Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da – Giầy lần thứ 3


Ngày 20/10, tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU), CLB Khoa học Dệt, May, Da – Giầy Việt Nam (VIATAL) tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da – Giầy lần thứ 3.

Toàn cảnh Hội nghị

Tới dự Hội nghị có ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex); PGS.TS Huỳnh Đăng Chính – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST); PGS.TS. Phan Thanh Thảo, Viện trưởng Viện Dệt May, Da giầy và Thời trang, ĐH Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch CLB Khoa học Dệt, May, Da – Giầy Việt Nam; TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, cùng đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), Viện Da – Giầy, lãnh đạo các doanh nghiệp, trường đào tạo và gần 100 các nhà khoa học trong lĩnh vực dệt may, da giầy.

Lãnh đạo Vinatex, HUST, VIATAL, HTU chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà khoa học, lãnh đạo các viện, trường, doanh nghiệp

Trên cơ sở thành công của Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da – Giầy lần thứ 1 và lần thứ 2 (NSCTEX 2018 và NSCTEX 2020) được tổ chức tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da – Giầy lần thứ 3 (NSCTEX 2022) được tổ chức tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã thu hút gần 100 nhà khoa học tham gia với 54 báo cáo khoa học được phản biện thông qua 2 vòng độc lập. Hội nghị đánh dấu sự tiếp nối trọng trách xây dựng diễn đàn cho nhà khoa học thông báo các kết quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Dệt, May, Da – Giầy. Đồng thời, tạo ra cơ hội để các nhà khoa học, đồng nghiệp và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi những vấn đề thời sự liên quan đến đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các Trường đại học, Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp dệt may, da giầy.

PGS.TS. Phan Thanh Thảo- Viện trưởng Viện Dệt May, Da giầy và Thời trang, ĐH Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch CLB Khoa học Dệt, May, Da – Giầy Việt Nam phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Phan Thanh Thảo- Viện trưởng Viện Dệt May, Da giầy và Thời trang, ĐH Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch CLB Khoa học Dệt, May, Da – Giầy Việt Nam cho biết, trong những năm qua tận dụng lợi thế của cuộc CMCN 4.0, cùng với các Hiệp định FTAs đã tạo đà cho ngành Dệt May phát triển, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đặc biệt, ngành Dệt May là ngành có thặng dư thương mại lớn nhất cả nước năm 2021 đạt khoảng 20 tỷ USD, cũng như tỷ lệ nội địa hóa đã tăng lên 57% trong 8 tháng năm 2022. Điều này phản ánh trí tuệ của người Việt trong các sản phẩm dệt may đã được nâng cao, trong đó có sự đóng góp của các Viện, Trường trong nghiên cứu khoa học và đào tạo của ngành.

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex chúc mừng hơn 100 nhà khoa học là tác giả của 54 báo cáo khoa học có thể triển khai áp dụng rộng rãi vào thực tế sản xuất mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex nhận định, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước xác định “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội” là trọng tâm trong phát triển kinh tế, ngành Dệt May cũng không nằm ngoài xu thế đó. “Tôi nhiệt liệt chúc mừng hơn 100 nhà khoa học là tác giả của 54 báo cáo khoa học với nhiều chủ đề khác nhau được trình bày trong các phiên làm việc tại Hội nghị. Đây là những kết quả nghiên cứu hoàn toàn có thể được triển khai áp dụng rộng rãi vào thực tế sản xuất mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Các kết quả nghiên cứu tập trung vào các nội dung như công nghệ và thiết bị đối với toàn chuỗi sản xuất Sợi – Dệt – Nhuộm – May, đặc biệt chú trọng sản xuất bền vững – là những vấn đề mà ngành Dệt May Việt Nam đang tiếp cận, cũng là xu hướng tất yếu của ngành trên toàn thế giới. Điều này cho thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng gắn với thực tế sản xuất, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như chiến lược phát triển của toàn ngành. Từ góc nhìn của doanh nghiệp, chúng tôi thực sự quan tâm đến những chủ đề nghiên cứu tập trung giải quyết những vấn đề mà các đơn vị sản xuất đang phải hàng ngày đối mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng hay đón đầu những xu thế chung của các thị trường mà Dệt May Việt Nam đang hướng đến”-  Tổng Giám đốc Vinatex nhấn mạnh.

PGS.TS Huỳnh Đăng Chính – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, ngành dệt may đã và đang có nhiều cơ hội để phát triển, trong đó các ưu đãi về thuế suất thông qua các Hiệp định FTAs. Trong thời gian tới, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong ngành sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của khối viện, trường đào tạo. Mặc dù, các cơ sở đào tạo nhân lực đã và đang nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu của ngành. Tuy nhiên, việc trao đổi thông tin, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, doanh nghiệp còn hạn chế và cần có sự gắn kết để tạo thành một khối thống nhất trên toàn quốc.

TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng HTU nhấn mạnh sứ mệnh của Nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt May Việt Nam 

TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng HTU, đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị cho biết, trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt May, HTU là trường Đại học duy nhất có đầy đủ các ngành học đào tạo về chuỗi cung ứng, từ thiết kế, sợi dệt, cho tới marketing thời trang và xuất khẩu. Trong 3 trụ cột chính của HTU, trụ cột thứ nhất là Nhà trường đã nỗ lực thiết kế các chương trình đào tạo chính quy, đào tạo ngắn hạn để có được nhân lực chất lượng cao cho chuỗi cung ứng; Trụ cột thứ 2 là nghiên cứu khoa học, với đặc thù là nhà trường đào tạo theo tính ứng dụng nên các đề tài nghiên cứu từ cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tập đoàn và DN đều là những nghiên cứu nhằm triển khai các thành tựu, kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất trong các DN dệt may; Trụ cột thứ 3 là phục vụ cộng đồng, đó là các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cán bộ từ các lớp giám đốc DN, chuyền trưởng, tổ trưởng, cán bộ kỹ thuật trong các DN dệt may.

Các nhà khoa học trình bày các đề tài nghiên cứu trong Hội nghị

Trong khuôn khổ của Hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia đã cùng thảo luận về các vấn đề khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt, may, da – giầy thông qua 01 phiên chung và 03 phiên hội thảo chuyên đề: (1) Công nghệ và vật liệu sợi, dệt, nhuộm, da – giầy; (2) Công nghệ và thiết bị may, thời trang; (3) Kinh doanh và phát triển bền vững dệt may, da – giầy.

Tại phiên chung, khách mời và đại biểu tham dự hội nghị đã cùng thảo luận về ứng dụng của khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt, may, da – giầy với 05 bài trình bày đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu về dệt, may, da – giầy tại Việt Nam. Tại 03 phiên hội thảo chuyên đề, có 15 báo cáo được công bố và thảo luận nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực dệt, may, da giầy…

Hoạt động với định hướng đào tạo ứng dụng toàn diện lĩnh vực dệt may, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội luôn nỗ lực đóng góp vào sứ mệnh nghiên cứu, phát triển của ngành dệt may. Nhà trường sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các tổ chức, viện nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may để đồng hành cùng chiến lược đào tạo, nghiên cứu của Nhà trường.

Quang Nam


Các tin khác