Cập nhật bức tranh nhập khẩu may mặc Mỹ 2020
Những số liệu thống kê mới nhất từ Otexa cho thấy, đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục có những ảnh hưởng tiêu cực đối với nhập khẩu may mặc Mỹ vào tháng 6/2020, tuy nhiên đã có những chỉ dấu về sự phục hồi tại thị trường này.
Mặc dù kim ngạch nhập khẩu may mặc thị trường Mỹ giảm 42,8% trong tháng 6/2020 so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên mức độ suy giảm đã chậm lại (chỉ 1 tháng trước đó, con số này lên tới 60%). Nếu tính chung 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu riêng hàng may mặc tại Mỹ giảm 30,4% so với cùng kỳ 2019 và đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tài cầu năm 2008-2009 (mức giảm 11,8%).
Những số liệu thống kê mới nhất của OTEXA cho thấy, các công ty thời trang Mỹ tiếp tục chọn Trung Quốc là quốc gia cung ứng các mặt hàng may mặc thiết yếu, mặc dù có nhiều “biến cố” xảy ra như dịch bệnh Covid-19, sự kiện chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ trước đó, hay chiến lược đa dạng hóa nguồn cung của các doanh nghiệp nhập khẩu.
Là quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng bởi Covid-19, xuất khẩu may mặc Trung Quốc đã giảm tới 49% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 2/2020, thị phần của Trung Quốc lần đầu tiên giảm xuống chỉ còn 11%. Trong 2 tháng 3 và tháng 4/2020, nhập khẩu hàng may mặc Mỹ từ Việt Nam còn nhiều hơn là từ Trung Quốc. Đến gần đây, đồ thị xuất khẩu may mặc của Trung Quốc tới Mỹ mới chứng kiến mức hồi phục theo hình chữ V. Đặc biệt, tại thời điểm tháng 6/2020, Trung Quốc nhanh chóng lấy lại vị trí là quốc gia cung cấp hàng may mặc hàng đầu sang Mỹ, với 29,1% thị phần tính theo kim ngạch và 43,4% thị phần tính theo khối lượng.
Hơn thế nữa, đơn giá nhập khẩu may mặc của Mỹ từ Trung Quốc cũng rất cạnh tranh, giảm từ mức trung bình 2,27 USD/m2 quy đổi năm 2019 xuống còn 1,88 USD/m2 quy đổi trong 6 tháng đầu năm 2020, tính chung đã giảm 16% (so sánh với mức giảm đơn giá trung bình nhập khẩu thế giới chỉ 4,6%). Tính tới tháng 6/2020, đơn giá nhập khẩu trung bình từ Trung Quốc chỉ bằng 65% đơn giá nhập khẩu trung bình thế giới. Nói cách khác, đơn giá từ Trung Quốc thấp hơn khoảng 25-35% so với đơn giá nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á.
Sau Trung Quốc, Mexico chứng kiến mức suy giảm về đơn giá mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2020, giảm tới 16%, trong khi đơn giá nhập khẩu từ Pakistan cũng giảm 10%. Đơn giá nhập khẩu từ Bangladesh, Ấn Độ cũng giảm lần lượt 2,5% và 0,85%. Trong khi đó, đơn giá nhập khẩu từ Campuchia tăng lên 5%, từ Indonesia tăng 4%, từ Việt Nam tăng 2% trong 6 tháng 2020 so với cùng kỳ 2019.
Tính theo châu lục, Châu Á vẫn là khu vực cung ứng hàng may mặc lớn nhất đối với thị trường Mỹ. Ngoài Trung Quốc thì Việt Nam, Bangladesh và Campuchia đều tăng thị phần trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy các thương hiệu thời trang Mỹ và nhà bán lẻ đang chuyển hướng tìm nguồn hàng sang các quốc gia phía Tây bán cầu bởi đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại.
Trong 6 tháng 2020, nhập khẩu may mặc Mỹ từ các quốc gia thuộc khối CAFTA-DR (gồm các nước Guatemala, El Salvador, Honduras, Costa Rica and Nicaragua) chỉ chiếm 8,9% thị phần, bị giảm từ mức 10,3% năm 2019, và từ các quốc gia NAFTA (gồm 3 nước Canada, Mỹ và Mexico) là 4,2%, bị giảm từ mức 4,5% năm 2019. Nhìn chung, các công ty thời trang Mỹ tìm kiếm nguồn hàng từ Châu Á và các nước Tây bán cầu với các mục đích/động lực khác nhau. Với các mặt hàng cần đẩy giá thấp hay các mặt hàng đòi hỏi gia công phức tạp, nhiều doanh nghiệp Mỹ chọn đặt nguồn hàng từ Châu Á. Trong khi đó, với các mặt hàng cần phản ứng nhanh với thị trường hay mặt hàng thuộc nhóm cần bổ sung thường xuyên, các doanh nghiệp Mỹ sẽ tìm đến các quốc gia thuộc Tây bán cầu. Cần chú ý, Hiệp định Thương mại USMCA có hiệu lực vào ngày 01/7/2020 vừa qua sẽ tạo một môi trường thương mại ổn định hơn giữa Mỹ và Mexico, từ đó có thể khuyến khích các doanh nghiệp may mặc Mỹ tăng cường nhập khẩu thêm từ Mexico trong thời gian tới (đặt giả thiết là các công ty may mặc dần hồi phục sản xuất và không phải tạm thời đóng cửa trong thời gian tới).
Bài: Hồng Hạnh
(Theo Dr Shenglu và Just Style