Khai mạc Triển lãm Quốc tế SAIGON TEX & SAIGON FABRIC 2019


Sáng 10/04/2019, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Q.7, TP. HCM đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Dệt – May, thiết bị và nguyên phụ liệu 2019 (SAIGON TEX & SAIGON FABRIC 2019). Triển lãm do Công ty Triển lãm CP (Hồng Kông), Công ty TNHH Triển lãm CP Việt Nam, Công ty TNHH Dịch vụ Triển lãm VCCI và Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM . Đây là sự kiện thường niên được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ nhiều DN trong nước và quốc tế đến từ các quốc gia và lãnh thổ có nền công nghiệp dệt may phát triển.

Tới dự buổi Lễ khai mạc có Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI; Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương); Ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐTV TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS; Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Vinatex… cùng đại diện các Hiệp hội, tổ chức quốc tế và đông đảo cơ quan thông tấn báo chí tới tham dự và đưa tin.


Các đại biểu cắt băng khai mạc

Ông Lê Tiến Trường – TGĐ Vinatex phát biểu tại buổi Lễ khai mạc

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Lê Tiến Trường – TGĐ Vinatex cho biết trong thời gian gần đây tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, do đó các DN dệt may cần chủ động xây dựng “bộ công cụ cạnh tranh” mới trong tiến trình hội nhập như: đổi mới công nghệ, xanh hóa dệt may, trí tuệ nhân tạo (AI)… Triển lãm Quốc tế Ngành công nghiệp Dệt May – Thiết bị và Nguyên phụ liệu SAIGON TEX & SAIGON FARBIC 2019 chính là một cơ hội tốt để các DN tích lũy cho mình “bộ công cụ cạnh tranh” mới. Với quy mô hơn 35.000 m2, bao gồm 10 hội trường triển lãm, SAIGON TEX & SAIGON FARBIC 2019 thu hút 1.050 nhà cung ứng đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ tiên tiến bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bỉ, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Hà Lan, Vương quốc Anh, Pháp, Đức… Do đó, SAIGON TEX & SAIGON FARBIC 2019 sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các DN sản xuất trong Ngành DMVN. Bên cạnh đó, tại Triển lãm lần này sẽ diễn ra nhiều hội thảo trong 4 ngày từ 10/4-13/4, với những chia sẻ thú vị, bổ ích dến từ các chuyên gia trong nước và quốc tế về những thách thức thay đổi của ngành, xu hướng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng trong ngành Dệt May.” Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Ông Vũ Đức Giang cho biết, tới triểm lãm lần này chúng tôi mong muốn giới thiệu về chương trình xanh hóa ngành Dệt May do VITAS nghiên cứu trong thời gian qua. Đây là chương trình giúp tạo ra nền tảng cho ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam phát triển bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường và lợi ích của người lao động.

Trưng bày tại triển lãm có các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao và đa dạng nguyên phụ liệu cho ngành sợi, dệt, nhuộm và may. Đặc biệt, nhiều sản phầm vải và nguyên phụ liệu mới như sợi spandex đến từ thương hiệu Creora – Spandex Highclo cũng có mặt tại triển lãm. Sợi spandex với khả năng chống clo, chống mùi, nhiệt độ setting thấp, giúp tiết kiệm năng lượng và cho vải cảm giác mềm mại… Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày nhiều mẫu máy may công nghiệp chất lượng cao, có hệ thống công nghệ tự động hóa, cung cấp các giải pháp cho công nghệ may mặc theo công nghiệp 4.0. Thông qua đó, đẩy mạnh giao thương với các DN nước ngoài, giúp DN trong nước tiếp cận công nghệ sản xuất mới nhất để đầu tư trực tiếp vào nguyên liệu thô, đáp ứng nhu cầu của người mua trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Ông Andrew Kay – TGĐ Công ty Triển lãm CP Hồng Kông cho biết: “SAIGON TEX & SAIGON FABRIC 2019 sẽ là cơ hội tốt giúp các DN dệt may Việt Nam đổi mới máy móc thiết bị, tiếp cận công nghệ tiên tiến, đặc biệt tìm kiếm đối tác làm ăn lâu dài, tạo cơ hội giao thương với các nước trên thế giới, Đây là dịp giúp cho các DN có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất mới nhất, làm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, góp phần đưa ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam hội nhập sâu vào thị trường quốc tế.”

Trong khuôn khổ triển lãm sẽ diễn ra các buổi hội thảo do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hội Dệt may Thêu – Đan TP. HCM, Vinatex, Hiệp hội Bông Mỹ… tổ chức, với các diễn giả giàu kinh nghiệm, tập trung vào các chủ để: “Xu hướng thay đổi và thách thức đối với ngành Dệt May Việt Nam”; “Thông tin – Công cụ quan trọng cho việc xây dựng chiến lược kinh doanh của DN trong thời đại công nghiệp 4.0”; “Tối ưu hóa năng suất kéo sợi với Bông Mỹ và các công nghệ kéo sợi mới”; “Cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng trong DN”; “Quản lý chất lượng 4.0 – công cụ cần thiết giúp DN vượt rào cản kỹ thuật thương mại (TBT) trước ngưỡng cửa CPTPP”…

Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 13/04/2019.

Cẩm Hà


Các tin khác