cho quỹ cứu trợ, và bạn không thể mong đợi chính phủ lại đưa ra các biện pháp cứu trợ vì chúng tôi không có kinh phí”.
Selvaraju nhấn mạnh rằng, làn sóng Covid-19 mới đang ngăn cản các cuộc gặp mặt trực tiếp quan trọng: “Mọi thứ không thể được thực hiện trực tuyến. Trong ngành Dệt May, mọi người phải tận mắt xem các thiết kế vải”.

Ujwal Lahoti – Chủ sở hữu của Lahoti Overseas có trụ sở tại Mumbai, chuyên cung cấp sợi, vải và bông thô cho các nhà xuất khẩu hàng may mặc Ấn Độ và khách hàng nước ngoài ở Trung Quốc, Bangladesh, Việt Nam, Mỹ Latinh và Châu Âu, đồng ý rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay đặt ra những thách thức lớn về mặt hậu cần.

Để duy trì sức lao động của họ, công nhân thường phải ở trong nhà máy để ngăn ngừa sự lây nhiễm từ bên ngoài, vì vậy họ phải được cho ăn và ở tại chỗ. Mọi công nhân phải thường xuyên được kiểm tra Covid-19. Ông nói: “Để thu xếp cho tất cả những lao động này trong nhà là một nhiệm vụ thực sự lớn. Các nhà máy đang hoạt động với hiệu suất trung bình là 50%”.

Mỗi nhà máy có một số công nhân ở trong khuôn viên nhà máy, với các công ty cần có thẻ đi lại đặc biệt để lao động bên ngoài được đưa vào bên trong nhà máy của họ. Lahoti nói rằng, sự gián đoạn như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và giao hàng. “Sẽ có lỗ”, mặc dù các khách hàng của ngành Dệt May vẫn được thông báo rằng “Tất cả các lô hàng bị trì hoãn đang được khách hàng chấp nhận và họ không thể hủy bỏ”. Ông Lahoti chia sẻ thêm: “Các hãng tàu đã tăng phí vận chuyển và số lượng tàu giảm. Nguồn cung cấp container cũng rất kém. Đó cũng là thách thức rất lớn đối với các nhà xuất khẩu”.

Các quy định “đóng cửa” khác nhau

Có một vấn đề là mỗi bang của Ấn Độ lại đưa ra các quy định “đóng cửa” khác nhau. Chandrima Chatterjee – Giám đốc về tư vấn quản trị tại Hội đồng xúc tiến xuất khẩu hàng may mặc cho biết, hầu hết các nhà máy trong cụm sản xuất quần áo và dệt may “đã có thể tiếp tục sản xuất”. Bà nói rằng, xuất khẩu từ các bang quan trọng như Tamil Nadu, Maharashtra và Rajasthan dự kiến sẽ tiếp tục sản xuất. Bà chia sẻ: “Đây không phải là kịch bản của năm ngoái”, khi thương mại xuất khẩu bị ngừng trệ.

Trong khi thủ đô Delhi bị đóng cửa cho đến ngày 3/5, các cơ sở sản xuất hàng may mặc ở bang Karnataka của Ấn Độ đã được phép hoạt động với 50% lực lượng lao động của họ trong thời gian bị đóng cửa hai tuần vừa qua.

Ấn Độ đã đóng cửa vào ngày Thứ Ba (27/4) với lệnh chính thức, khẳng định tất cả các chức năng, xã hội, chính trị, thể thao, giải trí, học thuật, văn hóa, tôn giáo và các cuộc tụ họp, các hội thánh khác đều bị cấm và các địa điểm tôn giáo sẽ vẫn đóng cửa cho đến ngày 12/5.

Theo báo cáo của địa phương, tất cả các ngành, cơ sở công nghiệp và đơn vị sản xuất liên quan đến sản xuất hàng may mặc đều được phép hoạt động với điều kiện tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Trong một tuyên bố được đăng trên trang LinkedIn của AEPC vào ngày 28/4, Chủ tịch Hội đồng xúc tiến xuất khẩu hàng may mặc (AEPC) A Sakthivel đã cảm ơn Bộ trưởng Dệt May Smriti Zubin Irani và Yediyurappa đã cho phép các đơn vị sản xuất hàng may mặc hoạt động theo nhu cầu. “Các đơn vị xuất khẩu hàng may mặc sử dụng nhiều lao động và phần lớn là người nhập cư từ các bang khác. Việc đóng cửa các nhà máy sẽ gây khó khăn cho việc kêu gọi NLĐ khi mở cửa trở lại. Đồng thời, việc đóng cửa nhà máy có thể dẫn đến việc không giao được đơn hàng xuất khẩu cho người mua nước ngoài, gây mất uy tín và giảm đáng kể thu nhập từ xuất khẩu”. Ông cũng lưu ý: “Hầu hết các đơn vị sản xuất hàng may mặc cũng đang sản xuất hàng dệt y tế, bộ dụng cụ PPE và khẩu trang cho cả thị trường trong nước và quốc tế”.

Theo cơ quan xếp hạng tín dụng ICRA, một bộ phận của Moody’s Investors Services, lĩnh vực may mặc của Ấn Độ có thể sẽ không phục hồi hoàn toàn về mức trước Covid-19 cho đến năm 2023.

Nguồn:

https://www.just-style.com/analysis/india-garment-makers-hit-hard-by-second-covid-wave_id141301.aspx

https://qz.com/2002075/indian-garment-workers-are-caught-between-covid-19-and-lost-wages/

https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/0972262920984589

Bài: Huyền Trân (tổng hợp và biên dịch)


Các tin khác